DMagazine

Những tỷ phú làm từ thiện không giống ai

(Dân trí) - Với sự hào phóng và tấm lòng nhân ái, có những tỷ phú trên thế giới sẵn sàng dốc gần như toàn bộ tài sản, chấp nhận ở nhà thuê, sống một cuộc đời giản dị để giúp đỡ người khác.

NHỮNG TỶ PHÚ LÀM TỪ THIỆN KHÔNG GIỐNG AI

Với sự hào phóng và tấm lòng nhân ái, có những tỷ phú trên thế giới sẵn sàng dốc gần như toàn bộ tài sản, chấp nhận ở nhà thuê, sống một cuộc đời giản dị để giúp đỡ người khác.

Tỷ phú không nhà, không xe, dốc của cải làm từ thiện

Những tỷ phú làm từ thiện không giống ai - 1

Cựu tỷ phú Chuck Feeney (Ảnh: PA).

Sau hàng chục năm, ông Chuck Feeney, tỷ phú Mỹ gốc Ireland, 90 tuổi, đã hoàn thành tâm nguyện của mình là cho đi toàn bộ tài sản 8 tỷ USD. Trong nhiều thập niên, vị tỷ phú này đã bí mật quyên góp cho các tổ chức từ thiện, trường đại học và các tổ chức trên toàn thế giới theo quỹ từ thiện do ông thành lập mang tên Atlantic Philanthropies - quỹ từ thiện chính thức hết tiền vào tháng 8/2020.

Thời điểm đó, ông hạnh phúc chia sẻ: "Chúng tôi đã học được rất nhiều điều. Chúng tôi làm một số điều khác biệt, nhưng tôi rất hài lòng. Lời cảm ơn của tôi dành cho tất cả những người đã tham gia cùng chúng tôi trong hành trình này. Với những người đang băn khoăn về việc cho đi khi còn sống. Hãy thử đi, bạn sẽ thích nó".

Sinh ra trong một gia đình bình dân ở Mỹ, ông Feeney đã làm nên khối tài sản khổng lồ khi thành lập ra tập đoàn bán lẻ Duty Free Shoppers - tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực mua sắm miễn thuế trong sân bay.

Mặc dù từng xếp thứ 23 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, nhưng ông có lối sống vô cùng bình dị, không có nhà, cũng không có xe hơi. Ông chỉ sắm quần áo may sẵn, đeo chiếc đồng hồ trị giá không tới 15 USD, đi làm bằng xe điện ngầm và đi công tác bằng vé máy bay hạng bình dân.

Ông từng nói: "Con người ta phải dùng sự giàu có của mình để giúp người khác. Tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường, đó là con đường tôi đã trải qua và trưởng thành. Ngay từ đầu, tôi đã làm việc cật lực nhưng không phải để làm giàu".

Sự hào phóng của ông Feeney được cho là động lực để tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett thành lập "The Giving Pledge" (Cam kết cho đi) khuyến khích những người giàu có khác trên thế giới chia sẻ ít nhất một nửa tài sản cho hoạt động từ thiện.

Đến nay, chiến dịch này đã có sự tham gia của hơn 200 nhà từ thiện từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với số tiền cam kết cho đi lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ USD. Trong số đó có những tên tuổi lớn như huyền thoại đầu tư Warren Buffett, tỷ phú Bill Gates, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, tỷ phú Elon Musk. Những tỷ phú này được cho là đang tạo ra "thời hoàng kim cho hoạt động từ thiện".

Muốn tặng 90% tài sản vì "tiền không mua được hạnh phúc"

Những tỷ phú làm từ thiện không giống ai - 2

Tỷ phú công nghệ Mỹ Jeff T. Green (Ảnh: EPA).

Tỷ phú công nghệ Mỹ Jeff T. Green mới đây tuyên bố, ông muốn dành 90% số tài sản 6 tỷ USD của mình để làm từ thiện. "Tôi sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình thông qua hoạt động từ thiện trước hoặc ngay khi tôi qua đời", ông Green nói.
Vị tỷ phú 44 tuổi này cho biết, ông đã ký cam kết "The Giving Pledge". Chia sẻ quan điểm về tiền bạc, ông Green nói: "Tiền không mua được hạnh phúc. Tiền có thể mua những thứ khiến cuộc sống thoải mái hơn, nhưng những thứ đó cùng cảm giác thoải mái đó cũng chỉ là phù du".

Tuy vậy, ông cho rằng, tiền có thể giúp đỡ được người khác và quan trọng là làm thế nào để phân bổ các khoản từ thiện một cách hợp lý. "Tôi thực sự tin rằng khi gặp những người thông minh, có đam mê, ý chí, thì tiền bạc có thể giúp chúng ta thay đổi hầu hết mọi thứ", tỷ phú này nói.

