1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những người “gánh” sứ mệnh thống nhất hai miền Triều Tiên

(Dân trí) - Trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt, vai trò của Bộ Thống nhất Hàn Quốc bắt đầu được chú ý nhiều hơn với sứ mệnh kết nối hai quốc gia láng giềng.

Chưa đầy 24 giờ, Triều Tiên 3 lần liên lạc với Hàn Quốc sau 2 năm im lặng

Sứ mệnh quan trọng

Bên trong trụ sở Bộ Thống nhất Hàn Quốc ở Seoul (Ảnh: KBS)
Bên trong trụ sở Bộ Thống nhất Hàn Quốc ở Seoul (Ảnh: KBS)

Là tòa nhà chính phủ với kiến trúc hình hộp bề thế trên một con phố gần quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul, Bộ Thống nhất Hàn Quốc “chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan tới mối quan hệ cũng như sự thống nhất liên Triều”.

Lời giới thiệu đơn giản về chức năng nhiệm vụ của Bộ Thống nhất Hàn Quốc trên trang web chính thức không thể lột tả hết quy mô thực sự của cơ quan này. Tại đây, hàng trăm nhân viên và đơn vị đã cùng nhau tiến hành các phân tích quân sự, cũng như các cuộc đàm phán và đối thoại với Triều Tiên, thậm chí cả trao đổi kinh tế và hỗ trợ người tị nạn.

Bộ Thống nhất tham gia đáng kể vào việc sắp xếp các cuộc đối thoại giữa Hàn Quốc - Triều Tiên và xây dựng các dự án kinh tế chung giữa hai nước như khu công nghiệp Kaesong.

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngân sách của Bộ Thống nhất Hàn Quốc năm 2017 là 1,02 tỷ USD, giảm 20,5% so với năm trước đó. Sự sụt giảm này xuất phát từ mối quan hệ xấu đi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong năm 2017 dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Sự tín nhiệm của chính phủ dành cho Bộ Thống nhất cũng thay đổi tùy theo xu hướng chính trị tại Hàn Quốc. Theo nguồn tin của chính Mỹ rò rỉ năm 2009, dưới thời người tiền nhiệm bảo thủ của bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Lee Myung-bak, số phận của bộ này còn được ví như “nằm trên thớt”.

Né tránh xung đột

Sĩ quan Hàn Quốc trực đường dây nóng với Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Sĩ quan Hàn Quốc trực đường dây nóng với Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Bộ Thống nhất Hàn Quốc được thành lập năm 1969. Đây là giai đoạn căng thẳng lên cao trên bán đảo Triều Tiên. Một năm trước đó, các đặc công Triều Tiên bị cáo buộc đã xâm nhập vào thủ đô Seoul với ý định ám sát cựu Tổng thống Park Chung-hee. Binh sĩ Triều Tiên khi đó đã tiến sâu 100 m vào khu vực Nhà Xanh, dinh tổng thống Hàn Quốc, trước khi bị phát hiện và bị tiêu diệt gần hết trong một cuộc đấu súng quyết liệt với các binh sĩ Hàn Quốc.

Vào thời điểm đó, Mỹ ước tính hàng trăm lính Triều Tiên đã vượt qua khu phi quân sự liên Triều và giới chức Hàn Quốc cũng nhận định với những người đồng cấp Mỹ rằng, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đã chuyển từ ý định “thống nhất bằng biện pháp hòa bình sang sử dụng vũ lực”.

Mặc dù chính phủ cựu Tổng thống Park Chung-hee cố gắng tìm cách trấn an các đồng minh rằng Hàn Quốc cam kết thống nhất hòa bình với Triều Tiên, song Mỹ vẫn lo ngại một nhà lãnh đạo cứng rắn, nóng tính và khó đoán như ông Park có thể làm nổ ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.

Sau những cuộc đàm phán căng thẳng, năm 1972, Triều Tiên và Hàn Quốc ra tuyên bố chung khẳng định cam kết thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình, phi quân sự, “không lệ thuộc và các thế lực bên ngoài cũng như sự can thiệp từ nước ngoài”. Theo Giáo sư Shin Jong-dae tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, đây là văn kiện đầu tiên được cả Triều Tiên và Hàn Quốc đồng thuận kể từ khi bán đảo Triều Tiên chia tách vào năm 1945.

Tuyên bố trên cũng quyết định thiết lập một đường dây nóng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngoại trừ 4 năm giai đoạn từ 1980-1984, đường dây nóng này thường xuyên được hai nước sử dụng cho đến khi bị đóng băng hoàn toàn vào tháng 2/2016.

“Tan băng” quan hệ

Ông Ri Son-gwon, chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình liên Triều (trái), và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (Ảnh: AFP)
Ông Ri Son-gwon, chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình liên Triều (trái), và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (Ảnh: AFP)

Vào ngày mai 9/1, tại một ngôi nhà ở làng Panmunjom thuộc khu phi quân sự liên Triều (DMZ) - nơi chia tách biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, các nhà đàm phán của hai nước sẽ cùng ngồi xuống, đối mặt với nhau và hội đàm lần đầu tiên sau hơn hai năm lạnh nhạt. Cuộc gặp này diễn ra sau một loạt cuộc điện thoại “đột phá” giữa đại diện của hai quốc gia láng giềng thông qua đường dây nóng hồi tuần trước.

Ở phía đầu dây nóng của Hàn Quốc, hai nhân viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kiên nhẫn gọi điện cho Triều Tiên đều đặn hai lần một ngày vào hai khung giờ là 9 giờ sáng và 4 giờ chiều. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa một lần nhấc máy trong suốt hai năm qua.

Sự đột phá đáng hoan nghênh này đã giúp hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí còn Mỹ thường xuyên đưa ra những lời đe dọa cứng rắn. Sự đột phá đó cũng giúp nâng danh tiếng của Bộ Thống nhất - một cơ quan gần như không được biết đến ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, đồng thời trao cho bộ này sứ mệnh với vai trò và tầm quan trọng mới trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Moon Jae-in.

Hôm 6/1, Hàn Quốc xác nhận sẽ cử phái đoàn 5 người do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon dẫn đầu tham gia đàm phán cấp cao với Triều Tiên. Trong khi đó, phái đoàn đàm phán của Triều Tiên gồm 5 người do ông Ri Son-gwon, chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình liên Triều, dẫn đầu. Chương trình thảo luận dự kiến sẽ bao gồm việc cải thiện quan hệ song phương cũng như việc cử đoàn vận động viên Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông do Hàn Quốc đăng cai vào tháng tới.

Seoul hy vọng cuộc đàm phán có thể khôi phục quan hệ giữa hai miền bất chấp có nhiều đồn đoán rằng, Triều Tiên lợi dụng sự kiện thể thao tại Hàn Quốc để giảm sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế và nhằm chia rẽ đồng minh Mỹ - Hàn.

Thành Đạt

Tổng hợp