1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những người châu Phi bị dồn vào cảnh không nhà ở Trung Quốc

(Dân trí) - Nhiều người châu Phi đã phải ngủ trên nền đất trong đêm lạnh giữa phố ở Quảng Châu, Trung Quốc sau khi bị các chủ nhà và khách sạn từ chối do lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan.

Những người châu Phi bị dồn vào cảnh không nhà ở Trung Quốc - 1

Người châu Phi ngủ trên nền đất ở Quảng Châu, Trung Quốc (Ảnh: Twitter)

Cộng đồng người châu Phi tại Quảng Châu, miền nam Trung Quốc đang đối mặt với sự gia tăng tâm lý kỳ thị người nước ngoài. Các video, hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy họ đã trở thành vô gia cư, sau khi giới chức Trung Quốc cảnh báo nguy cơ từ các lây nhiễm Covid-19 nhập ngoại, CNNAFP đưa tin. 

Tại Quảng Châu, người châu Phi đã bị các chủ nhà đuổi ra khỏi các căn hộ đang thuê ngay trong đêm và bị các khách sạn từ chối, bất chấp việc nhiều người không đi lại xa gần đây hoặc không tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19.

Hãng tin CNN đã phỏng vấn hơn 20 người châu Phi hiện đang sống ở Quảng Châu, nhiều người trong số họ chia sẻ các trải nghiệm giống nhau: không có nơi để ở, bị xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên, bị cách ly 14 ngày dù không có triệu chứng hoặc tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc gia tăng đưa tin về làn sóng các ca lây nhiễm Covid-19 thứ 2, bắt nguồn từ các ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc. Hồi đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc giới chức theo dõi chặt chẽ các ca ngoại nhập từ các nước khác.

Nhưng công chúng Trung Quốc dường như bỏ qua các số liệu gần đây được giới chức công bố. Trên thực tế, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy hôm 26/3 cho hay 90% các ca ngoại nhập tại Trung Quốc là công dân nước này.

Quảng Châu từ lâu đã có cộng đồng người châu Phi lớn nhất tại Trung Quốc. Vì nhiều người châu Phi tại đây có visa làm việc ngắn hạn, họ tới Trung Quốc vài lần mỗi năm nên khó đưa ra con số chính xác số người người châu Phi ở thành phố này. Nhưng vào năm 2017, Xinhua cho biết nước tính có gần 320.000 người châu Phi vào hoặc ra khỏi Trung Quốc qua Quảng Châu.

Người châu Phi tại Quảng Châu cho hay, sự kỳ thị của người địa phương đối với sự hiện diện của họ không phải là mới. Nhưng khi các vụ lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng châu Phi hồi tháng này, nó đã làm gia tăng những căng thẳng bấy lâu nay.

Vào ngày 4/4, một người đàn ông Nigeria bị mắc Covid-19 đã tấn công một y tá Trung Quốc sau khi cô này cố gắng ngăn anh ta rời khỏi khu cách ly tại một bệnh viện ở Quảng Châu. Vụ việc đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và người châu Phi cho biết sự kỳ thị nhằm vào cộng đồng của họ tăng lên sau đó. Đến ngày 7/4, giới chức Quảng Châu cho biết 5 người Nigeria đã dương tính với virus.

Lo ngại về sự lây nhiễm cụm trong cộng đồng châu Phi, giới chức Quảng Châu đã nâng nguy cơ rủi ro đối với hai khu vực Yuexiu và Baiyun, nơi có 2 cộng đồng người châu Phi lớn, từ mức thấp lên trung bình.

Bị yêu cầu ra khỏi nhà ngay trong đêm

Một người buôn bán hàng hóa có tên là Chuk từ Nigeria cho biết anh bay trở lại Quảng Châu, nơi anh đã sống kể từ năm 2009, hôm 21/3. Nhưng khi tới nơi, anh được yêu cầu vào một cơ sở cách ly của chính phủ tại một khách sạn trong 2 tuần.

