1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nỗi ám ảnh mang tên IS

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-6 tuyên bố, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Tunisia và Kuwait diễn ra cùng ngày có liên quan đến nhau.

Nhưng việc các cuộc tấn công khủng bố diễn ra chỉ một ngày sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xúi giục tấn công trong tháng lễ Ramadan, cho thấy tổ chức cực đoan này đang ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.

Cảnh sát áp giải một người bị tình nghi có liên quan đến vụ tấn công khách sạn ở Tunisia.
Cảnh sát áp giải một người bị tình nghi có liên quan đến vụ tấn công khách sạn ở Tunisia.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết hiện công tác điều tra đang được tiến hành, song tới nay “vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công trên được phối hợp với nhau về cấp độ chiến thuật”. Trong các vụ tấn công ở Kuwait và Tunisia, IS đã nhận trách nhiệm gây ra những vụ việc trên.
 
Nghi phạm gây ra vụ tấn công tại một nhà máy khí gaz ở Pháp được cho là không có đồng phạm và thực hiện một mình. Tuy nhiên, việc thủ phạm tấn công nhà máy hóa chất gần Lyon (Pháp), chặt đầu một người tại đây rồi treo trên hàng rào, đồng thời âm mưu làm nổ tung nơi này bằng cách lao xe vào các thùng chứa khí đốt mang nhiều điểm đặc trưng cho sự ngông cuồng và dã man của IS.
 
Pháp từ tháng 1 đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao sau vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, nhưng vẫn không thể ngăn vụ việc xảy ra. Điều này phản ánh mức độ khó khăn trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công quy mô nhỏ và được thực hiện đơn lẻ, theo Wall Street Journal.
 
Theo giới chuyên gia, hiện không có dấu hiệu cho thấy các vụ khủng bố này được phối hợp thực hiện nhưng chúng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức ảnh hưởng của IS, cũng như những mối đe dọa về an ninh mà nhóm này có thể mang lại từ những cuộc tấn công đơn lẻ.
 
 "Chúng tôi vẫn thực hiện tốt việc giám sát mạng lưới khủng bố, nhưng để chặn đứng các cuộc tấn công đơn độc thì khó khăn gấp nhiều lần", Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.
 
Điều đáng nói là các vụ khủng bố xảy ra chỉ một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về khủng bố toàn cầu năm 2014. Báo cáo của Mỹ công bố hôm 19-6 cho thấy, chưa khi nào, mối lo ngại về khủng bố lại bao trùm lên một phạm vi rộng lớn như hiện nay.
 
Số vụ tấn công do các phần tử khủng bố tiến hành trong năm 2014 đã tăng 35% so với năm 2013 và có tới 81% các vụ tấn công gây thương vong. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có gần 33.000 người bị giết hại trong khoảng 13.500 vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp thế giới, so với 9.707 vụ và hơn 17.800 người thiệt mạng của năm 2013.
 
Như vậy trung bình mỗi tháng, trên thế giới xảy ra hơn 1.110 vụ tấn công. Trong đó, đáng chú ý có tới 20 vụ tấn công được liệt vào hàng “thảm sát”, mỗi vụ khiến hơn 100 người thiệt mạng. Báo cáo còn nhấn mạnh sự gia tăng số lượng các vụ tấn công được gọi là "sói đơn độc" ở phương Tây-ám chỉ các vụ tấn công do các phần tử khủng bố, cực đoan hoạt động đơn độc tiến hành.
 
Trở lại với ba vụ khủng bố ngày 26-6, nhiều chuyên gia cho rằng, các vụ khủng bố không chỉ gây sự hoang mang lo lắng cho cộng đồng, mà đã làm bật lên sự nguy hiểm trong quá trình mở rộng ảnh hưởng của IS.
 
 "Hiểm họa IS đang lan rộng, vượt qua cả biên giới Iraq và Syria", Ed Royce, thành viên đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, nhận xét. "Khi chúng vẫn còn nơi trú ẩn an toàn thì các cuộc tấn công kiểu này sẽ tái diễn".
 
Chính Bộ Ngoại giao Mỹ, trong Báo cáo khủng bố toàn cầu năm 2014 cũng đã cảnh báo IS đã thay thế Al Qaeda để trở thành “nhóm khủng bố hàng đầu thế giới".
 
Báo cáo cho biết, mặc dù đã có một liên minh chống IS toàn cầu và một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc đi lại của các tay súng nước ngoài, song trong năm 2014 vẫn có tới hơn 16.000 tay súng nước ngoài tràn đến Syria và Iraq tham gia các nhóm thánh chiến.
 
Mặc dù những nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế đã bước đầu cho thấy tác dụng, song việc IS chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria cũng như phản ứng yếu kém của chính phủ nhiều nước là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới.
 
Trong khi đó, Bruce Hoffman, giáo sư về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Georgetown, cho rằng chuỗi các vụ khủng bố xảy ra hôm 26-6 mang đến nhiều dấu hiệu xấu, bất chấp việc chúng có mối liên hệ với nhau hay không.
 
"Nếu IS chịu trách nhiệm cho cả ba vụ thì lúc này chúng ta không chỉ phải đối phó với mối đe dọa mang tính địa phương mà là cả một tổ chức khủng bố phân tán rộng về mặt địa lý. Nếu chúng không phải do một tay IS thực hiện, điều này thậm chí còn tồi tệ hơn. Đó có thể do chi nhánh của chúng hay tổ chức cảm tình với IS, hoặc Al Qaeda chủ mưu", ông Hoffman nhận định. "Hiểm họa đến từ cả hai phía: Những phần tử cực đoan đơn độc và các tổ chức lớn có năng lực chỉ huy và điều hành", ông nhấn mạnh.
 
Còn tờ The Guardian của Anh thì cho rằng, việc các vụ tấn công xảy ra tại ba nơi khác nhau và gần như đồng thời mang đến cảm giác những kẻ khủng bố có khả năng gieo rắc tai họa ở mọi nơi, mọi lúc.
 
Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm