1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nợ nần trầm trọng vì dự án với Trung Quốc, Montenegro "cầu cứu" EU

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một quốc gia ở vùng Balkan đã phải nhiều lần đề xuất Liên minh châu Âu EU trợ giúp vì khoản nợ vướng phải khi hợp tác xây một dự án đường cao tốc đắt đỏ với Trung Quốc.

Nợ nần trầm trọng vì dự án với Trung Quốc, Montenegro cầu cứu EU - 1

Một phần của con đường trong dự án (Ảnh: AFP).

SCMP đưa tin, EU tuyên bố sẽ không giúp Montenegro trả khoản nợ gần 1 tỷ USD với Trung Quốc, từ chối giúp đỡ quốc gia vùng Balkan dù Montenegro nhiều lần đề nghị được hỗ trợ.

Peter Stano, phát ngôn viên EU, nói với SCMP rằng khối này sẽ "không trả nợ cho các đối tác vay từ bên thứ 3" mặc dù quan chức này bày tỏ mối quan ngại về "tác động kinh tế xã hội và tài chính của một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào Montenegro".

Đại diện EU cũng cho hay, Brussels sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ Montenegro - một ứng cử viên đang xin gia nhập EU.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Montenegro Milojko Spajic trở thành thành viên nội các mới nhất của quốc gia Balkan đề xuất EU trợ giúp trả khoản vay bằng USD họ đã ký với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc vào năm 2014 để xây dựng đoạn đầu tiên của đường cao tốc nối nước này với nước láng giềng Serbia.

Khoản vay này là di sản của chính phủ tiền nhiệm và ông Spaijic khẳng định rằng chính phủ mới, vốn lên nắm quyền vào tháng 12/2020, mong muốn xích về phía EU nhiều hơn Trung Quốc.

"Về vấn đề cơ sở hạ tầng, chúng tôi hiện đang dựa vào Trung Quốc… Tình hình nghiêm trọng nếu xét từ quan điểm địa chính trị", ông Spajic cho biết.

"Ngoại giao bẫy nợ"

Dự án đường cao tốc dang dở được giới quan sát xem là một ví dụ của cái gọi là "ngoại giao bẫy nợ" mà Trung Quốc bị cáo buộc đang áp dụng với các nước khi triển khai sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này và khẳng định các khoản vay của họ tới các nước đang phát triển không có điều kiện ràng buộc.

Theo Financial Times, đoạn đường trên hiện đang có chi phí trung bình lên tới 23,8 triệu USD mỗi km, trở thành một trong những con đường đắt đỏ nhất thế giới.

Dự án có thể sẽ khiến tỉ lệ nợ công trên GDP ở Montenegro tăng từ 65,9% lên tới gần 80% khi nước này trả xong nợ, theo Nghị viện châu Âu.

Trong khi đó, nhiều thành viên EU bày tỏ lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Tây Balkan.