1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhược điểm của tấm che mặt và khẩu trang có van trong việc ngăn Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng các tấm chắn mặt và khẩu trang có van thở không có nhiều hiệu quả ngăn chặn giọt bắn có chứa vi rút corona phát tán so với khẩu trang vải và khẩu trang y tế.

Nhược điểm của tấm che mặt và khẩu trang có van trong việc ngăn Covid-19 - 1

Nhiều người sử dụng tấm che mặt làm công cụ bảo vệ bản thân trước Covid-19 (Ảnh: SCMP)

Theo SCMP, tấm che mặt và khẩu trang có van để người dùng thở đã trở thành những đồ dùng phổ biến trong bối cảnh nhiều người tìm cách bảo vệ bản thân trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả thực sự của những dụng cụ này trong việc ngăn chặn giọt bắn phát tán.

Các chuyên gia từ đại học Atlantic, Florida, Mỹ ngày 1/9 đã công bố công trình nghiên cứu cách thức hoạt động của tấm che mặt và van thở trong việc ngăn chặn sự phát tán của các giọt bắn - một trong những cách lây truyền Covid-19 và bày tỏ những quan ngại về những món đồ bảo vệ này.

Dù tấm che mặt bằng nhựa ngăn chặn sự di chuyển có giọt bắn theo hướng trực diện và diện tích lớn nhưng bên dưới lại có một khoảng hở và khi giọt bắn lọt ra ngoài, chúng có thể di chuyển tương đối dễ dàng và lan rộng ra một khu vực rộng hơn.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu các khẩu trang có van thở cho thấy một số lượng giọt bắn lớn di chuyển qua van mà không được lọc.

Các nhà khoa học nói rằng họ thực hiện nghiên cứu trên để công chúng hiểu về sự hiệu quả của tấm che mặt và khẩu trang có van thở và họ kết luận rằng dù người dùng cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng những dụng cụ này nhưng nó lại không hiệu quả bằng khẩu trang thông thường.

Nghiên cứu với tấm che mặt cho thấy, các giọt bắn có kích thước nhỏ có thể tập trung ở phần dưới và 2 bên của đồ dùng này. Nếu gặp điều kiện thích hợp, những giọt bắn có thể lan xa.

Với các khẩu trang sử dụng van thở 1 chiều, chúng không lọc không khí của người đeo khẩu trang, làm gia tăng khả năng khiến những người xung quanh bị lây qua giọt bắn.

Các nhà khoa học kết luận rằng tấm che mặt và khẩu trang có van thở không hiệu quả bằng khẩu trang thông thường trong việc ngăn chặn việc lây lan của các giọt bắn chứa vi rút.

Trước đó, trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã chỉ dẫn rằng người dân không nên chỉ dùng tấm che mặt như là biện pháp ngăn vi rút duy nhất. CDC cũng không khuyến cáo sử dụng khẩu trang có van trong môi trường cần sự vô trùng.

Gao Xiaodong, một chuyên gia từ bệnh viện Zhongshan, Thượng Hải, Trung Quốc cho biết ông đồng ý với kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ. 

“Đeo khẩu trang y tế trong tấm che mặt là an toàn. Tấm che mặt được phát minh ra không phải để đối phó với những bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp mà để bảo vệ khuôn mặt của người đeo khỏi các giọt bắn”, ông Gao nói.

Ông Gao cho biết các khẩu trang có van thở được phát minh để dùng trong điều kiện sương mù và việc dùng những khẩu trang này trong đại dịch là “ích kỷ” vì chúng chỉ bảo vệ được cho người đeo mà không bảo vệ những người xung quanh.

“Nhân viên bệnh viện không đeo loại khẩu trang này và không bệnh nhân nào được phép đeo chúng”, ông Gao nói.