Những trọng trách của Vua Charles III khi nối ngôi Nữ hoàng
(Dân trí) - Vua Charles trở thành người lớn tuổi nhất lên ngôi sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, và trở thành người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, một hiệp hội gồm 56 quốc gia độc lập với 2,4 tỷ dân.
Khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì, Thái tử Charles trở thành người kế vị ngai vàng với vương hiệu Vua Charles III.
Đảm nhiệm vai trò chờ kế vị ngai vàng nước Anh kể từ năm 1952 đến 2022, Thái tử Charles là người giữ vai trò này lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Chưa có người thừa kế nào đã trải qua thời gian chờ đợi lâu như vậy để nối ngôi.
Giờ đây, tương lai của chế độ quân chủ Anh phụ thuộc phần lớn vào Vua Charles III và ông phải đối mặt với nhiều thách thức khi lên ngôi ở tuổi 73.
70 năm chờ kế vị
Vua Charles III, vua của nước Anh và Khối thịnh vượng chung, tên đầy đủ là Charles Phillip Arthur George, sinh ngày 14/11/1948 tại Cung điện Buckingham.
Năm 1952, khi mới 3 tuổi, ông trở thành người chờ kế vị sau khi mẹ của ông - Công chúa Elizabeth - đăng quang Nữ hoàng.
Từ đó, ông đã được nuôi dưỡng, đào tạo và huấn luyện không ngừng để có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ của ngày hôm nay.
Năm 1955, Cung điện Buckingham ra tuyên bố Charles sẽ đến trường học, thay vì học gia sư tại nhà như những người thừa kế trước đó, khiến ông trở thành người chờ kế vị đầu tiên của Hoàng gia Anh được giáo dục theo phương pháp này.
Ông Charles III từng học tại Đại học Trinity và Cambridge, ngành khảo cổ, vật lý và nhân chủng học, nhưng sau đó chuyển sang ngành lịch sử.
Ngày 8/3/1971, Hoàng tử Charles đã gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) ở Lincolnshire và được đào tạo để làm phi công phản lực. Tháng 9/1971, ông tham gia Hải quân Hoàng gia và sau đó làm việc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường HMS Norfolk và hai tàu khu trục nhỏ.
Ông đủ điều kiện trở thành phi công trực thăng vào năm 1974 trước khi gia nhập Phi đội Không quân Hải quân 845, hoạt động từ tàu sân bay Commando HMS Hermes. Vào ngày 9/2/1976, ông trở thành chỉ huy tàu quét mìn ven biển HMS Bronington trong 9 tháng phục vụ cuối cùng của ông trong Hải quân.
Charles III kết hôn với Công nương Diana năm 1981 và có hai Hoàng tử là William và Harry. Hai người ly hôn năm 1996. Năm 2005, ông tái hôn với bà Camilla, hiện 74 tuổi, người đã trở thành Vương hậu nước Anh.
Từ năm 2014, Thái tử Charles đã ngày càng đảm đương nhiều nhiệm vụ khi nhiều lần thay mặt Nữ hoàng xuất hiện trong các sự kiện chính thức.
Ngoài đảm nhận các nhiệm vụ chính thức của Hoàng gia, hỗ trợ Nữ hoàng, ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Ông đảm nhiệm vai trò là người bảo trợ, chủ tịch và thành viên của hơn 400 tổ chức và quỹ khác nhau. Quỹ từ thiện của ông được thành lập để giúp đỡ những người thất nghiệp trở lại làm việc và bắt đầu kinh doanh nhỏ.
Nhiều thách thức chờ đợi
Khi lên ngôi, Vua Charles III là nguyên thủ của 14 quốc gia độc lập trong số 56 quốc gia trong Khối thịnh vượng chung.
Vì vậy, khi lên ngôi, Vua Charles III được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi nước Anh đang đối mặt nhiều vấn đề lớn như: cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng từ xung đột Ukraine tác động trực tiếp đến kinh tế và đời sống của người dân, hậu quả Brexit và dịch Covid-19 khiến lạm phát tăng hơn 10 % trong một năm.
Từ những năm 1980 đến nay, lần đầu tiên nước Anh chứng kiến nhân viên đình công, từ ngành giao thông vận tải đến ngành bưu điện… đòi tăng lương vào thời điểm đời sống đã trở nên quá đắt đỏ. Phong trào đình công có nguy cơ làm tê liệt kinh tế Anh. Brexit và tác động dây chuyền từ xung đột Ukraine lại càng đè nặng lên đời sống của người dân Anh.
Trên chính trường, chính phủ Anh liên tục đối mặt khủng hoảng khiến Thủ tướng Boris Johnson đã phải từ chức và một Thủ tướng mới lên thay sau thời gian dài bầu chọn gắt gao.
Và còn đó là bài toán Scotland manh nha tách khỏi Vương quốc Anh. Tranh cãi về đường biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng Hòa Ireland, một quốc gia độc lập và là thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), cũng đè nặng lên quan hệ giữa Anh với EU.
Trong hoàn cảnh hiện nay, làm thế nào để duy trì được một sự gắn bó giữa những vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh sẽ là một thách thức lớn chờ đợi Vua Charles III.
So với thời kỳ Công chúa Elizabeth lên kế vị cha, vị thế của nước Anh đã không còn như xưa. Ngay cả tại Australia hay New Zealand, thế hệ trẻ cũng không còn gắn bó với hình ảnh của Nữ hoàng.
Trên trường ngoại giao, nước Anh ngày càng bị cô lập ngay trong khối phương Tây hậu Brexit. Ngay cả đối với đồng minh thân cận Mỹ, Anh cũng không thực sự thoải mái.
Nước Anh trước đây cũng đã kỳ vọng nhiều vào quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là về thương mại, để phần nào lấp vào chỗ trống một khi ra khỏi EU. Nhưng từ 2016 đến nay, tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp dụng với Hong Kong (thuộc địa cũ của Anh) khiến mối quan hệ hai bên căng thẳng.
Diện mạo mới của hoàng gia Anh
Sự nổi tiếng của cá nhân Nữ hoàng Elizabeth II, vốn được xem là "biểu tượng của nước Anh" đã giúp duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Anh trong những năm gần đây.
Và giờ đây, cách Vua Charles III dẫn dắt triều đại của ông sẽ định hình tương lai của chế độ quân chủ và sẽ xác định xem liệu nó tồn tại thế nào trong những thập niên tới.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi lên ngôi, Vua Charles III tri ân Nữ hoàng Elizabeth II và cho biết ông sẽ theo gương mẹ trị vì trọn đời.
Không chỉ Vua Charles III, các thành viên hoàng gia phải mang những trọng trách và nghĩa vụ mới, đi kèm những thách thức mà họ chưa từng đối mặt trước đây.
Tất cả các quyền lợi và trách nhiệm gắn liền với ngôi vị quân vương giờ đây thuộc về Vua Charles III. Ông trở thành nguyên thủ quốc gia không chỉ ở Vương quốc Anh mà còn ở 14 vương quốc Thịnh vượng Chung khác, trong đó có cả Australia và Canada. Vua Charles III sẽ trở thành người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung gồm 56 thành viên.
Vua Charles III cũng trở thành người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Anh, cơ quan tư pháp và dân sự, Người quản trị Tối thượng của Giáo hội Anh. Ông còn là "người ban phát mọi danh dự", có nghĩa mọi tước hiệu như hiệp sĩ, đều sẽ được trao nhân danh ông.
Vấn đề được quan tâm hơn nữa là thái độ của ông đối với nền chính trị Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II luôn đứng ngoài chính trị và hiếm khi thể hiện ý kiến cá nhân trước các vấn đề gây chia rẽ. Người dân sẽ không bao giờ biết Nữ hoàng đã thảo luận những gì trong các cuộc gặp thường kỳ với các đời thủ tướng Anh, bắt đầu từ thời Winston Churchill. Vì thế, bà luôn nhận được ủng hộ từ người dân cũng như Quốc hội.
