1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những phép thử gai góc của Tổng thống Trump đầu năm 2018

(Dân trí) - Trở về Nhà Trắng sau kỳ nghỉ cuối năm, Tổng thống Donald Trump sẽ đối diện với những thách thức mới về các dự luật cũng như chính sách đối ngoại ngay trong tháng 1. Liệu nhà lãnh đạo Mỹ có thể vượt qua được tất cả những “phép thử” này hay không?

Tổng thống Trump kết thúc kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida để trở về Nhà Trắng. (Ảnh: Time)
Tổng thống Trump kết thúc kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida để trở về Nhà Trắng. (Ảnh: Time)

Ngay sau khi trở lại thủ đô Washington, tài khoản Twitter của Tổng thống Trump đã đăng tải một loạt bình luận với nhiều nội dung liên quan tới các vấn đề nóng hiện nay. Từ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới cuộc biểu tình ở Iran.

Theo giới quan sát, tháng 1 là thời điểm quan trọng với Tổng thống Trump khi có nhiều chính sách lập pháp tới thời hạn chót, chưa kể đây có thể là giai đoạn bước ngoặt chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Ngân sách liên bang

Trong những tháng cuối năm 2017, ngân sách liên bang đã được gia hạn nhiều lần. Lần gần nhất là vào hôm 22/12, dự luật chi tiêu tạm thời đã gia hạn ngân sách liên bang tới ngày 19/1/2018, qua đó tránh được viễn cảnh chính phủ liên bang phải đóng cửa trước hạn chót. Dự luật bao gồm khoản tiền trị giá 5 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như để sửa chữa 2 tàu khu trục bị tai nạn ở Thái Bình Dương trong năm 2017.

Tuy nhiên, với thời hạn chỉ còn hai tuần, liệu chính phủ Mỹ có tìm được giải pháp cho vấn đề ngân sách liên bang, đặc biệt là khi có nhiều nghị sỹ muốn hỏi cặn kẽ rằng số tiền chi ra sẽ được phân bổ vào những hạng mục nào. Trong dự luật vừa được sử dụng để gia hạn ngân sách liên bang, các vấn đề như nhập cư, chăm sóc sức khoẻ hay chi tiêu quân sự không được đưa vào. Vì vậy, không loại trừ khả năng các chủ đề này sẽ là những đề tài tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ, dẫn tới khả năng chính phủ tạm ngừng hoạt động.

Vấn đề nhập cư

Dòng người biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Trump bãi bỏ DACA ngày 6/9/2017. (Ảnh: Reuters)
Dòng người biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Trump bãi bỏ DACA ngày 6/9/2017. (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/9, Tổng thống Trump bắt đầu quá trình đếm ngược cho chính sách mà ông miêu tả là "làm cạn kiệt có trật tự" nước Mỹ. Theo đó, Chương trình Tạm hoãn trục xuất các trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) đã bị huỷ bỏ và động thái này có thể ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu chính quyền của Tổng thống Trump có ban hành bất cứ chỉ đạo đặc biệt nào để trục xuất những người nhập cư chưa có giấy phép hợp lệ hay không. Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump từng viết: "Quốc hội sẽ có 6 tháng để hợp pháp hóa DACA. Nếu họ không thể, tôi sẽ xem xét lại vấn đề này!".

Theo các nguồn tin, hiện nhiều nhà lập pháp liên quan tới chương trình DACA đang gây sức ép với Tổng thống Trump, yêu cầu chính phủ Mỹ tiến hành họp và đưa ra giải pháp cho chương trình từng được coi là một biểu tượng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Hôm 2/1, Tổng thống Trump đã tìm cách "đá bóng" khi chỉ trích phe Dân chủ "không làm gì" và "chỉ nêu vấn đề này ra phục vụ mục đích chính trị".

Giới quan sát cho rằng, cho đến khi một thoả thuận mới được dàn xếp, những người thuộc diện DACA sẽ còn phải đối diện với nhiều nguy cơ, như không thể tìm kiếm được công việc ổn định, được bảo đảm an ninh tài chính cũng như mất đi các cơ hội giáo dục. Vấn đề chính trị này có thể sẽ mang đến chiến thắng cho 1 trong 2 đảng nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian tranh cãi trước khi đi tới kết quả cuối cùng.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe

Chương Trình Bảo Hiểm Sức Khỏe Dành Cho Trẻ Em (CHIP), vốn cung cấp bảo hiểm sức khoẻ từ ngân sách chính phủ cho 9 triệu trẻ em Mỹ từ các gia đình có thu nhập thấp tới mức trên trung bình, đã nhận được sự hỗ trợ rộng rãi kể từ khi được ban hành vào năm 1997. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, đây là chương trình trở thành chủ đề tranh cãi chính trị, đặc biệt là khi nguồn hỗ trợ đã hết hạn mà không được tái uỷ quyền.

