Những ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình 2023
(Dân trí) - Nobel Hòa bình 2023 gọi tên những ứng cử viên hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực nữ quyền, quyền người bản địa, phát triển xã hội và công lý quốc tế.
Năm 2023 là một năm đầy biến động của tình hình thế giới. Căng thẳng xung đột vũ trang chưa có dấu hiệu suy giảm, khủng hoảng khí hậu và mất an ninh lương thực leo thang, vấn đề nữ quyền nhức nhối ở nhiều quốc gia,... Tất cả khiến dư luận thế giới đổ dồn sự quan tâm về giải Nobel Hòa bình năm nay.
Chiều nay 6/10, Ủy ban Nobel Na Uy sẽ công bố ứng viên chiến thắng Nobel Hòa bình 2023. Dưới đây là những ứng viên tiềm năng cho giải danh giá này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ông Zelensky đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát người giành giải Nobel Hòa bình 2023 trên nhiều diễn đàn thống kê. Ông đóng vai trò nổi bật trên chính trường châu Âu sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn một năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng "điều đó sẽ không bao giờ xảy ra". Tổng thống Ukraine có lý tưởng được nhiều bạn bè quốc tế tôn trọng, tuy nhiên, sẽ rất khó để Ủy ban Nobel trao giải Hòa bình cho lãnh đạo của một quốc gia đang trong tình trạng xung đột.
Hai nhà hoạt động nữ quyền
Nhà hoạt động vì phụ nữ Afghanistan Mahbouba Seraj và nhà vận động người Iran Narges Mohammadi đã có những đóng góp đáng kể trong việc đấu tranh nữ quyền ở đất nước Hồi giáo.
Bà Mohammadi, người ngồi tù từ năm 2016, từ lâu đã chủ trương kêu gọi bãi bỏ án tử hình ở Iran. Bà cũng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Điều hành của Hội đồng Hòa bình Quốc gia ở Iran.
Trong khi đó, bà Seraj, người đã sống lưu vong 26 năm cho đến năm 2003, đang đấu tranh cho sức khỏe, giáo dục và quyền phụ nữ ở Afghanistan. Bà là người sáng lập Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan và Tổ chức Nghiên cứu về Hòa bình và Đoàn kết.
Các nhà hoạt động vì cộng đồng bản địa
Danh sách ứng viên tiềm năng còn có tên Victoria Tauli-Corpuz, một nhà hoạt động vì quyền của người bản địa gốc Philippines, và Juan Carlos Jintiach, một nhà lãnh đạo bản địa người Ecuador.
Bà Tauli-Corpuz từng đấu tranh, phản đối xây dựng một con đập gây tranh cãi có nguy cơ làm ngập vùng đất của người thổ dân bản địa Kankanaey Igorot ở miền núi phía bắc Philippines.
Bà được biết đến với vai trò đặc phái viên của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa giai đoạn 2014-2020.
Trong khi đó, nhà hoạt động Juan Carlos Jintiach dành hàng chục năm đại diện cho cộng đồng bản địa vận động bảo vệ rừng Amazon và chống biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu được cho sẽ là một trong những vấn đề nóng được Ủy ban Nobel ưu tiên năm nay.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)
ICJ được thành lập từ Thế chiến II, là một tổ chức tư pháp thuộc Liên hợp quốc đóng vai trò giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa các nước. Tuy phán quyết của tòa án này không mang tính ràng buộc, nhưng lại có giá trị lớn về mặt đạo đức.
ICJ có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến một số thách thức khó khăn nhất trong thời đại hiện nay như biến đổi khí hậu, thảm họa nhân đạo, cuộc chiến Nga - Ukraine.
Hồi tháng 3/2022, tòa án này đề nghị Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Giải Nobel dành cho tòa án sẽ thu hút sự chú ý tới chức năng của ICJ chưa được hiểu rõ và thường bị nhầm lẫn với công việc của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng giải Nobel dành cho ICJ có thể kéo theo quan điểm sai lầm rằng tòa án có thể thiên vị trong khi bản chất của họ là cần đảm bảo tính công bằng.
Tổ chức Phân tích Dữ liệu Nhân quyền
Một trong những ứng viên tiềm năng khác cho giải Nobel Hòa bình năm 2023 là Tổ chức Phân tích Dữ liệu Nhân quyền (HRDAG), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.
Kể từ năm 1991, HRDAG bắt đầu công bố các nghiên cứu trên cơ sở khoa học và không thiên vị về vấn đề vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới. Những dữ liệu này có thể kể đến như số nạn nhân của hành động vi phạm nhân quyền, các tội ác chiến tranh ở vùng xung đột.
Dữ liệu của HRDAG được sử dụng trong các thủ tục pháp lý như những vụ kiện ở ICC.