1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kẻ xả súng tại California có liên hệ với khủng bố

(Dân trí) - Một tay súng trong vụ thảm sát 14 người tại bang California hôm 2/12 có vẻ đã bị cực đoan hóa và có liên hệ với những người đang bị FBI điều tra về khủng bố quốc tế, các quan chức thực thi pháp luật Mỹ tiết lộ.

 


Nghi phạm Syed Rizwan Farook (Ảnh: AP)

Nghi phạm Syed Rizwan Farook (Ảnh: AP)

Tay súng Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, vợ Tashfeen Malik, 27 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết trong cuộc truy đuổi sau vụ xả súng tại trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Inland Regional ở thành phố San Bernardino. Farook là thanh tra y tế tại Sở y tế San Bernardino.

Các nguồn tin cho hay sự cực đoan hóa của Farook góp phần khiến tên này gây ra vụ xả súng tại một bữa tiệc, làm 14 người chết và 17 người khác bị thương. Đây có thể không phải là động cơ duy nhất sau vụ xả súng, vì những bất mãn trong công việc có thể là một phần nguyên. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cũng ám chỉ rằng những kẻ tấn công có thể có nhiều động cơ.

David Bowditch, trợ lý giám đốc vụ trách văn phòng tại Los Angeles của FBI, cho biết với báo giới rằng Farook từng tới Pakistan.

Hai quan chức chính phủ Mỹ khác cho hay Farook đã tới Ả-rập Xê-út trong vài tuần vào năm 2013 để tham dự lễ hành hương tới thánh địa Meccca, việc người Hồi giáo phải làm ít nhất 1 lần trong đời. Cũng trong chuyến đi này, y đã gặp Malik, một công dân Pakistan. Cô này tới Mỹ vào tháng 7/2014 theo “visa hôn thê” và sau đó trở người cư trú lâu dài hợp pháp.

Giới chức Mỹ và Ả-rập Xê-út xác nhận Farook cũng tới Ả-rập Xê-út vào tháng 7/2014 và ở đây trong 9 ngày.

Trước đó, giới chức cho hay cả Farook và Malik đều không bị FBI để mắt và cũng không nằm trong danh sách những người có khả năng bị cực đoan hóa. Họ cũng không va chạm gì với cảnh sát cho tới ngày gây án.

Tuy nhiên, các quan chức thực thi luật pháp cho hay, Farook đã trò chuyện qua điện thoại và trên mạng xã hội với hơn 1 người bị điều tra về tội khủng bố. Các liên lạc này diễn ra không thường xuyên. Các liên lạc qua lại cuối cùng giữa nghi phạm và những người đó đã xảy ra vài tháng trước.

Không rõ những liên lạc đó có đóng vai trò gì trong vụ thảm sát tại San Bernardino. Giới chức Mỹ hiện vẫn chưa rõ điều này và đang tiếp tục điều tra.

Tìm thấy hàng nghìn băng đạn tại nhà nghi phạm

Trong một diễn biến khác, BBC đưa tin cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy nhiều vũ khí tại nhà của hai nghi phạm.

Theo nguồn tin trên, các thiết bị chế tạo bom, các vũ khí và hàng nghìn băng đạn đã bị cảnh sát phát hiện trong cuộc đột kích sau vụ thảm sát.

Cảnh sát trưởng San Bernardino, ông Jarrod Burguan, cho hay dường như hai nghi phạm đã chuẩn bị tiến hành một vụ tấn công khác.

Trước đó, cảnh sát cho biết, trong vụ đấu súng với lực lượng an ninh sau vụ thảm sát, Farook và Malik đã sử dụng 76 băng đạn để nã về phía cảnh sát, và cảnh sát đáp trả với 380 băng đạn. Hai cảnh sát đã bị thương trong vụ truy đuổi.

Vụ thảm sát tại trung tâm Inland Regional là vụ xả súng đẫm máu nhất tại Mỹ kể từ vụ thảm sát trường học ở Newtown, Connecticut, khiến 26 người thiệt mạng vào năm 2012.

Danh sách 14 nạn nhân đã được cảnh sát Mỹ công bố cách đây ít giờ. Một cô gái gốc Việt nằm trong số những người thiệt mạng.

Cảnh sát vẫn đang điều tra động cơ gây án án của hai nghi phạm.

An Bình