Hồi tháng trước, Quốc hội Mỹ đã tìm được nguồn tiền giúp chương trình CHIP hoạt động cho đến tháng 3 tới, song các cơ quan liên bang muốn có một giải pháp cụ thể để họ không phải tiếp tục cho quá trình chuẩn bị tham gia tranh luận về việc xin gia hạn ngân sách. Hiện phe Dân chủ đang thúc đẩy để chính phủ có thể tái uỷ quyền trực tiếp chính sách này, trong khi phe Cộng hoà muốn tìm cách gắn chính sách CHIP vào kế hoạch cắt giảm các chương trình chăm sóc sức khoẻ hiện nay.

Theo giới quan sát, tranh cãi về CHIP chỉ là một phần rất nhỏ nếu nhìn vào những cuộc tranh cãi liên quan tới đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare trong năm 2017. Trong lần thông qua dự luật cải cách thuế, phe Cộng hoà đã “gây sốc” cho hệ thống lập pháp Mỹ khi đặt ra mục tiêu vào tháng 1/2019 là thời hạn chót để tất cả người dân Mỹ phải có bảo hiểm hoặc đối diện với án phạt thuế. Theo nhận định, các chính sách liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ của người dân Mỹ sẽ mở ra những cuộc tranh luận gay gắt trong năm 2018, trong số đó sẽ là về chính sách CHIP.

Chính sách với Iran

Bình luận của Tổng thống Trump trên Twitter về tình hình Iran. (Ảnh: POTUS)
Bình luận của Tổng thống Trump trên Twitter về tình hình Iran. (Ảnh: POTUS)

Hồi giữa tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Trump đã chính thức công bố ủng hộ một sách lược cứng rắn hơn với Iran và không xác nhận việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký cách đây hai năm. Tuyên bố này đồng nghĩa việc đặt ra thời hạn để Quốc hội Mỹ xem xét luật theo dõi thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi tắt là INARA, từ đó cân nhắc việc có thể áp dụng lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Teheran hay không.

Theo kế hoạch, vào ngày 11/1 tới, Tổng thống Trump sẽ phải quyết định một lần nữa về việc có chứng nhận Iran tuân thủ thoả thuận hay không. Nếu Tổng thống từ chối xác nhận thêm một lần nữa, động thái này sẽ cần thêm sự ủng hộ của Quốc hội. Hoặc không, Tổng thống Trump có quyền "loại" Quốc hội trong vấn đề này và tự ký ban hành luật áp đặt lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Dựa vào những dòng tweet ủng hộ cuộc biểu tình mới đây tại Iran, giới chuyên gia cho rằng có khả năng Tổng thống Trump sẽ có hành động mạnh tay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại rằng nếu Mỹ mạnh tay, dư luận Iran sẽ tổ chức những cuộc tuần hành quy mô lớn ủng hộ chính phủ.

Các vấn đề khác

Khoản 702 của Luật Theo dõi Tình báo nước ngoài, vốn cho phép chính phủ Mỹ sử dụng các nguồn lực để theo dõi hệ thống viễn thông ở nước ngoài mà không cần lệnh từ toà án, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 19/1. Quốc hội Mỹ đang tìm cách gia hạn điều khoản của dự luật này song các tổ chức dân sự, cả cánh hữu lẫn cánh tả, đều đang nỗ lực kêu gọi vô hiệu hoá điều khoản này.

Bên cạnh đó, dự luật chi 81 tỷ USD được Hạ viện thông qua hồi tháng 12 cho quá trình tái thiết ở Puerto Rico sau cơn bão Maria năm 2017 vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thượng viện. Hiện gần 1 nửa người dân ở Puerto Rico vẫn đang sống trong hoàn cảnh thiếu điện kể từ sau cơn bão này.

Cùng với những vấn đề nêu trên, Tổng thống Trump và đảng Cộng hoà sẽ còn đối diện với nhiều thử thách khác. Đó có thể là về quá trình đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hay cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller liên quan tới nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Ngọc Anh

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm