1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những “thợ săn” Mỹ lao mình vào mắt bão Irma

(Dân trí) - Trong khi hàng triệu người được lệnh đi sơ tán do lo sợ ảnh hưởng của siêu bão lịch sử Irma, các phi công Mỹ đã bất chấp nguy hiểm, điều khiển máy bay lao vào “mắt bão” để thu thập những thông tin mà vệ tinh không thể ghi nhận được.

Phi hành đoàn trên chiếc WC-130J nhóm họp trước khi bắt đầu nhiệm vụ săn bão Irma. (Ảnh: Reuters)
Phi hành đoàn trên chiếc WC-130J nhóm họp trước khi bắt đầu nhiệm vụ "săn bão" Irma. (Ảnh: Reuters)

Trước khi bão Irma, một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận tại Đại Tây Dương trong 100 năm qua, đổ bộ vào bang Florida của Mỹ, các phi công thuộc Phi đội Trinh sát Thời tiết 53, đóng tại căn cứ không quân Keesler ở Biloxi, Mississippi đã lên đường làm nhiệm vụ như họ từng làm trong các cơn bão trước đây.

Được gọi với cái tên “thợ săn bão”, những người làm nhiệm vụ theo dõi siêu bão Irma lần này chủ yếu là các thành viên dự bị của Không quân Mỹ. Thông thường, sau một vài ngày hoặc một vài tuần “bám đuôi” các cơn bão, họ sẽ quay trở lại làm các công việc dân sự.

Công việc của các thợ săn bão là điều khiển máy bay vào khu vực trung tâm của các cơn bão như Irma, hay còn gọi là mắt bão, để trực tiếp thu thập các dữ liệu “nóng”. Đây là các thông tin rất quan trọng, giúp cơ quan dự báo thời tiết của Mỹ có thể đưa ra những dự báo chính xác và cứu mạng nhiều người. Sở dĩ các phi công phải trực tiếp lao vào tâm bão vì hệ thống vệ tinh của Mỹ không thể lấy được các dữ liệu quan trọng này.

“Chúng ta có thể sử dụng vệ tinh để tính toán sức mạnh và quy mô của cơn bão. Nhưng chỉ khi lao thẳng vào cơn bão thì bạn mới có thể đo đạc chính xác vị trí trung tâm của nó cũng như cấu trúc và sức gió tối đa”, Rick Knabb, chuyên gia về bão và là cựu giám đốc Trung tâm Bão Quốc gia của Mỹ, cho biết.

Trải nghiệm nguy hiểm

Hai phi công điều khiển máy bay WC-130J đi vào tâm bão Irma lúc ban đêm (Ảnh: Reuters)
Hai phi công điều khiển máy bay WC-130J đi vào tâm bão Irma lúc ban đêm (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, trong nhóm phi hành đoàn đương đầu với bão Irma lần này có Thiếu tá Jim Hitterman - người điều khiển máy bay 4 động cơ WC-130J. Thiếu tá Hitterman, 49 tuổi, hiện là phi công của hãng hàng không Delta Airlines.

Là người đã có 22 năm kinh nghiệm và từng bay qua 40-50 cơn bão, Hitterman đã so sánh trải nghiệm lái máy bay vào tâm bão giống như đưa ô tô qua trạm rửa xe tự động. Khi đó, bầu trời tối sầm, những tia chớp lóe lên, những cơn nhiễu động làm rung lắc buồng lái còn phi công vẫn phải điều khiển máy bay an toàn.

Ngoài ra, trong đoàn bay lần này còn có Thiếu tá Nicole Mitchell, một nhà khí tượng học nhiều kinh nghiệm trên các bản tin truyền hình và là mẹ của một bé trai 8 tháng tuổi.

Theo Mitchell, nếu dữ liệu do cô cung cấp càng chính xác, thì các cơ quan dự báo thời tiết càng đưa ra những nhận định chuẩn, từ đó có thể gửi các thông tin đúng đắn tới người dân và giúp họ quyết định xem có nên đi sơ tán trước khi bão ập đến hay không.


Trung sĩ Nicholas Monteleone đứng cạnh bức tranh vẽ máy bay lao vào mắt bão tại căn cứ không quân Keesler ở Biloxi, Mississippi trước khi lên máy bay WC-130J làm nhiệm vụ “săn bão” Irma. (Ảnh: Reuters)

Trung sĩ Nicholas Monteleone đứng cạnh bức tranh vẽ máy bay lao vào mắt bão tại căn cứ không quân Keesler ở Biloxi, Mississippi trước khi lên máy bay WC-130J làm nhiệm vụ “săn bão” Irma. (Ảnh: Reuters)

Máy bay chở Mitchell đã bay tổng cộng 4 lần vào mắt bão Irma trong nhiệm vụ lần này, trong đó có một số lần máy bay rung lắc rất dữ dội. Chuyến bay cuối cùng của Mitchell là vào ngày 9/9 khi bão Irma bắt đầu càn quét khu vực bờ biển phía bắc của Cuba.

Theo Reuters, mặc dù độ nguy hiểm của những cơn bão mạnh như Irma là rất lớn, cùng với đó là những rủi ro không thể tránh khỏi dưới mặt đất, nhưng các chuyến bay của các thợ săn bão ở Mỹ có chỉ số an toàn đáng kinh ngạc. Trong vòng hơn 40 năm qua, chưa có bất kỳ máy bay nào mất tích sau khi bay vào tâm bão. Sự cố máy bay xảy ra gần đây nhất là vào năm 1974.

Tuy nhiên, vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra đối với các thợ săn bão. Theo số liệu của trang web Weather Underground, đã có 6 máy bay săn bão bị rơi, cướp đi sinh mạng của 53 người.

Tương lai của máy bay không người lái

Trung sĩ, kỹ thuật viên Karen Moore (trái) và Thiếu tá Nicole Mitchell cầm trên tay thiết bị cảm biến sử dụng để thu thập các thông tin về bão Irma. (Ảnh: Reuters)
Trung sĩ, kỹ thuật viên Karen Moore (trái) và Thiếu tá Nicole Mitchell cầm trên tay thiết bị cảm biến sử dụng để thu thập các thông tin về bão Irma. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Jeff Master, giám đốc về khí tượng của Weather Underground, trong tương lai máy bay không người lái có thể được sử dụng để thay thế con người làm công việc nguy hiểm này. Tuy nhiên, những trải nghiệm trên chuyến bay vào tâm bão Irma cho thấy phương án này có lẽ chưa thể thực hiện trong tương lai gần.

Khi lên đường bay vào tâm bão Irma, máy bay WC-130J được trang bị những thiết bị đặc biệt để có thể thu thập các dữ liệu khí tượng và gửi về Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ. Một số thiết bị này phải được thao tác trực tiếp bằng tay của con người.

Các công việc này bao gồm thả các thiết bị cảm biến thông qua phần bụng của máy bay. Khi các thiết bị này rơi ra ngoài, nó sẽ thu thập các dữ liệu về cơn bão Irma, gồm áp lực, tốc độ gió và hướng di chuyển. Tuy nhiên, khi được thả ra ngoài, những thiết bị này đã không vận hành trơn tru như dự tính ban đầu.

Kỹ thuật viên Karen Moore, người phụ trách thả các thiết bị cảm biến từ máy bay, cho biết anh không thể nhận được tín hiệu định vị GPS khi nó bị cuốn vào các cơn gió của bão Irma. Vì thế Moore đã phải lấy đinh vít và tự tay sửa từng thiết bị ngay trên máy bay. Máy bay không người lái sẽ không thể làm được việc này.

Thành Đạt

Tổng hợp