Những nhân viên tiến thoái lưỡng nan với đôi "còng tay vàng"
(Dân trí) - Công việc lương cao trong tập đoàn lớn vẫn thường là điều đáng mơ ước, dù chúng đi kèm cái giá đắt trên phương diện cuộc sống cá nhân. Chỉ một số người mới có thể thoát khỏi đôi "còng tay vàng" ấy.
Lewis - một tư vấn viên mới vào nghề tại Berlin - hiểu rằng công việc áp lực là cái mà anh phải chấp nhận nếu muốn nhanh chóng có được mức lương 150.000 euro tại một trong những công ty uy tín nhất thế giới.
"Bạn phải sẵn sàng bị xích vào bàn làm việc. Bạn chấp nhận những điều kiện đó để có mức lương cao - nó là như thế. Nếu không làm 12 tiếng liên tục, bạn sẽ bị nhắc là "anh được trả lương cao nên anh phải làm"", Lewis nói. "Có thể bạn muốn nghỉ, nhưng liệu có chịu được mức lương thấp hơn không?".
Lewis là một trong những người chấp nhận tra tay vào những đôi "còng vàng" - loại công việc hứa hẹn mức lương hậu hĩnh và đãi ngộ hấp dẫn, nhưng phải đánh đổi bằng những tuần làm việc cực nhọc, đôi khi là tẻ nhạt, và văn hóa công sở độc hại.
Trong khi một số người có thể buông bỏ đôi "còng tay vàng" để tìm lại sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, những người khác gần như không thể thoát ra.
"Còng tay vàng" là cách làm đã có từ lâu của người sử dụng lao động, Rubab Jafry O'Connor, Giáo sư về quản lý tại Trường Kinh doanh Tepper của Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh (Mỹ), nói.
"Từ khi có các tổ chức tồn tại thì đã có những công ty trả mức lương cao để giữ chân những nhân viên giỏi nhất", Giáo sư Jafry O'Connor cho biết.
Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 1976, báo trước thời đại mà mức lương của các chủ ngân hàng Phố Wall bắt đầu vượt xa nhiều lần lương của người lao động trung bình trong khu vực tư nhân.
Đối với chủ sử dụng lao động, "còng tay vàng" không chỉ là công cụ giữ chân nhân viên mà còn là cách đảm bảo người lao động cống hiến hết mình, bà Jafry O'Connor nói.
"Mức lương cao hơn sẽ đi kèm kỳ vọng lớn hơn: Bạn được trả lương để đổ thêm thời gian và sức lực vào công việc", bà chỉ ra.
Để đổi lấy lương cao, người lao động thường phải trả cái giá đắt cho chất lượng cuộc sống, đặc biệt là nhân viên cấp dưới.
"Các sếp thường cố chốt dự án để được thưởng và họ thường đưa ra lời hứa trên mây, như dự án 3 tháng sẽ xong trong 3 tuần. Trong khi đó, chính cấp dưới mới là người làm trực tiếp, khiến họ phải lao động trong thời gian dài, căng thẳng, áp lực, và phải chịu văn hóa làm việc độc hại", Lewis chia sẻ về tình cảnh của mình.
Chức vụ càng cao, thu nhập càng trở nên ngọt ngào, nhưng đôi "còng tay vàng" càng siết chặt.
"Các gói thưởng cao không tưởng", Ryan Renteria, tác giả cuốn sách "Lead Without Burnout" và từng làm sếp tại một quỹ phòng hộ Phố Wall tại thời điểm nghỉ việc tuổi 30, kể. "Cứ mỗi 6 tháng đầu tư lãi cao, bạn sẽ có khoản tiền thưởng lớn nhưng chỉ nhận trước một phần. Bạn sẽ mất phần còn lại nếu nghỉ".
Nhưng tới cuối cùng, Renteria kiệt sức và nghỉ việc vì tác động của công việc tới sức khỏe tinh thần và thể chất. "Mức độ lo lắng và căng thẳng của tôi tăng cao; ăn uống, sức khỏe và giấc ngủ của tôi như trò đùa. Tôi rời đi vì cảm thấy nếu cứ thế đi tiếp, tôi sẽ phá hủy những thứ quan trọng với mình", Renteria nói.
Khó rút tay
Nhưng kể cả khi không hài lòng, người lao động vẫn thường khó có thể rút tay khỏi đôi "còng vàng".
Lucy Maeve Puttergill nói rằng ngay từ năm đầu làm việc tại Canary Wharf ở London, cô đã nhận ra mình không phù hợp với ngành ngân hàng. Nhưng bà vẫn gắng gượng trong 9 năm.
"Tôi bị lôi kéo vì chữ danh, vì cho rằng công việc khiến người khác ấn tượng về tôi. Vì quá quen với mức lương mà mọi người kiếm được trong ngành ngân hàng, tôi cho đó là "bình thường" và nghĩ là mình phải kiếm được từng đó để ổn về mặt tài chính", Puttergill kể.
Bà Puttergill chỉ ra rằng, "còng tay vàng" khó bỏ không chỉ vì tiền lương mà còn vì lối sống mà nó có thể mang lại.
"Người có công việc lương cao thường có mức chi tiêu cao, tỷ lệ thuận với cường độ làm việc. Tôi đã chi rất nhiều vào những khoản chi tự an ủi, như mua quần áo để khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn", bà kể.
Bà Puttergill - hiện là một life coach (nghề khai vấn cuộc sống) - cho rằng người ta ngày càng để ý và thảo luận về cái giá phải trả của những đôi "còng tay vàng". Nhưng theo bà, chúng sẽ không biến mất. Trong nền kinh tế bất ổn, có thể sẽ có nhiều người lao động tiếp tục gắng gượng bám víu.