1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những thách thức lớn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương

(Dân trí) - Eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông tiếp tục là những thách thức lớn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi Mỹ cũng đang ráo riết xoay trục an ninh nhằm tìm thêm cơ hội phát triển từ khu vực "động lực tăng trưởng của thế giới".

Những thách thức lớn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương
 Căng thẳng Trung - Nhật ở Hoa Đông đang chuyển từ đấu khẩu sang đối đầu, từ hải quân sang không quân.  

Trong các xu hướng và thách thức đó, eo biển Đài Loan có vẻ ít gây đau đầu nhất cho Bắc Kinh, chí ít trong thời điểm này.

Mặc dù Trung Quốc luôn bày tỏ quan ngại trước xu thế mua sắm vũ khí của Đài Loan, cũng như quan hệ khăng khít của hòn đảo này với Mỹ, song Bắc Kinh có lẽ sẽ không có nhiều thay đổi trong quan điểm với Đài Bắc. Các nhà lãnh đạo mới ở Bắc Kinh vẫn bày tỏ hy vọng sẽ củng cố và làm sâu sắc thêm các nền tảng cho sự phát triển hòa bình quan hệ hai bờ.

Sau Đài Loan là tình hình bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, Trung Quốc đang vấp phải tình huống khá hóc búa trên bán đảo này khi Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Park Geun-hye thể hiện rõ chủ trương tăng cường liên minh chiến lược toàn diện với Mỹ, trong khi nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un có xu hướng vượt khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh để tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân.

Việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan tới vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng trước càng khiến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và việc đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán trở nên khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kéo được Bình Nhưỡng trở lại phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ là phép thử lớn đối với ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc vì hai nhẽ. Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vai trò lớn của Trung Quốc trong khu vực và thứ hai, không để Mỹ có thêm cớ đưa thêm nhiều trang thiết bị vũ khí tới các vùng biển gần Trung Quốc.

Trong khi đó, việc nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngả về phía Mỹ cũng sẽ khiến Trung Quốc phải đau đầu, cho dù Seoul từng tuyên bố muốn nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Bắc Kinh.

Thách thức thứ ba là tranh chấp biển đảo tại cả Hoa Đông và Biển Đông.

Cho tới nay, Trung Quốc không chỉ tỏ thái độ quyết đoán trong tranh chấp biển đảo với Nhật Bản ở Hoa Đông và 4 nước thành viên ASEAN (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) ở Biển Đông, mà còn chính thức leo thang căng thẳng bằng những hành động đối đầu quân sự thông qua việc liên tục điều tàu hải giám và gần đây nhất là cả máy bay chiến đấu tới các vùng biển tranh chấp, lần đầu tiên kể từ năm 1958.

Điều này báo hiệu căng thẳng sẽ còn tiếp tục gia tăng, nhất là khi Tokyo đã tuyên bố sẵn sàng bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc, trong khi Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật Bản nhưng lại là đối thủ của Trung Quốc - chính thức đứng về phía Tokyo trong cuộc tranh chấp ở Hoa Đông. Căng thẳng biển đảo sẽ tiếp tục đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và thứ hai, thứ ba thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng mới, đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó tại Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ không thể ngồi yên sau khi Philippines chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài của LHQ. Không chỉ Manila, nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế rất bất bình khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông thông qua việc cho lưu hành hộ chiếu in hình "đường lưỡi bò 9 đoạn", phát hành bản đồ in đường lưỡi bò, thành lập và xây dựng cái gọi là "thành phố Tam Sa" với tổng tiền đầu tư hơn 10 tỷ nhân dân tệ, tổ chức diễn tập trên không và trên bộ và lên kế hoạch triển khai tàu Hải tuần 21 trang bị máy bay trực thăng tới vùng biển tranh chấp...

Sự vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS, một cách trắng trợn của Trung Quốc sẽ chỉ khiến các nước phải chú ý nhiều hơn tới khu vực này và kéo thêm sự can dự từ bên ngoài để đối trọng với phương thức trỗi dậy không hề hòa bình như ban lãnh đạo Bắc Kinh từng tuyên bố.

Như vậy, có thể thấy châu Á-Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng với Trung Quốc, vì Bắc Kinh rất cần một môi trường hòa bình để phát triển. Trong bối cảnh đó, có hai lý do chính giải thích cho thái độ căng thẳng của Bắc Kinh: đó là chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và sự bức bách về nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chính sự trỗi dậy mang hơi hướng bá quyền của Bắc Kinh mới là lý do khiến Mỹ phải đẩy mạnh chiến lược xoay trục, đồng thời buộc các nước trong khu vực phải thay đổi chiến lược an ninh biển nhằm bảo vệ an ninh-an toàn ở Biển Đông và Hoa Đông, hai khu vực được dự đoán có trữ lượng lên tới 150 tỷ và 70-160 tỷ thùng dầu.

"Tương kế, tựu kế" là câu nói có lẽ phản ánh rõ nhất tình hình ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. Vì vậy, căng thẳng hay hòa bình sẽ phụ thuộc vào tất cả các bên, trong đó Trung Quốc là yếu tố mang tính quyết định nhiều nhất.

          Hà Giang