Ông Green là một trong số những tỷ phú cam kết hiến gần như toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện (The Giving Pledge). Tuy nhiên, chiến dịch này không ràng buộc các tỷ phú phải cho đi ngay hoặc di chúc sau khi qua đời, cũng không bắt buộc sử dụng tài sản cho đi vào mục đích cụ thể nào, chỉ nói chung là "vì lợi ích công cộng".

Tại Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, các tỷ phú nên cho đi nhiều hơn ngay ở thời điểm hiện tại chứ không phải chờ đến hàng chục năm sau nhất là khi tài sản của họ đang tăng chóng mặt. Ví dụ, thời điểm năm 2015 khi ký vào cam kết tặng gần như toàn bộ tài sản, vợ chồng nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg sở hữu khoảng 45 tỷ USD, nhưng hiện khối tài sản này đã lên 115 tỷ USD. Đó là một vài trong số nhiều lý do khiến giới giàu có ở Mỹ tuy đã dành hàng trăm tỷ USD làm từ thiện nhưng vẫn vấp phải không ít chỉ trích.

Nữ tỷ phú sẽ cho đi đến khi "rỗng két"

Những tỷ phú làm từ thiện không giống ai - 3

Tỷ phú MacKenzie Scott (Ảnh: AFP).

Tạp chí Forbes ngày 7/12 công bố danh sách thường niên 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới gồm các CEO, doanh nhân khởi nghiệp, các chính trị gia, các nhà từ thiện. Đứng đầu danh sách quyền lực này năm nay là MacKenzie Scott - vợ cũ tỷ phú sáng lập tập đoàn Amazon Jeff Bezos.

Lý giải việc lựa chọn bà MacKenzie là phụ nữ quyền lực nhất thế giới, biên tập viên Forbes Women Maggie McGrathwrites cho biết: "Bà Mackenzie Scott đã dùng khối tài sản khổng lồ của mình để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận. Không chỉ vậy, việc làm này còn thách thức cách mà tài sản và quyền lực được tích lũy tại Mỹ. Không một ai trên thế giới có quyền tự chủ, hoặc tiền bạc nhiều hơn mà tạo ra được ảnh hưởng lâu dài đến vậy. Cách bà ấy dùng tiền cũng đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực từ thiện".

Hồi tháng 5/2019, khi ký vào Cam kết hiến tài sản (The Giving Pledge), người phụ nữ này cam kết dành ít nhất nửa tài sản cho các hoạt động từ thiện. Bà chia sẻ: "Tôi có một số tiền không cân đối, muốn chia sẻ với mọi người. Tôi sẽ tiếp tục làm việc này đến khi rỗng két".

Bà không chỉ thực hiện cam kết hiến tặng mà còn đẩy nhanh tiến độ tài trợ nhanh chóng hơn bất cứ tỷ phú nào. Bà cũng tự đánh giá và chọn những tổ chức xứng đáng nhận tài trợ theo tiêu chí riêng với rất ít ràng buộc. Trong hơn hai năm, với tài sản khoảng 60 tỷ USD, bà đã tài trợ 8,6 tỷ USD cho 780 tổ chức hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt chủng tộc, cải thiện sức khỏe cộng đồng và những vấn đề khác. Bà làm như vậy mà không cần lập văn phòng hoặc thậm chí một địa chỉ gửi thư và cũng không cần thuê nhân viên toàn thời gian. Thay vào đó, bà cùng làm với người chồng hiện tại Dan Jewett, các nhà nghiên cứu và cố vấn từ công ty tư vấn phi lợi nhuận Bridgespan.

Bà luôn giữ kín danh tính của người cố vấn, lãnh đạo các tổ chức phi lợi nhuận do vậy cũng không có cách nào liên hệ với nữ tỷ phú ngoài việc kết nối thông qua blog của bà. Bà không nhận yêu cầu tài trợ và không cần ban giám đốc duyệt các yêu cầu vì bà không thực hiện hoạt động tài trợ thông qua quỹ từ thiện, cũng không yêu cầu báo cáo mục đích sử dụng số tiền bà tài trợ.

Hầu hết các nhà từ thiện lớn ngày nay đều áp dụng cách tiếp cận kỹ trị. Họ thiết lập ra một tổ chức, buộc người nhận tài trợ tiềm năng phải trải qua một quy trình đăng ký phức tạp, chỉ đầu tư vào những dự án nhất định và giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, bà MacKenzie tài trợ cho hàng loạt tổ chức lớn, nhỏ trong các lĩnh vực khác nhau, cho họ quyền tự quyết. Bà đặc biệt chọn những tổ chức do những người có "kinh nghiệm sống lãnh đạo", ví dụ, phụ nữ lãnh đạo các nhóm phụ nữ, những người da màu dẫn đầu các nhóm bình đẳng chủng tộc.