1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những ứng viên sáng giá của giải Nobel Hòa bình 2018

(Dân trí) - Tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên hay Tổng thống Mỹ là 3 trong số ứng cử viên được dự đoán sẽ được trao giải Nobel Hòa bình - giải Nobel được chờ đợi nhất năm nay.

Chân dung nhà khoa học Alfred Nobel (Ảnh: AFP)
Chân dung nhà khoa học Alfred Nobel (Ảnh: AFP)

Vào ngày 5/10 tới, Ủy ban Nobel tại Oslo, Na Uy sẽ công bố tên chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình 2018. Đây là giải thưởng danh giá được trao hàng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICANW).

Theo Ủy ban Nobel, năm nay có 331 ứng cử viên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, trong đó có 216 cá nhân và 115 tập thể. Đây là số lượng đề cử đông thứ hai cho giải này, sau lần đề cử năm 2016.

Các ứng cử viên cho giải Noble Hòa bình có thể là các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng chính phủ, các học giả và thậm chí cả những người từng nhận giải trong các mùa Nobel trước đây. Do giải Nobel Văn học năm nay lần đầu tiên bị hoãn trao giải trong 70 năm nên Nobel Hòa bình trở thành giải thưởng được chờ đợi nhất.

Quá trình để ủy ban gồm 5 thành viên lựa chọn người chiến thắng cho giải Nobel Hòa bình được bảo mật kỹ lưỡng cho tới khi các thông tin chính thức được công bố. Tên của các ứng cử viên cũng không được tiết lộ. Mặc dù vậy, giới quan sát Nobel, các nhà bình luận và cộng đồng mạng vẫn đưa ra những dự đoán về các ứng cử viên tiềm năng cho giải thưởng danh giá này.

Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Nếu nhìn trên các trang đánh giá trực tuyến, có thể thấy hai cái tên được dự đoán là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm nay là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo được đánh giá cao vì những nỗ lực của họ cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 2017, các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đã đẩy mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tuy nhiên bước sang năm 2018, nhờ vào nỗ lực chung của Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hai nước đã có những bước đi tích cực trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân. Hồi tháng trước, ông Kim Jong-un còn mời các quan sát viên quốc tế tới thị sát quá trình dỡ bỏ cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đã tổ chức liên tiếp 3 cuộc gặp thượng đỉnh từ đầu năm tới nay. Hồi tháng 4, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở khu phi quân sự liên Triều, ông Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc từ sau chiến tranh Triều Tiên. Tới tháng 9, ông Moon Jae-in trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tới Triều Tiên sau hơn 10 năm và ông Kim Jong-un hứa sẽ tới thăm Seoul trong thời gian tới.

Triều Tiên trải thảm đỏ đón Tổng thống Hàn Quốc

Nhờ công sức của hai nhà lãnh đạo, đặc biệt là vai trò kết nối giữa Mỹ và Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in, Bình Nhưỡng đã cam kết phi hạt nhân hóa. Hai bên cũng tổ chức các cuộc đoàn tụ dành cho thành viên của các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng bàn giao hài cốt của các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên cho phía Mỹ.

“Ông Moon Jae-in đã làm rất tốt khi tận dụng Thế vận hội Olympic Pyeongchang để làm cơ hội thúc đẩy hòa bình”, Peter Wallensteen, giáo sư quan hệ quốc tế tại Thụy Điển, nói, đề cập tới sự kiện thể thao do Hàn Quốc đăng cai hồi đầu năm và mời Triều Tiên tham gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia về giải Nobel, những người thường ít khi dự đoán sai, lại đưa ra một góc nhìn khác.

“Một mặt, tôi nghĩ bước đột phá liên Triều là sự kiện gây ấn tượng nhất trong lĩnh vực Nobel Hòa bình năm nay. Nhưng mặt khác, tôi băn khoăn liệu có quá sớm để trao giải nếu chỉ dựa trên những hoạt động diễn ra trong năm nay”, Dan Smith, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nhận định.

Ngoài ra theo AFP, những thông tin liên quan tới vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên cũng là một trở ngại nếu ủy ban Nobel muốn trao giải cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Do vậy có khả năng, Tổng thống Moon Jae-in sẽ nhận giải Nobel Hòa bình một mình.

Tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Tổng thống Moon Jae-in từng đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình năm nay vì những sáng kiến của ông cho tiến trình hòa hợp bán đảo Triều Tiên. Ông Trump cũng nằm trong nhóm 3 ứng cử viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình năm nay do trang Betsson bầu chọn, bỏ xa các nguyên thủ cấp cao như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, theo ông Dan Smith, việc trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump là “không phù hợp” vì một loạt quyết định do nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra được cho là mang tính tiêu cực với hòa bình thế giới, điển hình là việc rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thủ tướng Ethiopia

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (phải) và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki (Ảnh: National)
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (phải) và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki (Ảnh: National)

Mối quan hệ hòa giải mới phát triển giữa Ethiopia và Eritrea đã thắp lên hy vọng về tiến trình hòa bình lâu dài giữa hai quốc gia láng giềng sau hơn 20 năm chiến tranh. Với tiến trình này, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cũng được xem là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình.

Tuy vậy, ông Abiy mới chỉ lên nắm quyền từ tháng 4 và tiến trình hòa bình tại Ethiopia cũng mới đạt được kết quả bước đầu từ mùa hè năm nay. Đối với ủy ban Nobel thời điểm xét duyệt dành cho ông Abiy có thể bị coi là muộn vì quá trình đề cử đã diễn ra từ đầu năm.

Phong trào #Metoo

Nadia Murad từng bị IS bắt làm nô lệ tình dục trước khi trở thành nhà hoạt động xã hội (Ảnh: RT)
Nadia Murad từng bị IS bắt làm nô lệ tình dục trước khi trở thành nhà hoạt động xã hội (Ảnh: RT)

#Metoo là phong trào nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề lạm dụng và tấn công tình dục. Giải thưởng Nobel Hòa bình có thể tôn vinh tất cả những ai tham gia vào cuộc đấu tranh chống bạo lực tình dục như bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege hay chính nạn nhân của nạn xâm hại tình dục Nadia Murad.

Ông Mukwege từng nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ông đã dành 20 năm để giúp đỡ những phụ nữ là nạn nhân của tấn công tình dục ở Congo. Trong khi đó, Murad đã trở thành một nhà hoạt động sau khi bị các phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc và biến cô thành nô lệ tình dục.

Một số ứng cử viên khác

Henrik Urdal, người đứng đầu Viện Khảo sát Hòa bình Oslo, tin rằng giải Nobel Hòa bình năm nay có thể được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) vì đã giúp hàng triệu người bị đói hàng năm, đặc biệt tại các nước bất ổn. Tại Syria và Yemen, khoảng 8 triệu người đã trông cậy vào nguồn cứu trợ của WFP mỗi tháng, trong khi tại Myanamr, WFP cũng giúp đỡ những người Hồi giáo Roningya.

Các ứng viên tiềm năng khác gồm Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), blogger người Ả rập Raif Badawi, các tổ chức bảo vệ báo chí như Hội Các nhà báo xuyên biên giới hay Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, Giáo hoàng Francis…

Thành Đạt

Theo AFP, TIME