1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những tác động hiện hữu sau cái chết của Bin Laden

(Dân trí) - Cái chết của Bin Laden sẽ có những tác động chiến lược đến chính trị - kinh tế Mỹ và vì thế đến cả kinh tế thế giới; đến chính sách của Mỹ với thế giới Hồi giáo, đặc biệt là quan hệ giữa Washington với Pakistan/Afghanistan, và cả cuộc chiến chống khủng bố.

 
Những tác động hiện hữu sau cái chết của Bin Laden - 1

Khu nhà ở Pakistan nơi Bin Laden bị giết. Các phóng viên đã được phép tiếp cận bức tường bao quanh

Tác động tới chính sách chính trị-đối ngoại của Mỹ và cuộc chiến chống khủng bố

Báo chí phương Tây những ngày 2 và 3/5 gần như đồng loạt xuất hiện những tựa đề như “Tư lệnh Obama-một người hùng” hay “Một khoảnh khắc huy hoàng cho Obama”, đặc biệt khen ngợi cách thức khéo léo mà đương kim Tổng Thống Mỹ đã áp dụng trong việc xử lý vụ Bin Laden. Cùng lúc trong nước Mỹ, uy tín của ông Obama đã được nâng cao trong bối cảnh ông đang bị các đối thủ chính trị tấn công và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã lên tới 8,8%.

Đối với báo giới Mỹ và phương Tây, trong vấn đề Bin Laden, Tổng thống Mỹ đã có quyết định sáng suốt: bật đèn xanh cho chiến dịch đột kích vào nơi người đứng đầu al-Qaeda cư ngụ; sử dụng lực lượng đặc biệt thay vì dùng máy bay không người lái hay tên lửa để oanh kích, dễ gây vạ lây cho cư dân sống quanh mục tiêu tấn công.

Như vậy là nếu ngày 4/4, Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ ra tranh cử lần thứ hai vào năm 2012 (giữa lúc trong nước - Tổng thống Mỹ đau đầu vì các cải cách nội bộ và vấn đề ngân sách, bên ngoài - chính sách đối ngoại của chính quyền bị chính những người từng ủng hộ ông khó chịu), thì sau ngày 2/5, tỷ lệ ủng hộ Obama tăng mạnh cùng cảm giác tự hào vào xúc động trong người dân Mỹ.

Còn một năm rưỡi nữa mới đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng rõ ràng, sự kiện này tạo cơ hội thuận lợi nhất để Obama khởi đầu cuộc vận động tranh cử, khiến người ta quên đi rằng ông thậm chí vẫn chưa đưa ra chi tiết lộ trình tranh cử.

Ngoài ra, cần phải lưu ý đến một chi tiết khác: Đã một tháng rưỡi nay, Mỹ và các đồng minh tiến hành chiến dịch quân sự ở Libya, nhưng tình hình đang diễn biến không phải theo kịch bản của họ. Gaddafi không đầu hàng. Hành động của liên quân phương Tây bị phê phán. Chiến dịch thành công tiêu diệt Osama Bin Laden tạm thời giải quyết các vấn đề đó.

Tin Bin Laden bị tiêu diệt cũng được dự báo sẽ tác động đến đường lối dài hạn của chính sách đối ngoại của Mỹ: Bin Laden ra đi sẽ mang theo “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” vì nó mở ra cơ hội định hình lại tư duy “chống khủng bố” để cuối cùng hiệu chính lại phản ứng của Mỹ đối với chủ nghĩa khủng bố. Mỹ đã từng lấy hai chữ “khủng bố” để biện minh cho cuộc chiến tranh tàn khốc ở Iraq, Afghanistan, sự tăng bất thường ngân sách tình báo, quân sự và an ninh nội địa của nước này.

Tác động quan hệ Mỹ - Pakistan và Mỹ - Afghanistan

Quan hệ giữa Washington với Islamabad và Kabul nằm trong chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Chính quyền Obama hiện vẫn mỗi năm chỉ hơn 1 tỷ USD cho Pakistan thực hiện các hoạt động chống khủng bố, còn sự ổn định của Afghanistan từng được xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng giờ đây, chiều hướng những mối quan hệ này có thể theo lối khác?

Vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ triệt hạ trùm khủng bố Bin Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan đã đặt chính quyền Islamabad vào tình thế lúng túng. Pakistan đã bị mất mặt. Qua việc Bin Laden đã sống xa hoa ít nhất 6 năm trong một lâu đài giống như pháo đài ngay trước cửa Học viện Quân sự Pakistan, đã củng cố những nghi ngờ rằng Pakistan đang đóng một vai trò hai mặt nguy hiểm trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng họ lập tức đe dọa là những vụ tấn công theo kiểu này làm “tổn hại sự hợp tác và đôi khi trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan, vốn đã phức tạp, nay lại càng có nguy cơ khó khăn thêm. Nhiều phân tích gia thậm chí còn cho rằng quan hệ giữa Washington và Islamabad có nguy cơ “vỡ vụn”. Qua vụ tiêu diệt Bin Laden, Washington dường như đã bắt đầu công nhận Pakistan không phải là một đối tác chiến lược.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng bất chấp những nghi ngờ về thái độ của Pakistan, Mỹ vẫn cần đến vai trò của nước này trong cuộc chiến hiện nay tại Afghanistan. Chính quyền Obama rõ ràng là muốn né tránh cuộc tranh cãi này, cố gắng giữ hòa khí.

Còn về Afghanistan, sau thông tin về cái chết của Bin Laden, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai một mặt cho thế giới thấy khủng bố không phải đến từ Afghanistan mà từ nước khác, mặt khác lên tiếng kêu gọi những phần tử hồi giáo cực đoan Taliban ngừng cuộc giao tranh trong nước. Nhưng có vẻ từ nay, sự ổn định của Afghanistan được xem là ít quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Tác động kinh tế thế giới và giá dầu mỏ

Vụ khủng bố 11/9/2001 làm chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhưng cái chết của người chỉ đạo vụ khủng bố này chỉ làm chỉ số chứng khoán tăng vừa phải hôm 2/5. Giới phân tích cho rằng cái chết của Osama bin Laden chỉ làm giá chứng khoán tăng cao lắm là một ngày vì các nhà đầu tư tính toán sẽ có một lãnh tụ khác lên thay; đồng đôla yếu kém, thất nghiệp cao và các vấn đề khác quan trọng cho kinh tế Mỹ hơn là tiến bộ hoặc thoái bộ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á ngày 2/5 nhìn chung tăng giá với hy vọng lạc quan rằng cổ phần ở Wall Street sẽ phục hồi sau khi quan chức Mỹ loan báo Bin Laden đã bị hạ sát. Giá dầu, giá vàng và bạc đều giảm vì tin về cái chết của thủ lĩnh khủng bố đã giúp hạ phí rủi ro trên thị trường. Tin này khi đó cũng tạo lợi thế cho cả đồng USD và đồng Euro.

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, giới phân tích đã không loại trừ khả năng hoạt động khủng bố gia tăng, để trả thù cho cái chết của Bin Laden, sẽ là nhân tố gây bất ổn nghiêm trọng cho giá dầu và vì thế sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Các nhánh khủng bố có thể trả miếng nhằm vào các giếng dầu ở những nước giàu dầu mỏ và nếu kịch bản này xảy ra sẽ là tổn thất cả về tiền bạc và thời gian với kinh tế thế giới.

Hiện nay, al-Qaeda không phải là một tổ chức thống nhất mà là một cơ cấu mang tính chất mạng lưới gồm những chi nhánh như “Al-Qaeda khu vực Al Maghrib Hồi giáo”, “Al-Qaeda bán đảo Arabia”, “Al-Qaeda ở đất nước hai dòng sông”. Giới phân tích cho rằng tin buồn là hoạt động khủng bố sẽ tiếp diễn ở Cận và Trung Đông, ở Bắc Phi và những khu vực khác trên thế giới - những khu vực giàu dầu mỏ, bởi việc tiêu diệt một nhân vật nào đó không thể giải quyết tất cả vấn đề.

Còn quá sớm để khẳng định cuộc chiến chống al-Qaeda cũng như chống chủ nghĩa khủng bố đến thời điểm Bin Laden bị tiêu diệt đã thu được gì. Điều thấy rõ là sau thời điểm ngày 2/5, hình ảnh của Obama đã thay đổi ít nhiều trong lòng nước Mỹ và có một chút thay đổi về hình ảnh của Mỹ đối với thế giới.

Nguyễn Viết