1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Núi Everest bị chê "quá đông và bẩn"

Quốc Đạt

(Dân trí) - Thành viên duy nhất còn sống trong đoàn thám hiểm đầu tiên chinh phục đỉnh Everest cho rằng, đỉnh núi cao nhất thế giới là vị thần cần được tôn trọng nhưng hiện quá "đông đúc và bẩn".

Núi Everest bị chê quá đông và bẩn - 1

Nhóm người trên đường tới đỉnh núi Everest (Ảnh: AFP/Getty).

Kanchha Sherpa, 91 tuổi, là một trong 35 thành viên đoàn thám hiểm từng giúp ông Edmund Hillary và sherpa Tenzing Norgay ("sherpa" là người bản địa vùng núi Himalaya, giàu kinh nghiệm leo núi) chinh phục đỉnh núi cao 8.849m vào ngày 29/5/1953.

"Sẽ tốt hơn cho ngọn núi nếu giảm số lượng người leo núi", ông Kanchha trả lời phỏng vấn tại Kathmandu hôm 2/3. "Hiện trên đỉnh núi luôn có rất đông người".

Từ sau chuyến đi của ông Hillary và Tenzing, hàng nghìn người đã leo lên "nóc nhà thế giới" và con số mỗi năm càng đông. Trong mùa leo núi xuân 2023 từ tháng 3 đến tháng 5, 667 người đã leo đỉnh Himalaya, đưa theo hàng nghìn nhân viên hỗ trợ đến trại căn cứ (base camp).

Núi Everest bị chê quá đông và bẩn - 2

Ông Kanchha Sherpa (Ảnh: Kanchha Foundation).

Đã có một số ý kiến lo ngại về lượng người có mặt trên ngọn núi trong nhiều tháng liên tục, nhưng nhà chức trách hiện không có kế hoạch cắt giảm số giấy phép cấp cho người leo núi.

Theo quy định, người leo núi phải tự dọn rác của mình và không được để lại thiết bị hay các thứ đồ khác mà họ mang theo người. Nếu không, họ có khả năng mất tiền đặt cọc. Dù vậy, việc giám sát chưa hiệu quả, theo Guardian.

"Bây giờ ngọn núi rất bẩn. Người ta ăn xong là ném hộp thiếc và giấy gói ra đất. Ai sẽ dọn bây giờ?", ông Kanchha nói. "Một số người leo núi cứ thế vứt rác vào giữa những khe băng, lúc đó thì không lộ, nhưng rồi nó cũng sẽ chảy xuống trại căn cứ theo dòng tuyết tan".

Người Sherpa coi núi Everest là Qomolangma, hay mẫu thần của thế giới. Họ thường thực hiện các nghi lễ tôn giáo trước khi leo lên đỉnh.

"Họ không được làm bẩn ngọn núi. Đó là vị thần lớn nhất của chúng tôi và họ không nên làm ô uế các vị thần", ông Kanchha nói. "Qomolangma là vị thần lớn nhất đối với người Sherpa, nhưng người ta cứ hút thuốc, ăn uống rồi vứt ra núi".

Khi còn trẻ, ông Kanchha từng tham gia chuyến thám hiểm năm 1953 và là 1 trong 3 người Sherpa đến trại cuối cùng trên Everest cùng với Hillary và Tenzing. Tuy nhiên, cả 3 không thể đi xa hơn vì không có giấy phép.

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm