"Giải mã" đường dây nóng kết nối 2 miền bán đảo Triều Tiên
(Dân trí) - Với tuổi đời đến nay gần 50 năm, hệ thống điện thoại liên Triều - kênh thông tin giúp 2 miền Triều Tiên có thể kết nối và trao đổi thông tin, đã chính thức hoạt động trở lại sau 2 năm gián đoạn. Động thái này làm dấy lên hi vọng rằng quan hệ Seoul và Bình Nhưỡng sẽ sớm xuống thang căng thẳng.
Đều đặn mỗi ngày từ năm 2016, một quan chức Hàn Quốc sẽ nhấc điện thoại màu xanh lên đặt ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm và gọi sang phía bên kia đường biên giới liên Triều. Nhưng không có ai bắt máy.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào lúc 15h30 ngày 3/1/2018 (giờ địa phương). Trong khoảng 20 phút, hai miền Triều Tiên đã tiến hành kết nối và thử lại đường dây nóng, một tín hiệu tích cực cho việc cải thiện quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng.
Hệ thống thông tin quan trọng
Được lắp đặt từ năm 1971, hệ thống điện thoại liên Triều gồm 1 bàn gỗ tích hợp 2 điện thoại xanh và điện thoại đỏ, cùng màn hình máy vi tính. Đường dây được đưa vào hoạt động với mục đích kết nối các tổ chức Chữ Thập Đỏ giữa 2 miền Triều Tiên. Sau này, nó đã trở thành đường dây thông tin liên lạc quan trọng giữa 2 nước, vốn về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Hệ thống điện thoại (ảnh minh họa phía trên) nằm trong Nhà Tự do (Hàn Quốc) kết nối với văn phòng ở Panmungak (Triều Tiên). Hai tòa nhà cách nhau chưa đầy 100m, trong khu phi quân sự được bảotreenvoo cùng nghiêm ngặt. Từ năm 1972, rồi các năm 1980 và 2000, hoạt động thông tin liên lạc giữa 2 miền được đẩy mạnh do triển vọng về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên. Điều này dẫn đến sự gia tăng các đường dây thông tin.
Hiện tại, có 33 đường dây liên lạc kết nối giữa 2 miền bán đảo, 5 đường dây phục vụ các hoạt động giao tiếp thường ngày, 21 đường dây phục vụ các cuộc đàm phán liên Triều, 2 đường dây cho các hoạt động không lưu, 2 cho các vấn đề về biển và 3 cho các dự án hợp tác kinh tế chung.
Nhưng các đường dây hầu như không hoạt động từ năm 2016 sau khi Hàn Quốc dừng hoạt động của các nhà máy và doanh nghiệp ở khu công nghiệp liên Triều Kaesong nằm trên đất Triều Tiên nhằm đáp trả việc Triều Tiên thử tên lửa.
Hệ thống liên lạc vận hành thế nào?
Cựu quan chức truyền thông Hàn Quốc Kim Yeon-cheol đã chia sẻ về cách đường dây liên lạc vận hành những năm 1990 với Yonhap, cho biết: “Tất cả các cuộc điện thoại đều rất chính thống. Chúng tôi không trao đổi những câu chuyện đùa với nhau”.
Ông Kim kể rằng một ngày thường có 2 cuộc gọi, một vào lúc 9h sáng, một vào lúc 4h chiều. Hàn Quốc sẽ gọi Triều Tiên vào những ngày lẻ và ngược lại.
Một phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc chia sẻ với BBC rằng từ tháng 2/2016, không còn quy tắc ngày chẵn và lẻ giữa 2 miền, nhưng Hàn Quốc vẫn đều đặn nhấc điện thoại màu xanh lên gọi cho Triều Tiên 2 lần mỗi ngày. Điện thoại màu đỏ để nhận cuộc gọi từ Triều Tiên. Tuy vậy, không hề có liên lạc gì từ phía Bình Nhưỡng trong suốt 2 năm từ năm 2016.
“Về mặt kĩ thuật 2 hệ thống vẫn kết nối, nhưng Triều Tiên không nghe máy. Trước tháng 2/2016, hai miền vẫn gọi điện cho nhau. Một phía sẽ nhấc máy lên gọi lúc 9h sáng kiểm tra đường dây có hoạt động hay không. Nếu Hàn Quốc có thông điệp, chúng tôi sẽ hỏi Triều Tiên có muốn nhận chúng không. Sau đó, chúng tôi sẽ cúp máy và gửi thông điệp qua máy fax hoặc tổ chức các cuộc gặp mặt đối mặt”, phát ngôn viên trên cho biết.
Quyết định mở lại đường dây nóng được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2018. Ông Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng muốn đổi thoại với Seoul và sẽ gửi đoàn vận động viên tới tham dự Thế vận hội mùa đông tổ chức tại Hàn Quốc năm nay.
Nói về sự kiện Triều Tiên nhấc máy lên gọi Hàn Quốc ngày 3/1, đại diện Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng cuộc gọi này chỉ nhằm kiểm tra đường dây và còn quá sớm để dự đoán về tiến triển trong đường dây thông tin liên lạc giữa 2 miền. Tuy nhiên, quan chức này gợi ý rằng 2 miền có thể sẽ gặp mặt trực tiếp hoặc trao đổi thư từ để thực hiện đối thoại.
Đức Hoàng
Theo BBC