Nhưng sau khi hết thời hạn cách ly và được tự do cùng 15 người châu Phi khác, Chuk cho biết họ đã trở thành những người vô gia cư.

“Chúng tôi tới khách sạn với giấy chứng nhận sức khỏe tốt, nhưng bị từ chối”, anh cho biết. Nhóm của Chuk sau đó tới đồn cảnh sát để thông báo về việc các khách sạn từ chối nhận người châu Phi, các cảnh sát đã từ chối nói chuyện với họ.

Chuk cho hay anh không có lựa chọn nào khác là phải ngủ trên nền đất trong 2 đêm, trước khi tìm thấy chiếc ghế của một người bạn để ngả lưng. “Ngày hôm sau và hôm sau nữa đều mưa, chúng tôi và các đồ đạc đều ướt sũng”, anh cho biết.

Những người khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự. Hồi đầu tuần này, những hình ảnh bắt đầu lan truyền trên mạng cho thấy nhiều người châu Phu ngủ trên đường phố ở Quảng Châu, với các hành lý bên cạnh, sau khi họ bị đuổi ra khỏi các tòa chung cư hay khách sạn. Các video khác cho thấy cảnh sát xua đuổi người châu Phi trên phố.

Không ai có bằng chứng cho thấy chính phủ ra lệnh cho các khách sạn hay chủ nhà từ chối người nước ngoài, mà thay vào đó họ cho biết đây dường như là quyết định của các cá nhân địa phương.

Một người đàn ông Nigeria cho biết với CNN rằng anh và bạn gái nhận được tin nhắn từ chủ nhà trên mạng xã hội WeChat vào lúc 7 giờ tối rằng họ phải chuyển đi vào lúc 8 giờ tối. Anh này trả lời rằng họ không thể chuyển đi chỉ trong 1 giờ. Đến 10 giờ tói, chủ nhà đến và cắt điện, nước của cặp đôi này.

Những người châu Phi bị dồn vào cảnh không nhà ở Trung Quốc - 2

Nhiều người châu Phi không có nơi để ngủ nghỉ vì các chủ nhà, khách sạn đều từ chối phục vụ (Ảnh: Shanghaiist)

“Tôi hỏi lý do tại sao lại như vậy. Tôi đã trả tiền thuê đến tháng 9 và đặt cọc 2 tháng. Nhưng họ không đưa ra lý do”, người đàn ông Nigeria cho biết. Anh này đã gọi cảnh sát và được phép ở lại căn hộ vào đêm đó. Nhưng sáng hôm nay, chủ nhà quay lại cùng một cảnh sát khác, người yêu cầu họ phải rời đi. Anh đã cố gắng tìm một căn hộ mới để thuê và đã hỏi nhiều nơi nhưng không ai muốn cho những người nước ngoài da màu thuê.

Tình trạng chung

Tại Thâm Quyến, một thành phố cách Quảng Châu 140km về phía nam, Youssouf, một người đàn ông Senegal, cho hay giới chức Trung Quốc hôm thứ Tư vừa qua cũng đến căn hộ mà anh sống chung cùng người vợ Canada tại một khu nhà có nhiều người nước ngoài.

“Họ gõ cửa. Một người đàn ông giơ điện thoại của anh ta với địa chỉ, tên và quốc tịch của tôi”, Youssouf kể lại. Cảnh sát yêu cầu anh phải tới bệnh viện để xét nghiệm. Anh hỏi lại rằng liệu vợ anh có phải đi xét nghiệm không, vì cả hai người trong số họ đều không rời Trung Quốc trong 12 tháng qua. “Họ trả lời là vợ tôi không cần đi, họ chỉ xét nghiệm người châu Phi”, anh kể lại.

“Người châu Phi không được chào đón ở Trung Quốc. Họ bị phân biệt đối xử nhiều lần”, anh nói.