Nhưng Thái tử Charles dường như thẳng thắn hơn. Ông là người đấu tranh mạnh mẽ cho các phương pháp y học thay thế và kỹ thuật canh tác hữu cơ. Năm 1984, ông bày tỏ thất vọng trước những "ngôi nhà bằng kính hay những tòa tháp bê tông" của kiến trúc hiện đại. Ông đã cảnh báo về biến đổi khí hậu suốt nhiều thập niên qua.
Trong một bộ phim tài liệu của BBC kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông, Thái tử Charles III thừa nhận bản thân từng không ít lần can thiệp vào chính trị Anh, nhưng đã cam kết sẽ không thể hiện quan điểm cá nhân trong các vấn đề chính trị gây tranh cãi khi trở thành vua.
Theo quy định, nhà vua có nghĩa vụ duy trì quan điểm khách quan về chính trị, tức là Vua Charles III giờ đây sẽ phải cẩn trọng hơn khi bày tỏ những suy nghĩ cá nhân của mình.
Tiếp kiến thủ tướng là một trong những nhiệm vụ hiến định mà Vua Charles III thực hiện, giúp ông tiếp xúc thường xuyên với các nhà hoạch định chính sách của đất nước. Vua Charles III đồng thời đảm nhận vị trí mang ý nghĩa biểu tượng là Người lãnh đạo quốc gia, có nghĩa ông sẽ trở thành biểu tượng cho bản sắc, sự thống nhất và niềm tự hào dân tộc.
Tất cả các dinh thự của hoàng gia, trong đó có Cung điện Buckingham và Lâu đài Windsor, đều sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Vua Charles III. Ông nhiều khả năng cũng sẽ tiếp quản các dinh thự khác như Balmoral ở Scotland hay Sandringham ở Norfolk.
Khi lên ngôi, ông sẽ nhận được trợ cấp đặc biệt, bao gồm chi phí cho các nhiệm vụ chính thức của nhà vua, lên tới 99,2 triệu USD cho tài khóa 2021-2022. Vua Charles III sẽ phụ trách Bộ sưu tập Hoàng gia, một trong những bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị nhất trên thế giới.
Ông cũng thừa hưởng Công quốc Lancaster, một bất động sản rộng lớn với diện tích hơn 10.000 ha, các bất động sản cao cấp ở London và một danh mục đầu tư khá dài. Điều đó sẽ biến Vua Charles III đã trở thành một trong những người giàu nhất nước Anh.
Theo truyền thống, sau khi đăng quang, Vua Charles III và Vương hậu Camilla sẽ chuyển đến Điện Buckingham. Nhưng vào năm 2011, theo các nguồn tin Thái tử Charles khi đó cân nhắc chuyển toàn bộ hoàng gia đến Windsor và biến Điện Buckingham thành trung tâm tổ chức sự kiện.
Nếu thành hiện thực, đây có thể sẽ là một bước thay đổi gây tranh cãi, nhưng cũng sẽ khẳng định quyền lực cũng như vị thế của Tân vương.
Trong một bài phát biểu vào ngày 8/9, tân Thủ tướng Liz Truss đã kêu gọi nước Anh "xích lại gần nhau hơn…" và ủng hộ Vua Charles III.
"Nữ hoàng Elizabeth là hòn đá tảng làm nền móng để chúng ta xây dựng nước Anh hiện đại. Khi thời đại của Nữ hoàng Elizabeth II đi qua, chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc", Thủ tướng Liz Truss nói.
Dù thế nào đi chăng nữa, Vương quốc Anh giờ đây cũng đứng trước thực tế: triều đại Elizabeth II đã kết thúc và các thành viên hoàng gia Anh từ nay sẽ quy tụ quanh Tân vương Charles III cho kỷ nguyên tiếp theo với dự kiến nhiều thay đổi.