Những phút "cân não" trước khi ông Trump rút quyết định tấn công Iran
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham khảo nhiều nguồn ý kiến từ các cố vấn, quan chức chính quyền, các nghị sĩ, trước khi ra lệnh rút quyết định tấn công Iran chỉ 10 phút trước khi các hệ thống vũ khí của Washington khai hỏa.
Theo CNN, trong cuộc họp tại phòng Tình huống ở Nhà Trắng hôm 20/6, Tổng thống Trump đã cho thấy sự đắn đo về hướng đi tiếp theo sau khi Iran bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Washington sáng sớm hôm đó.
Theo các nghị sĩ có mặt trong căn phòng chiến lược, ông Trump không nghiêng hẳn về một bên nào mà tập trung vào phân tích sâu các ý kiến từ các trợ lý, nghị sĩ, quân đội.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch nhận định rằng dù ông Trump hay có xu hướng đưa ra cảnh báo rằng có thể sẽ "động binh", nhưng buổi họp ngày 20/6 cho thấy ông là một tổng thống không thực sự muốn đẩy Mỹ vào chiến tranh.
“Tôi thực sự chứng kiến ông ấy đầy băn khoăn và vất vả khi đưa ra quyết định. Mọi thứ đều dồn lên ông ấy”, ông Risch nói.
“Tổng thống thực sự trăn trở với việc đưa ra quyết định”, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith, một nghị sĩ đảng Dân chủ, nhận định.
Theo CNN, thế tiến thoái lưỡng nan của ông Trump nằm ở chỗ ông có một đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia và trợ lý kiên quyết rằng Mỹ nên tấn công quân sự đáp trả việc Iran bắn hạ UAV của Washington. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người đứng đầu nước Mỹ, ông Trump dường như thật sự nghiêm túc cân nhắc tới những kịch bản có thể xảy ra sau đó, gồm một cuộc chiến với quy mô lớn hơn tại Trung Đông.
Chính vì vậy, dù đã đồng ý với phương án tấn công vào 3 mục tiêu của Iran, nhưng chỉ 10 phút trước khi dàn hỏa lực bắt đầu, ông Trump đã ra lệnh dừng lại cuộc tấn công.
Ngày thứ 5 “cân não”
Các khí tài Mỹ đã sẵn sàng chờ lệnh tấn công, nhưng đã dừng lại 10 phút trước khi khai hỏa. (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ)
CNN dẫn các nguồn tin cho biết ngày thứ 5, tức 20/6, là một ngày ông Trump phải “cân não” với hàng loạt những ý kiến tham vấn từ các bên.
Trước khi vào phòng Tình huống, ông Trump vẫn tỏ ra thận trọng với phát ngôn. Khi được hỏi về vụ tấn công của Iran, ông Trump nói rằng: “Họ đã phạm sai lầm lớn”, tuy nhiên khi được hỏi về phương án đáp trả quân sự, ông Trump nói rằng: “Rồi quý vị sẽ biết thôi”.
Mặc dù vậy, ông Trump giải thích rằng ông không có ý ám chỉ từ “sai lầm” liên quan tới tính toán chiến lược của Iran, mà cho rằng đây là sai lầm của một cá nhân “ẩu và ngu ngốc” ở phía Tehran.
“Tôi không tin rằng đây là một vụ tấn công cố tình”, ông Trump nói.
Theo CNN, sự thận trọng này đã đi theo ông Trump suốt ngày 20/6. Tuy nhiên, một thực tế rằng đội ngũ trợ lý thân cận của ông Trump ở thời điểm hiện tại hầu hết là những người có quan điểm rất cứng rắn với Iran. Cả cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Phó Tổng thống Mike Pence đều ủng hộ việc tấn công Iran.
Đề xuất được trình lên ông Trump là Mỹ sẽ tấn công 3 mục tiêu quân sự của Iran gồm các hệ thống radar, bệ phóng tên lửa. Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump nói rằng toàn bộ đội cố vấn an ninh quốc gia đều cho rằng tấn công quân sự là “sự đáp trả xứng đáng” cho việc Iran bắn rơi UAV Mỹ.
Cộng với sự ủng hộ từ các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, ông Trump đã nghiêng về quyết định tấn công.