Người châu Phi tại Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn về sự phân biệt chủng tộc, với các hình thức như người Trung Quốc bịt mũi mỗi khi đi ngang qua người châu Phi, các quảng cáo kỳ thị chủng tộc trên truyền hình…

Hồi đầu năm nay, khi Bắc Kinh đề xuất thay đổi nhập cư quanh đối với việc thường trú lâu dài, đã xuất hiện làn sóng phán ứng dữ dội trên mạng xã hội Weibo chống lại người châu Phi. Nhiều bình luận sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi trang này.

Roberto Castillo, một phó giáo sư tại Đại học Lingnan, người đã nghiên cứu về cộng đồng châu Phi tại Quảng Châu trong gần 1 thập niên qua, cho hay quận Yuexiu - nơi 5 công dân Nigeria bị phát hiện mắc Covid-19 - vốn là nơi cộng đồng châu Phi có quan hệ căng thẳng với giới chức. Yuexiu cũng là một điểm nóng trong đại dịch Ebola vào năm 2014, khi người châu Phi từ mọi quốc tịch đều bị chặn và kiểm tra, dù họ có đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng hay không.

Người châu Phi tại Quảng Châu đã được khuyên rời khỏi thành phố này trong những năm gần đây thông qua một loạt các chính sách di cư, phát triển kinh tế...

Các vụ kiểm tra nhằm vào người châu Phi tại Trung Quốc cũng không chỉ xảy ra ở Quảng Châu. Một gia đình Ghana ở Bắc Kinh, vốn không đi di chuyển gần đây và cũng không tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, cho biết cảnh sát đã tới căn hộ của họ hôm thứ Năm vừa rồi và yêu cầu họ rời đi. Đại sứ quán Ghana tại Bắc Kinh xác nhận rằng 2 công dân nước này hiện đang tị nạn tại đó nhưng từ chối bình luận.

Người châu Phi tại Thành Đô và Phúc Kiến cũng cho biết bị giới chức địa phương hỏi thăm.

1 triệu người Trung Quốc đang làm ăn châu Phi

“Tại sao chúng tôi lại kỳ thị như vậy? Không có người Trung Quốc ở châu Phi?”, một người châu Phi hỏi một cảnh sát Trung Quốc trên đường phố Quảng Châu trong một video được quay tối ngày 9/4, khi nhiều người phải đối mặt với một đêm nữa ngủ trên đường phố.

Đó là một câu hỏi cũng nói lên các hệ quả của một cuộc truy quét nhằm vào người châu Phi tại Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa Bắc Kinh với các chính phủ ở châu Phi, mà Trung Quốc đã “ve vãn” với các khoản đầu tư trong nhiều thập niên và nơi tâm lý chống Trung Quốc cũng đang gia tăng. Ước tính khoảng 1 triệu người Trung Quốc đang làm ăn và sinh sống tại châu Phi.

Vào tối ngày 9/4, Ngoại trưởng Nigeria Geoffrey Onyeama cho biết ông đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tới để bày tỏ "sự lo ngại đặc biệt của chính phủ về các cáo buộc kỳ thị đối với người Nigeria tại Quảng Châu".

Trung Quốc luôn nói là một người bạn của các quốc gia châu Phi, khi các nước này chiến đấu với đại dịch. Một quan chức y tế Trung Quốc hồi đầu tháng này cho biết nước này đã cử các nhóm y tế tới các quốc gia châu Phi trong 57 năm qua và sẽ tiếp tục giúp các nước này tăng cường khả năng chiến đấu với dịch Covid-19. Nhưng không phải tất cả các quốc gia châu Phi đều vui với điều đó.

Bộ trưởng Tài chính Ghana đã kêu gọi Trung Quốc giảm gánh nặng nợ nần đối với các nước châu Phi hồi đầu tháng này. Trong khi đó, vào ngày 31/3, Blessings Ramoba, Chủ tịch diễn đàn khai mỏ của Nam Phi, nói rằng dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Nam Phi thiệt hại nặng nề và kêu gọi Bắc Kinh xóa nợ để bù đắp phần nào.

An Bình

Theo AFP, CNN