1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điều ít biết về nhà du hành đầu tiên lên mặt trăng

(Dân trí) – Được cả nhân loại biết đến với tư cách một nhà du hành vĩ đại, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng nhưng Neil Armstrong lại rất ngại xuất hiện trước công chúng và từng nhiều lần khiến báo giới chưng hửng.

Ngày 20/7/1969, 528 triệu người trên khắp hành tinh chứng kiến một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với lịch sử ngành thám hiểm vũ trụ thế giới cũng như khoa học của nhân loại. Đúng 22 giờ 56 phút giờ New York, Neil Armstrong, chỉ huy tàu vũ trụ Apollo 11 đã trở thành người đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng.

Bức ảnh đi vào lịch sử của Neil Armstrong trên mặt trăng
Bức ảnh đi vào lịch sử của Neil Armstrong trên mặt trăng

Câu nói của ông sau đó đã đi vào lịch sử và khiến tất cả những ai được chứng kiến vào thời khắc đó không thể quên: “Đây là bước đi nhỏ với một con người nhưng là bước tiến vĩ đại của cả nhân loại”.

Trong những khoảnh khắc đầu tiên trên mặt trăng đó, giữa lúc cuộc đua vào vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ đang ở đỉnh điểm, Armstrong đã dừng lại trong một khoảnh khắc mà ông gọi là “khoảnh khắc tế nhị” để tưởng nhớ những nhà du hành của Mỹ và Liên Xô đã tử nạn trong nỗ lực thám hiểm vũ trụ. Kể từ đây cái tên Neil Armstrong được cả thế giới biết tới.

Sinh ngày 5/8/1930 tại một trang trại gần Wapakoneta, phía Tây bang Ohio, Neil Armstrong sớm có niềm đam mê với ngành hàng không sau lần đầu được đi máy bay lúc 6 tuổi. Tự động mày mò, ông đã tự tạo ra những mẫu máy bay của riêng mình và tiến hành những thử nghiệm ngay trong hầm gió tự xây dựng.

Khi còn là cậu bé, trong thời gian làm việc tại một tiệm thuốc, Armstrong đồng thời học lái máy bay. Và đến khi 16 tuổi ông đã được cấp phép bay trước cả khi có bằng lái ô tô. Sự yêu thích được bay đã đưa ông đến với ngành kỹ thuật hàng không tại đại học Purdue trước khi được gọi nhập ngũ năm 1949.

Cũng giống như hầu hết các nhà du hành khác, Armstrong là người có sự điềm tĩnh siêu phàm. Xuất thân từ một phi công quân sự, máy bay của ông từng nhiều lần bị pháo phòng không đối phương bắn cho tơi tả. Thế nhưng Armstrong vẫn đủ bình tĩnh để giữ thăng bằng và bay trở lại căn cứ trước khi được mọi người cứu ra.

Rời quân ngũ chiến tranh, ông trở thành phi công bay thử nghiệm của Ủy ban tư vấn hàng không quốc gia (tiền thân của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA) và đã lái thử khoảng 200 loại máy bay khác nhau. Tất cả những máy bay này chỉ phù hợp cho phi công thử nghiệm bởi không ai dám nói chắc rằng những cỗ máy ấy sẽ hoạt động ra sao, có như thiết kế hay rung lắc đến bung ốc một khi đạt đến vận tốc cất cánh.

Mãi đến năm 1962, Armstrong mới gia nhập NASA. Trong những lần bay thử nghiệm sau đó, ít nhất 3 lần Armstrong suýt mất mạng. Ngày 16/3/1966, ông cùng đồng đội là David Scott điều khiển chiếc Gemini VIII bay vào quỹ đạo, bắt đầu một nhiệm vụ được dự kiến kéo dài 5 ngày.

Armstrong rất được ngưỡng mộ nhưng lại không thích sự nổi tiếng
Armstrong rất được ngưỡng mộ nhưng lại không thích sự nổi tiếng

Sau 5 giờ bay họ đã ráp nối với mục tiêu là một thiết bị không người lái có tên Agena, lớn hơn chiếc Gemini của họ rất nhiều lần. Thiết bị này được thiết kế để giúp các nhà du hành thực hiện những công việc họ cần tiến hành trong nhiệm vụ đáp xuống mặt trăng. Thế nhưng sau khi ghép nối chưa được bao lâu, cả khối thiết bị bỗng mất điều khiển, xoay tròn sang bên phải.

Theo quy trình của NASA nếu có bất kỳ sự cố nào phi hành đoàn phải lập tức tách khỏi Agena để tránh những tổn thất có thể xảy ra. Armstrong làm theo hướng dẫn thế nhưng tốc độ xoay tròn chỉ càng tăng lên. Hóa ra sự cố không phải ở khối Agena mà chính là do ống đẩy của tàu Gemini ngừng hoạt động. Việc tách khỏi khối Agena có trọng lượng lớn hơn chỉ khiến tàu Gemini xoay nhanh hơn.