Khoảnh khắc thay đổi quyết định
Một quan chức giấu tên nói với CNN rằng trong một số thời điểm, ông Trump dường như đã lung lay với quyết định tấn công Iran. Theo quan chức này, ông Trump đã bắt đầu trò chuyện với những cố vấn bên ngoài Nhà Trắng và những nhà làm luật có quan điểm hòa bình tại Quốc hội. Những chính trị gia này dường như đã nhắc nhở ông Trump về cam kết của ông trong việc kéo Mỹ ra khỏi những cuộc chiến tranh tốn kém, không có hồi kết ở Trung Đông.
Theo New York Times, trong giờ phút quyết định, ông Trump dường như còn suy xét tới ý kiến của người dẫn chương trình truyền hình yêu thích của mình, đó là Tucker Carlson của đài Fox News.
Cụ thể, trong những ngày qua, ông Carlson đã nhiều lần nhắc nhở ông Trump trên sóng truyền hình rằng đáp trả quân sự với Iran không phải là một ý tưởng tốt vì nó có thể khiến ông Trump tạm biệt cơ hội tái đắc cử tổng thống năm 2020.
Ông Carlson cho rằng chiến tranh và biện pháp quân sự sẽ là một sai lầm khiến ông Trump phải trả giá đắt và các cố vấn "diều hâu" dường như không nghĩ nhiều tới hậu quả ông Trump có thể phải hứng chịu.
Tuy nhiên, khi một lần nữa phải đối mặt với việc đưa ra quyết định, các cố vấn cứng rắn của ông Trump xuất hiện thêm một lần nữa và kêu gọi ông nên có quan điểm cứng rắn với Iran. Theo CNN, họ chính là những người được cho là có ảnh hưởng tới việc ông Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2015 hay gia tăng áp lực tối đa thông qua trừng phạt lên Tehran.
Vào thời khắc đó, ông Bolton và các quan chức “diều hâu” nói với ông Trump rằng nếu Mỹ không trừng phạt thích đáng Iran vì bắn rơi UAV, điều này có thể được coi là “hành vi dung túng” cho Iran và các nước khác tiếp tục cư xử "tồi tệ". Ông Trump đã đồng ý sẽ tấn công.
Mặc dù vậy, trong khoảng 19h-20h, ông Trump lại tiếp tục gặp thêm các cố vấn và quan chức quân đội trong khi quân nhân Mỹ ở Trung Đông đang chuẩn bị tấn công.
“Họ đến gặp tôi khoảng 30 phút trước khi cuộc tấn công dự kiến diễn ra. Và họ nói: “Thưa ngài, chúng tôi sẵn sàng đi rồi. Chúng tôi cần một quyết định cuối cùng”. Và tôi hỏi họ rằng bao nhiêu người Iran sẽ thiệt mạng nếu chúng ta tấn công? Khoảng 150 người, thưa ngài”, ông Trump kể lại trong bài phỏng vấn với NBC.
“Tôi đã suy nghĩ và nói rằng: “Các bạn biết không? Họ bắn rơi máy bay không người lái và chúng ta ngồi đây với (viễn cảnh làm) 150 người thiệt mạng. Tôi không thích điều đó, tôi không nghĩ là tôi thích. Tôi không nghĩ là nó xứng đáng”, ông Trump nói.
Theo CNN, ông Trump một giây phút nào đó có thể đã nghĩ tới cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, một cuộc chiến mà ông thường xuyên chỉ trích là tốn kém tiền của và mạng người. Ông có thể hiểu rằng quyết định tấn công Iran ngày 20/6 sẽ dẫn đến một kết cục chiến tranh tương tự như vậy.
Ngoài ra, theo các trợ lý, ông Trump dường như hoàn toàn thoải mái và tự tin về quyết định của mình trong giờ phút then chốt.
New York Times đánh giá đây là một trong những điểm khác biệt của ông Trump với những người tiền nhiệm khi trong những giờ phút then chốt, ông dường như có xu hướng tin vào linh cảm của bản thân, sẵn sàng lắng nghe các nguồn tham vấn đa dạng, và chống lại ý kiến của đội ngũ cố vấn đông đảo trong phòng Tình huống để thực hiện những điều ông tin là đúng.
Đức Hoàng
Tổng hợp