Nỗi đau chia cắt khi người Hàn Quốc không hiểu tiếng Triều Tiên
(Dân trí) - Ngay cả khi đã ổn định cuộc sống mới tại Hàn Quốc, những người Triều Tiên đào tẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có rào cản về ngôn ngữ, dù tất cả họ đều sống chung trên một bán đảo.
Ngữ điệu khác biệt
Khi đào tẩu sang nước láng giềng hồi năm 2010, Ken Eom hoàn toàn bất ngờ khi nhận ra rằng nền văn hóa và ngôn ngữ chung giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã chia rẽ nhiều đến mức như vậy sau vài thập niên chiến tranh và chia tách. Đất nước Hàn Quốc không chỉ tự do và hiện đại hơn so với quê hương Triều Tiên mà Ken Eom từng biết, ngôn ngữ tại quốc gia này nhiều khi cũng gây khó khăn cho chính một người Triều Tiên như Ken.
Giọng nói mang âm điệu Triều Tiên của Ken khiến những người Hàn Quốc nhìn nhận anh như người dân từ một xứ lạ, thay vì một dân tộc cùng chung sống trên bán đảo Triều Tiên. Giọng nói khác biệt cũng là dấu hiệu dễ nhận biết, dẫn tới nhiều vấn đề mà Ken gặp phải khi sống tại Hàn Quốc.
“Tôi có thể hiểu khoảng 70% những cuộc hội thoại trên đường phố Seoul. Nhưng ở phía bên kia, người Hàn không thể hiểu nổi tôi. Họ không thể hiểu ngôn ngữ của chúng tôi”, Ken, 37 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn với một trường Anh ngữ ở thủ đô của Hàn Quốc.
Ken Eom từng dành 10 năm phục vụ trong quân đội Triều Tiên và thề trung thành với chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, khi Ken trở lại quê nhà ở thành phố Hasong gần núi Paektu giáp biên giới Trung Quốc, anh nhận ra rằng căn nhà của mình hoàn toàn trống trải. Cả gia đình Ken đã bỏ trốn khỏi Triều Tiên. Năm 2010, Ken cũng đi theo gia đình, đào tẩu sang Trung Quốc trước khi tới Hàn Quốc.
Theo chia sẻ của Ken, nếu một người Triều Tiên đào tẩu chưa từng có thời gian sống gần thủ đô Bình Nhưỡng hoặc một thành phố gần biên giới với Hàn Quốc, ngữ điệu trong giọng nói của họ sẽ bị “nặng” tới mức người Hàn Quốc không thể theo kịp một nửa số câu người Triều Tiên nói ra.
Sau khi đặt chân an toàn tới Hàn Quốc, Ken Eom bắt đầu gặp khó khăn do khác biệt về giọng nói với người dân bản địa. Ken nhớ lại thời điểm anh gọi điện cho một trạm xăng để hỏi xin việc. Ông chủ đã nhận ra giọng nói khác biệt của Ken, ngắt lời và hỏi có phải anh từ Trung Quốc đến không?
“Tôi nói tôi không phải người Trung Quốc. Tôi thực sự là người Triều Tiên”, Ken nhớ lại.
Người quản lý trạm xăng sau đó nói rằng anh ta không hứng thú với trường hợp của Ken. “Tôi không biết chính xác là anh ta cảm thấy như thế nào khi nghe thấy tiếng địa phương của tôi, giọng nói của tôi. Nhưng tôi nghĩ anh ta sợ thuê lao động là người đào tẩu Triều Tiên”, Ken cho biết.
Che giấu gốc gác
Tto-Hyang đã dành nhiều năm để sửa giọng nói Triều Tiên khi sống tại Hàn Quốc (Ảnh: CBC)
Theo Ken, một sinh viên tốt nghiệp ngành phân tích chính sách tại Đại học Hàn Quốc, việc những người đào tẩu Triều Tiên trong độ tuổi 20-30 tìm cách xóa bỏ những dấu vết còn sót lại trong lý lịch liên quan tới Triều Tiên của mình khi tới Hàn Quốc không phải là chuyện hiếm gặp.
“Những người trẻ, đặc biệt là những ai muốn học đại học, hay muốn đi làm, họ cố gắng tìm cách học giọng điệu của người Hàn Quốc”, Ken nói. Và anh cũng là một trong số này.
“Nhưng điều đó không phải vì tôi đang tìm cách che giấu gốc gác của mình”, Ken nói. Lý do khiến Ken đổi giọng chỉ đơn giản để giúp những người Hàn Quốc có thể hiểu anh dễ dàng hơn.
