Nỗi lo viêm phổi lạ bùng phát giữa lúc “biển người” Trung Quốc di dân ăn Tết
(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng bệnh viêm phổi lạ nguồn gốc ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm không thể tồi tệ hơn, trong bối cảnh hàng trăm triệu người về quê cũng như hàng triệu công dân Trung Quốc ra nước ngoài để đón Tết âm lịch.
Bệnh viêm phổi lạ bắt nguồn từ Vũ Hán đang diễn ra với tình hình phức tạp và làm dấy lên mối lo ngại về việc nó sẽ lây lan ra với tốc độ nhanh và quy mô rộng.
Căn bệnh với virus corona xuất hiện ngay vào thời điểm hàng triệu người Trung Quốc di chuyển tới các chuyến tàu, xe buýt, máy bay để đoàn tụ với gia đình nhân dịp Tết âm lịch. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng ra nước ngoài du lịch trong dịp này. Năm ngoái, có 7 triệu du khách Trung Quốc đi đến các nước khác trong dịp Tết Âm lịch, theo truyền thông nhà nước.
Theo CNN, thời điểm căn bệnh viêm phổi lạ bùng phát được xem như không thể tồi tệ hơn khi cuộc di dân quy mô “khủng” nhất thế giới có tên “Xuân vận” đang diễn ra. Trung Quốc ước tính, trong 40 ngày kể từ ngày 10/1, sẽ có 3 tỷ chuyến đi được thực hiện.
Hơn 200 người tới nay đã bị nhiễm virus corona mới, và có ít nhất 3 quốc gia đã phát hiện ra các trường hợp mang virus xuất hiện trong lãnh thổ của họ. Ngày 20/1, Trung Quốc xác nhận rằng virus viêm phổi Vũ Hán có thể lây từ người qua người và các nhân viên y tế nước này cũng đã bị lây nhiễm.
Trước đó, Hàn Quốc cũng xác nhận đã phát hiện vụ nhiễm virus viêm phổi lạ đầu tiên, đánh dấu là quốc gia thứ 3 sau Thái Lan và Nhật Bản có người mang mầm bệnh. Toàn bộ các vụ phát hiện đều liên quan tới những người từng di chuyển tới Vũ Hán.
Các nhà khoa học Trung Quốc ngày 8/1 phát hiện mầm bệnh là một chủng virus corona mới, cùng họ với virus gây nên hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Năm 2002-2003, đại dịch SARS đã lây lan ra 8.000 người và khiến 774 người thiệt mạng. Mầm bệnh thậm chí còn lan rộng ra khỏi khu vực châu Á sang tới Canada.
Trong buổi họp báo ngày 20/1, chuyên gia Trung Quốc Zhong Nanshan cho rằng virus viêm phổi Vũ Hán tuy tương đồng nhưng không mạnh như SARS. Từ tháng 12 năm ngoái tới nay, 4 người đã chết vì nhiễm loại virus lạ này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 20/1 nói rằng kể từ khi phát hiện dịch, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp chủ động để ngăn ngừa lây lan. Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói rằng tình hình hiện tại “vẫn ngăn chặn và kiểm soát được”.
Nhiều lo ngại
Chuyên gia Mike Turner của tổ chức từ thiện y tế Wellcome Trust (Anh) cho rằng một trong những hậu quả của một thế giới ngày càng kết nối chính là việc lây lan các bệnh và virus nhanh hơn rất nhiều so với đại dịch SARS 5 năm trước.
Theo CNN, ngày càng nhiều trường hợp bị phát hiện tại Trung Quốc dường như cho thấy virus có thể đã lan ra xa hơn phạm vi Vũ Hán, gây ra những mối đe dọa không thể lường trước.
Sáng ngày 21/1, Trung Quốc phát hiện 5 trường hợp mang virus viêm phổi lạ ở Bắc Kinh, 2 ở Thượng Hải và 14 ở Quảng Đông, tất cả đều cách hàng trăm km so với Vũ Hán. Các trường hợp nghi nhiễm virus cũng được thông báo trên khắp Trung Quốc, từ tỉnh phía đông Sơn Đông cho tới tỉnh phí tây nam ở Tứ Xuyên.
Chuyên gia Jeremy Farrar của Wellcome Trust đánh giá rằng tình hình hiện thời là “cực kỳ đáng lo ngại”. Ông Farrar đưa ra giả thiết rằng có khả năng xảy ra kịch bản rằng một số người đã mắc virus nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ, hoặc mắc nhưng không có triệu chứng bệnh.
Những người này có thể vô tình lây nhiễm mầm bệnh cho những người khỏe mạnh khác và khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các triệu chứng ban đầu của virus viêm phổi lạ Vũ Hán bao gồm ho và sốt nhẹ, khá giống với bệnh cúm thường vốn xảy ra vào mùa đông.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết họ sẽ tổ chức họp khẩn vào ngày 22/1 để bàn về tình hình lây nhiễm virus lạ.
Chính phủ các nước trên toàn thế giới bắt đầu có các biện pháp ứng phó với mối đe dọa. Ngày 21/1, Australia tuyên bố sẽ có thêm các biện pháp kiểm tra và rà soát với các chuyến bay từ Vũ Hán tới Sydney. Mỹ cũng tuyên bố sẽ gia tăng các phương án phát hiện bệnh dịch với hành khách từ Vũ Hán đi New York, San Francisco và Los Angeles. Một số nước châu Á cũng đã có các động thái tương tự.
Tại Vũ Hán, các máy quét nhiệt đã được lắp đặt ở sân bay, ga tàu hỏa, bến xe và cảng để đo nhiệt độ của hành khách rời thành phố từ ngày 14/1. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ được thực hiện 5 tuần sau khi bệnh dịch xuất hiện, đồng nghĩa với việc có nhiều hành khách rời thành phố mà không được kiểm tra.
Đức Hoàng
Tổng hợp