“Tốc độ khi đó khoảng 1 vòng/giây”, Scott cho biết. “Chúng tôi hầu như sắp không nhìn thấy gì, có thể bị bất tỉnh và sẽ hoàn toàn mất kiểm soát”. Trong khoảnh khắc sinh tử đó, Armstrong bình tĩnh tắt động cơ chính, khởi động hệ thống dự phòng và đưa du thuyền trở lại trạng thái cân bằng. Đến 22 giờ 22 phút cả 2 nhà phi hành hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương. Trong một cuộc phỏng vấn với NASA nhiều năm sau đó Armstrong gọi đây là một sự cố “không có gì đáng nói”.

2 năm sau, Armstrong còn phải điều khiển một cỗ máy bất trị hơn nhiều, có tên thiết bị luyện tập hạ cánh trên mặt trăng (LLTV). Cỗ máy cao hơn 6m, nặng hơn 1 tấn có 4 chân khi ấy không hề được kỳ vọng có thể bay cao tới 300m bởi cỗ máy này là nhằm giúp các phi hành gia tàu Apollo làm quen với module sẽ hạ cánh trên mặt trăng.

Ngày 6/5/1968, tại căn cứ không quân Ellington, khi Armstrong lái cỗ máy trên rời mặt đất được chừng 100m, nó đã đột ngột dừng hoạt động vị bị rò nhiên liệu và chao đảo dữ dội. Khi LLTV bổ nhào theo chiều thẳng đứng từ một độ cao thấp như vậy ai cũng nghĩ rằng phi hành đoàn khó sống sót. Vậy nhưng Armstrong vẫn kịp bung ghế thoát hiểm còn LLTV thì lao xuống đất.

Một giờ sau, khi đồng đội Al Bean hay tin đã tức tốc tới văn phòng của Armstrong ở Ellington với hy vọng có thể gặp được ông còn lành lặn sau tai nạn suýt mất mạng. Lúc Bean bước vào, thật bất ngờ Armstrong vẫn bĩnh thản ngồi làm công việc giấy tờ.

Khi Al Bean hỏi về vụ tai nạn và liệu Armstrong có sao không, tất cả những gì nhà du hành này trả lời chỉ là “Mm-hmm” và thậm chí cũng chẳng thèm ngước lên. Rất lâu về sau, trong một cuộc phỏng vấn với CPA Australia về tai nạn này ông tiết lộ: “Tôi đã cắn phải lưỡi mình, đó là tổn thất duy nhất”.

Tai nạn lần thứ 3 suýt khiến Armstrong mất mạng chính là lần trở về trái đất cùng module Eagle vào ngày 20/7/1969. Theo dự kiến hệ thống máy tính sẽ tự điều khiển việc tiếp đất. Thế nhưng khi bước vào giai đoạn hạ cánh cuối cùng hệ thống chợt bị quá tải. Đèn báo động chớp liên hồi còn nhiên liệu trên tàu hầu như đã cạn.

Rất bình tĩnh Armstrong tắt hệ thống lái tự động và tự điều khiển hạ cánh bằng tay. Cú hạ cánh thành công mỹ mãn nhưng ít ai biết rằng chỉ chậm 30 giây nữa phi thuyền đã có thể hoàn toàn mất điều khiển và rơi tự do xuống đất.

Trở thành tâm điểm của báo giới sau xứ mệnh lịch sử, Neil Armstrong được người dân khắp nước Mỹ chào đón như người hùng. NASA cũng bổ nhiệm ông vào một vị trí quan trọng nhưng ông nhanh chóng từ bỏ 1 năm sau đó để về ở ẩn tại trang trại của mình ở Ohio và làm công việc giảng dạy tại ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ, đại học Cincinnati từ năm 1970 đến tận năm 1979.

“Ông ấy không thích các buổi phỏng vấn nhưng không phải là người khác thường hay khó nói chuyện”, Ron Huston, một đồng nghiệp tại đại học Cincinnati cho biết. “Ông ấy đơn giản là không muốn trở thành người nổi tiếng”.

Năm 2003, trong một lần xuất hiện tại Dayton để kỷ niệm 100 năm chuyến bay trên máy bay có động cơ đầu tiên, trước sự có mặt của khoảng 10.000 người, Armstrong chỉ phát biểu trong vài giây ngắn ngủi, thậm chí còn không đề cập đến lần lên mặt trăng trước khi bước vào cánh gà.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay lên mặt trăng, Armstrong một lần nữa nhanh chóng biến mất sau khi phát biểu ngắn gọn rằng cuộc cạnh tranh hòa bình trong việc khám phá vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đã giúp cho cả hai phía đạt được những thành công lớn về mặt khoa học, nghiên cứu và khám phá.

“Tôi đã và sẽ mãi mãi là một kỹ sư đi khép kín, đi tất trắng và mang đồ bảo hộ”, cựu phi hành gia phát biểu trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước báo giới năm 2000. “Tôi hết sức tự hào với những thành công mình đạt được trong công việc”.

Hoàng Tùng
Theo TimeAP