“Một số người bạn của tôi có thể che giấu giọng Triều Tiên của họ và sử dụng giọng Hàn Quốc. Nhưng cũng có một vài người, họ sợ bị lộ gốc gác của mình… rằng họ là người từ Triều Tiên”, Ken chia sẻ thêm.
Khi Tto-Hyang, 28 tuổi, lần đầu làm thu ngân trong một cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc, cô đã nhận ra sự khác biệt trong giọng nói Triều Tiên của mình. Những vị khách hỏi Hyang rằng cô từ đâu đến mỗi khi cô cất tiếng chào họ.
“Rất dễ nhận ra chúng tôi từ Triều Tiên đến. Nhưng cách mọi người nhìn nhận người Triều Tiên không ổn chút nào. Do vậy, thực sự rất khó khăn để tìm một công việc”, Hyang chia sẻ.
Tto-Hyang đã dành nhiều năm để “sửa giọng”. Nhưng với một người từng có 20 năm sống ở Triều Tiên như cô, điều này không hề dễ dàng. Giọng nói cũ vẫn không thể mất đi hoàn toàn.
Sau 7 thập niên chia cắt do chiến tranh, sự khác biệt sâu sắc về ngôn ngữ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xuất hiện khi Triều Tiên trở thành một quốc gia khép kín, trong khi Hàn Quốc vươn mình phát triển nhanh chóng thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Tốc độ phát triển kéo theo quá trình giao lưu văn hóa, và ngôn ngữ của người Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện những từ “đi mượn” từ tiếng Anh Mỹ.
Theo cách rất tự nhiên, người Hàn Quốc thường pha lẫn tiếng Hàn với tiếng Anh khi nói chuyện. Chẳng hạn cụm từ nước cam ép trong tiếng Anh là “orange juice” sẽ trở thành “olenji juseu” trong tiếng Hàn. Đối với những người Triều Tiên mới đến Hàn Quốc, đây thực sự là một trở ngại.
“Họ gọi đó là tiếng “Konglish” (Korea-English). Nhiều người nhập cư sẽ rất vất vả với thứ tiếng này trong quá trình giao tiếp hàng ngày với người Hàn Quốc”, Casey Lartigue, đồng sáng lập Teach North Korean Refugee (TNKR) - tổ chức phi lợi nhuận giúp những người đào tẩu Triều Tiên hòa nhập với xã hội Hàn Quốc thông qua các giờ học tiếng Anh miễn phí, cho biết.
Vấn đề nhận thức
Dự án về cuốn từ điển chung giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mang tên Từ điển Thống nhất liên Triều, hay còn gọi là Gyeoremal Keunsajeon , đã được triển khai từ nhiều năm nay. Khoảng 300.000 từ đã được các nhà ngôn ngữ học từ cả hai nước đưa vào cuốn từ điển này. Cuốn từ điển chung dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm tới.
Trong cuộc khảo sát năm 2014, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hơn 40% số người Triều Tiên định cư tại Hàn Quốc coi vấn đề giao tiếp là thách thức lớn đối với họ trong quá trình hòa nhập với cộng đồng.
Hàn Quốc là đất nước của nhiều kiểu ngữ điệu, không chỉ riêng ngữ điệu Triều Tiên. Những người bản xứ ở đảo Jeju, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở ven biển Hàn Quốc, cũng nói bằng ngữ điệu không dễ hiểu đối với nhiều người Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngữ điệu Triều Tiên thường khiến người Hàn Quốc nghĩ đến sự chênh lệch. Một số người Hàn Quốc vẫn xem những người Triều Tiên là không được giáo dục, thiếu văn minh hay không đáng tin cậy.
“Đó là vấn đề về nhận thức, về tư tưởng gắn với người Triều Tiên”, Giáo sư Young-key Kim-Renaud tại Đại học George Washington nói, đồng thời cho rằng sự chia rẽ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày càng dễ nhận thấy khi cả hai nước đều tìm cách thay đổi suy nghĩ của giới trẻ từ rất sớm.
Eunkoo Lee, đồng sáng lập tổ chức TNKR, nhớ lại việc cô từng được dạy trong trường tiểu học rằng “người Triều Tiên là kẻ thù” của Hàn Quốc. Theo Lee, truyền thông Hàn Quốc cũng thường đưa tin về Triều Tiên theo hướng tiêu cực.
Thành Đạt
Theo CBC