1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điều ít biết về "thái tử Samsung"

Sáu tháng trước, nếu tìm ảnh “thái tử Samsung” Lee Jae-yong thì vô cùng khó khăn, vì ông hiếm khi hiện diện trước báo giới. Giờ ông xuất hiện trên khắp mặt báo, nhưng với chiếc còng tay.

Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (giữa) bị cảnh sát dẫn giải tới văn phòng công tố viên đặc biệt ở Seoul hôm 25/2. Ảnh: Bloomberg.
Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (giữa) bị cảnh sát dẫn giải tới văn phòng công tố viên đặc biệt ở Seoul hôm 25/2. Ảnh: Bloomberg.

Việc ông Lee Jae-yong, 48 tuổi, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, người điều hành thực tế của Samsung, bị bắt đã gây chấn động Hàn Quốc. Trong lịch sử tập đoàn công nghiệp lớn nhất Hàn Quốc từ năm 1938 đến nay, ông Lee là lãnh đạo đầu tiên bị bắt giữ, xét xử.

Ông Lee tốt nghiệp đại học tại Seoul, thạc sỹ tại Nhật, tiến sỹ tại ĐH Harvard, Mỹ. Ông kết hôn năm 1998, có 2 con, li dị năm 2009. Ông là người giàu thứ ba ở Hàn Quốc, với khối tài sản ước tính gần 6 tỷ USD.

Ông Lee được biết đến là người khiêm tốn, kín tiếng, cần mẫn, chịu khó trả lời email của từng nhân viên. Sau khi ông tiếp quản Samsung, doanh thu của tập đoàn tăng gấp 100 lần so với đỉnh cao mà bố ông đạt được năm 1987.

Trước khi về làm việc cho công ty gia đình, ông Lee làm Giám đốc tài chính dịch vụ bán lẻ của GE Capital và tư vấn cho Ngân hàng Boston năm 1992. Ông tham gia lĩnh vực kinh doanh trên Internet từ trước năm 2001. Ông đã tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với Steve Jobs - cha đẻ của Apple.

Từ một công ty cung cấp nguyên liệu cho thiết bị của Apple, trong đó có iPod, Samsung dưới sự điều hành của ông Lee đã lớn mạnh, trở thành đối thủ đáng gờm nhất của Apple. Nhờ mối quan hệ tốt với Steve Jobs và sự nỗ lực của bản thân, ông Lee đã giúp tăng thị phần điện thoại Samsung lên 25%.

Có thoát được án tù 20 năm?

Ngày 9/3, toà án Hàn Quốc mở phiên toà đầu tiên xét xử ông Lee bị cáo buộc từng lót tay 43,3 tỉ won (38 triệu USD) cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (nay đã bị phế truất) và bạn thân của bà là Choi Soon-sil. Ông cũng bị cáo buộc nhiều tội danh khác như biển thủ, chuyển trái phép tài sản ra nước ngoài, khai man trước tòa… Tuy nhiên, tỷ phú Lee phủ nhận các cáo buộc.

Theo các chuyên gia luật, vụ lót tay kể trên chủ yếu là để tránh phải đóng thuế kế thừa tài sản. Thuế kế thừa tài sản ở Hàn Quốc lên đến 50%, cao nhì thế giới, chỉ sau Nhật Bản (55%), cao hơn Mỹ (40%), Đức (30%). Nếu muốn thừa hưởng số tài sản khổng lồ của Samsung, ông Lee sẽ phải đóng thuế khoảng 6 tỉ USD. Nếu bị tuyên là có tội, ông có thể đối mặt án tù lên tới 20 năm.

Ông Lee Kyu-chul, người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt, nói: “Samsung đã trực tiếp liên quan vụ bê bối gây chấn động. Các công tố viên sẽ cố gắng đưa ra bằng chứng khép tội ông Lee đưa hối lộ. Ngoài ra, họ cũng làm rõ cáo buộc về các khoản tiền hối lộ của Samsung dành cho cựu Tổng thống Park Geun-hye”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia pháp lý, vụ án này khá phức tạp. Ông Lee đã thuê 13 luật sư hàng đầu Hàn Quốc để bào chữa cho mình. Đa số luật sư bào chữa cho ông Lee làm việc tại Bae, Kim & Lee (BKL) - một trong những công ty luật lớn nhất Hàn Quốc từng bào chữa cho nhiều nhân vật nổi tiếng trong các vụ án lớn.

Công ty này từng bào chữa cho Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won (bị kết án tù treo ba năm với tội danh tham ô, vi phạm ủy thác) và Chủ tịch tập đoàn Hanwha Kim Seung-youn (bị kết án bốn năm tù hồi năm 2013 vì biển thủ công quỹ, sau đó được ân xá).

Phán quyết đối với ông Lee sẽ được công bố vào tháng 5. Đây được coi là cuộc đấu trí căng thẳng giữa nhóm công tố viên đặc biệt gồm 105 thành viên và 13 luật sư sừng sỏ mà ông Lee thuê.

Theo Lan Anh (tổng hợp)

Tiền Phong