Nỗi ám ảnh cô dâu thánh chiến ở Mỹ
Tashfeen Malik, cô gái người Pakistan đặt chân đến Mỹ bằng visa hôn nhân rồi gây ra vụ xả súng khủng bố ở San Bernardino, bang California khiến 14 người thiệt mạng đã gieo rắc một ám ảnh mới với Washington về các cô dâu thánh chiến.
Đó là khả năng những cô gái ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng người nước ngoài kết hôn cùng công dân Mỹ, đến đất nước cờ hoa để rồi tiến hành các vụ khủng bố như trường hợp của cô dâu Tashfeen Malik 29 tuổi này. Chính Giám đốc FBI James Comey từng thừa nhận rằng đây là một yếu tố quan trọng cần phải được tìm hiểu.
Cô dâu Tashfeen Malik và chồng Syed Rizwan Farook.
Các chuyên gia, luật sư nhập cư và nhà ngoại giao Mỹ nhận định rằng chưa có cơ sở rõ ràng cho thấy cô dâu nước ngoài dựa vào hôn nhân để thực hiện nhiệm vụ khủng bố, nhưng họ cũng cảnh báo rằng điều này có thể thay đổi đặc biệt là khi IS đang tích cực tuyển mộ các nữ chiến binh cực đoan đang sống tại chính các nước phương Tây.
Chuyên gia an ninh cũng phân tích rằng tuy IS cấm phụ nữ cầm vũ khí chiến đấu nhưng việc này có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Được biết, trong thời gian qua, IS đã rất tích cực mời gọi các cô gái trẻ đến lãnh địa của nhóm khủng bố này tại Syria để trở thành cô dâu cho chiến binh của chúng.
Sasha Havlicek một thành viên sáng lập Viện Đối thoại Chiến lược tại Anh nhấn mạnh: “Khi chúng đánh hơi thấy cơ hội thì đối tượng được chúng ưu tiên tiến hành khủng bố chính là phụ nữ. Chúng ta sẽ thấy thêm nhiều nữ khủng bố trong tương lai”.
Theo thống kê mới đây của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã có gần 30 nữ công dân rời nước này để gia nhập IS. Con số này còn cao hơn ở châu Âu với hơn 600 phụ nữ trong cùng khoảng thời gian.
Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc kiểm tra “lý lịch cực đoan” của các cô dâu tương lai hay không, nhưng một số gia đình Pakistan tại Mỹ đã chia sẻ với phóng viên hãng tin AP rằng họ đang mất niềm tin vào các trang web mai mối vì mối lo ngại này. Các gia đình gốc Pakistan tại Mỹ và các nước phương Tây thường ưu tiên các cô dâu ở quê nhà mà họ coi là mẫu phụ nữ nội trợ điển hình.
Eric T. Dean Jr. luật sư nhập cư ở Connecticut với nhiều kinh nghiệm về visa hôn nhân cho biết ông nhận thấy hầu hết các cô dâu tương lai người Pakistan thường không phải trải qua kiểm tra an ninh cẩn thận.
Bộ ngoại giao Mỹ trong năm 2014 mới chỉ từ chối 618 trong tổng số 36.500 người nước ngoài đăng ký visa hôn nhân tới nước này. Điểm đặc biệt là bộ này lại từ chối cung cấp thông tin chính xác có bao nhiêu người trong số bị từ chối bắt nguồn từ lo ngại an ninh.
Theo Hà Linh/AP
baotintuc.vn
(bài gốc: http://www.baotintuc.vn/the-gioi/noi-am-anh-co-dau-thanh-chien-o-my-20151216110655228.htm)