1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điều thú vị ít biết về các lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Bục phát biểu bất ngờ bốc cháy khi tổng thống tuyên thệ nhậm chức, bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất chỉ có 135 từ, lâm bệnh nặng sau phát biểu nhậm chức… đó là những điều ít biết về các lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ.

Chỉ 2 tổng thống tuyên thệ nhậm chức 4 lần


Tổng thống Barack Obama phải tuyên thệ nhậm chức 4 lần. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Barack Obama phải tuyên thệ nhậm chức 4 lần. (Ảnh: Getty)

Đó chính là Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Roosevelt sở dĩ phải tuyên thệ nhậm chức 4 lần vì ông đắc cử 4 nhiệm kỳ trước khi Quốc hội Mỹ thông qua sửa đổi số 22 trong Hiến pháp quy định giới hạn mỗi tổng thống chỉ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Obama phải tuyên thệ nhậm chức 4 lần do trong lần tuyên thệ đầu tiên, Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ John G. Roberts đã đọc nhầm thứ tự từ tuyên thệ. Họ đã phải sửa lại tuyên thệ trong một lễ tuyên thệ tại Nhà Trắng và tiếp tục tuyên thệ một lần nữa trước công chúng ở Điện Capitol để đảm bảo tính minh bạch. Như vậy, trong vòng 1 tuần, Tổng thống Obama phải tuyên thệ nhậm chức 3 lần. Lần tuyên thệ nhậm chức thứ 4 của ông là khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2.

Lâm bệnh nặng sau tuyên thệ nhậm chức


Cố Tổng thống Mỹ William Henry Harrison. (Ảnh: USReport)

Cố Tổng thống Mỹ William Henry Harrison. (Ảnh: USReport)

William Henry Harrison được coi là tổng thống có nhiệm kỳ ngắn nhất nhưng với bài diễn văn dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Năm 1841, bất chấp bão tuyết, Tổng thống thứ 9 của Mỹ, ông William Henry Harrison, đã hăng hái đọc bài diễn văn nhậm chức dài nhất trong lịch sử với 8.000 từ trước sự chứng kiến của khoảng 50.000 người dân Mỹ. Ông hăng hái đến mức không chịu đội mũ và mặc áo khoác khi đọc bài diễn văn trong vòng 1 tiếng 45 phút cũng như khi tham gia cuộc diễu hành từ tòa nhà quốc hội trong mưa tuyết khi nhiệt độ xuống gần 0°C. Ông từ chối mặc áo khoác, đội mũ giữa trời mưa tuyết vì không muốn người khác thấy mình quá yếu đuối hay quá già để trở thành tổng tư lệnh đất nước như dư luận bàn tán.

Vài ngày sau buổi đọc diễn văn nhậm chức, ông Harrison bị cảm lạnh và được chẩn đoán viêm phổi. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 4/4/1841 ở tuổi 68, nghĩa là chỉ 31 ngày sau khi nhậm chức.

Các chuyên gia từ lâu cho rằng, ông Harrison qua đời do căn bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu công bố năm 2014, một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của vị tổng thống yểu mệnh này là do nhiễm trùng đường tiêu hóa vì điều kiện vệ sinh ở không được đảm bảo trong khi thể trạng yếu.

Bục phát biểu bốc cháy trong lễ tuyên thệ


Bục phát biểu bị cháy trong lễ nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy. (Ảnh: Getty)

Bục phát biểu bị cháy trong lễ nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy. (Ảnh: Getty)

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy gặp khá nhiều trục trặc. Thời điểm ông tuyên thệ nhậm chức là khi Washington tuyết rơi khá dày khiến việc chuẩn bị cho lễ nhậm chức gian nan hơn, nhiều quan khách không thể tham dự lễ nhậm chức do thời tiết khắc nghiệt.

Tiếp đó, khi Đức Hồng y Richard Cushing lên cầu nguyện, bục phát biểu đột nhiên bốc cháy do chập điện. Chưa dừng ở đó, khi nhà thơ Robert Frost lên đọc bài thơ nhậm chức, ánh mặt trời quá chói, khiến ông không thể đọc bài thơ ông mới chắp bút dành riêng cho sự kiện này. Ông Frost sau đó phải nghĩ ra một bài thơ khác để đọc.

Tuyên thệ trên máy bay


Tổng thống Lyndon B. Johnson phải tuyên thệ nhậm chức trên chuyên cơ Air Force One. (Ảnh: Nhà Trắng)

Tổng thống Lyndon B. Johnson phải tuyên thệ nhậm chức trên chuyên cơ Air Force One. (Ảnh: Nhà Trắng)

Tổng thống Lyndon B. Johnson phải tuyên thệ nhậm chức trên chuyên cơ Air Force One chỉ vài giờ sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát hôm 22/11/1963. Chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức đặc biệt này là nữ thẩm phán Sarah Hughes. Bà Hughes người phụ nữ duy nhất cho tới nay đảm nhận công việc này.

Không rơi vào Chủ nhật


Các lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống không rơi vào Chủ nhật.

Các lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống không rơi vào Chủ nhật.

Trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ, lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống chưa bao giờ diễn ra vào chủ nhật mặc dù 7 lần theo lịch là rơi vào Chủ nhật.

Lần đầu tiên lễ tuyên thệ nhậm chức rơi vào Chủ nhật là lễ nhậm chức thứ 2 của Tổng thống James Monroe vào ngày 4/3/1821. Tuy nhiên, ông đã lùi ngày nhậm chức sang hôm sau để tránh thời điểm khi tất cả các văn phòng đều nghỉ.

Năm 1877, Tổng thống Rutherford B. Hayes tiến hành nhậm chức trước một ngày vì ngày dự kiến rơi vào Chủ nhật. Năm 1917, Tổng thống Woodrow Wilson tuyên thệ nhậm chức kín vào Chủ Nhật nhưng sau đó tuyên thệ nhậm chức trước quần chúng vào ngày hôm sau.

Tuyên thệ nhậm chức không bằng kinh thánh


Chỉ một số tổng thống Mỹ không chọn đặt tay lên kinh thánh khi tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Library)

Chỉ một số tổng thống Mỹ không chọn đặt tay lên kinh thánh khi tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Library)

Mặc dù Hiến pháp Mỹ không quy định các tổng thống phải tuyên thệ nhậm chức bằng một cuốn kinh thánh, nhưng hầu hết tổng thống Mỹ đều đặt tay lên cuốn kinh thánh trong lễ nhậm chức.

John Quincy Adams là tổng thống đầu tiên thay đổi “thông lệ” này, thay vào đó, ông đặt tay lên một cuốn sách luật bên trong có chứa nội dung hiến pháp. Ngoài Tổng thống Adams, các tổng thống khác cũng “phá lệ” là Teddy Roosevelt và Lyndon B. Johnson.

Bài diễn văn tuyên thệ ngắn nhất


Tổng thống George Washington tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh:Libarary)

Tổng thống George Washington tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh:Libarary)

Tổng thống Mỹ George Washington là người có bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức ngắn nhất trong lịch sử. Trong lần tuyên thệ nhậm chức thứ hai vào ngày 4/3/1793, bài diễn văn của ông chỉ có 135 từ. Bài diễn văn ngắn thứ hai là của Tổng thống Franklin D. Roosevelt chỉ với 558 từ.

Minh Phương

Tổng hợp