1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải Nobel Hóa học 2023 gọi tên 3 nhà khoa học phát hiện "chấm lượng tử"

Quốc Đạt

(Dân trí) - Giải Nobel Hóa học 2023 gọi tên 3 nhà khoa học Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Alexei I. Ekimov với những đóng góp trong công trình phát hiện và tổng hợp các chấm lượng tử.

Giải Nobel Hóa học 2023 gọi tên 3 nhà khoa học phát hiện chấm lượng tử - 1

Giải Nobel Hóa học 2023 đã được trao cho 3 nhà khoa học Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Alexei I. Ekimov (Ảnh: Nobel Prize).

Giải thưởng được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố chính thức vào khoảng 16h50 ngày 4/10 giờ Việt Nam.

Danh tính 3 nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học năm nay gồm Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Alexei I. Ekimov đã bị rò rỉ vài tiếng trước giờ trao giải, sau khi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển gửi nhầm email cho báo chí.

Báo chí Thụy Điển dẫn email đưa tin tên 3 nhà khoa học nhận giải là Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Alexei I. Ekimov vì công trình phát hiện và phát triển các chấm lượng tử.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Nobel về Hóa học của Viện thừa nhận sai sót, đồng thời khẳng định họ chưa có quyết định chính thức khi email được gửi đi.

Ông Moungi G. Bawendi công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ; ông Louis E. Bruce là nhà khoa học tại Đại học Columbia tại New York; và ông Alexei I. Equimov, thuộc Công ty Công nghệ tinh thể nano ở Mỹ.

Ba nhà khoa học cùng chia sẻ giải thưởng 11 triệu kronor Thụy Điển (gần 1 triệu USD).

"Những người được trao giải Nobel Hóa học 2023 đã thành công trong việc tạo ra những hạt nhỏ đến mức tính chất của chúng được xác định bởi hiện tượng lượng tử. Các hạt này, được gọi là chấm lượng tử, hiện có tầm quan trọng lớn trong công nghệ nano", thông cáo của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển viết ngày 4/10.

Các nhà vật lý từ lâu đã biết rằng về lý thuyết, các hiệu ứng lượng tử phụ thuộc vào kích thước có thể xuất hiện ở các hạt nano nhưng ít người tin rằng kiến thức về vấn đề này sẽ có ứng dụng thực tế.

Nhưng vào đầu những năm 1980, nhà khoa học Alexei Ekimov đã thành công tạo ra các hiệu ứng lượng tử phụ thuộc vào kích thước trong thủy tinh màu. Màu sắc này đến từ các hạt nano clorua đồng và ông Ekimov đã chứng minh rằng kích thước hạt ảnh hưởng đến màu sắc thủy tinh thông qua các hiệu ứng lượng tử.

Vài năm sau, ông Louis Brus là nhà khoa học đầu tiên trên thế giới chứng minh được hiệu ứng lượng tử phụ thuộc vào kích thước ở các hạt trôi nổi tự do trong chất lỏng.

Tới năm 1993, ông Moungi Bawendi đã cách mạng hóa việc sản xuất các chấm lượng tử bằng hóa chất, tạo ra các hạt gần như hoàn hảo. Phương pháp này tạo ra các hạt có chất lượng cao cần thiết cho các ứng dụng thực tế.

Chấm lượng tử hiện nay được dùng để chiếu sáng màn hình máy tính và màn hình tivi dựa trên công nghệ QLED, cũng như tạo thêm sắc thái cho ánh sáng của một số đèn LED. Các nhà hóa sinh và bác sĩ sử dụng chúng để lập bản đồ mô sinh học.

"Chấm lượng tử đang mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại", thông cáo cho biết, thêm rằng trong tương lai, chấm lượng tử có thể góp phần tạo ra các thiết bị điện tử dạng dẻo, cảm biến cực nhỏ, pin mặt trời mỏng hơn nữa và công nghệ truyền thông lượng tử mã hóa.

Năm 2022, giải Nobel Hóa học được trao cho 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi, Morten Meldal và K. Barry Sharples nhờ công trình về "hóa học click và hóa sinh trực giao".

Công trình nhận giải Nobel năm 2022 phát triển những "cách kết hợp các phân tử lại với nhau", có thể được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị ung thư, lập bản đồ ADN và tạo ra các vật liệu cho mục đích cụ thể, theo AP.

Giải thưởng Nobel ra đời cách đây 120 năm do nhà phát minh Thụy Điển Alfred Nobel khởi xướng, trao giải cho các hạng mục Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình và giải Nobel Kinh tế mới được bổ sung sau này.

Mùa trao giải Nobel 2023 mở màn vào ngày 2/10 với giải Nobel Y Sinh được cho 2 nhà khoa học giúp phát triển vaccine Covid-19 là Katalin Karikó và Drew Weissman.

Một ngày sau, giải Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier với những đóng góp trong nghiên cứu liên quan đến động lực học electron.