1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cảnh báo “các khoản hối lộ” của Trung Quốc ở Balkan

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng mạnh mẽ cảnh báo các nhà lãnh đạo Balkan về những rủi ro trong các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án công nghệ và cơ sở hạ tầng lớn.

Mỹ cảnh báo “các khoản hối lộ” của Trung Quốc ở Balkan - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) Và Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev trong cuộc họp báo tại Ohrid, Bắc Macedonia ngày 4/10 (Ảnh: Reuters)

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ngày 4/10 đã có chuyến thăm ngắn tới 2 quốc gia Montenegro và Bắc Macedonia ở phía tây Balkan nhằm thảo luận vai trò của các nước này trong liên minh phía tây NATO.

“Cũng như tôi đã làm ở những nơi khác trong các chuyến công du châu Âu, tôi đã cảnh báo về nguy cơ của các các khoản đầu tư từ Trung Quốc trong các công nghệ nhạy cảm và chiến lược hối lộ nặng nề của Trung Quốc nhằm giành được các thỏa thuận cơ sở hạn tầng”, ông Pompeo nói sau khi gặp các quan chức hàng đầu của Bắc Macedonia tại thành phố Ohrid.

“Chúng tôi muốn Bắc Macedonia thành công, chứ không phải vật lộn với tham nhũng và nợ nần”, nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.

Mỹ thường xuyên cáo buộc Nga can thiệp vào khu vực Balkan, vốn nằm ở “ngoại ô” Liên minh châu Âu. Trong đó, Trung Quốc cũng trở thành “cái gai” trong mắt của Mỹ khi gia tăng sự hiện diện và đổ vốn vào khu vực, dù Liên minh châu Âu (EU) vẫn là động lực kinh tế chủ chốt.

Trung Quốc đưa các quốc gia Balkan vào dự án Vành đai, Con đường nhằm mở các tuyến kết nối thương mại cho các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã mở rộng các khoản vay trị giá hàng tỷ USD để xây dựng các tuyến đường sắt, đường sá, các nhà máy điện, chủ yếu sử dụng lao động Trung Quốc.

Nga, vốn có quan hệ mạnh mẽ với một số quốc gia trong khu vực, đã công khai phải đối sự mở rộng của EU và NATO tới 6 quốc gia ở Tây Balkan.

EU chiếm hơn 70% tổng đầu tư trực tiếp tại khu vực tây Balkan, so với 1% của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 6 năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh đổ tiền vào các dự án liên quan tới cơ sở hạ tầng tại khu vực này, cạnh tranh với các khoản đầu tư của EU.

Các khoản vay ưu đãi lớn được sử dụng để chi cho các hoạt động xây dựng tràn lan đã vấp phải sự chỉ trích tại Brussels và Washington, với các cảnh báo rằng các quốc gia nghèo ở Balkan có nguy cơ rơi vào bẫy nợ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Balkan thường nói rằng họ gặp khó khăn trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng xuống đến nỗi không thể “kén chọn” nhà tài trợ.

An Bình

Theo AFP