Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng qua đời
(Dân trí) - Nhà du hành vũ trụ nổi tiếng người Mỹ Neil Armstrong, người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên mặt trăng, đã qua đời vì biến chứng sau khi phẫu thuật tim, gia đình ông hôm qua cho biết. Ông thọ 82 tuổi.
Armstrong đã phải phẫu thuật tim vào đầu tháng này sau khi các bác sỹ phát hiện động mạch vành bị tắc.
Ca ngợi Armstrong là “anh hùng Mỹ bất đắc dĩ”, gia đình ông cho biết họ rất đau buồn và nhấn mạnh nhà vũ trụ tiên phong đã “tự hào phục vụ đất nước mình, khi là một phi công lái chiến đấu cơ của hải quân, là phi công bay thử nghiệm và là du hành gia”.
Armstrong và đồng nghiệp trên tàu Apollo 11 Edwin "Buzz" Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20/7/1969, trước con mắt dõi theo của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Lời đầu tiên khi bước chân lên mặt trăng của ông đã được lưu mãi trong lịch sử: “Đây là một bước tiến nhỏ cho một con người, nhưng là một cú nhảy lớn cho nhân loại.”
Với tư cách là chỉ huy sứ mệnh Apollo 11, cũng là Armstrong, người đã thông báo cho bộ phận điều khiển sứ mệnh rằng con tàu đã hạ cánh thành công.
Tuy nhiên, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng sau khi đi vòng quanh thế giới 17 nước và được cả nước Mỹ vinh danh sau sứ mệnh Apollo 11, đã không bao giờ được thấy thoải mái với sự nổi tiếng của mình. Sau đó ông đã tránh xa ánh đèn hào quang.
Armstrong thậm chí ngừng ký kết sau khi biết cuốn tự truyện của mình bị bán với giá cắt cổ.
Sinh ra ở Wapakoneta, Ohio ngày 5/8/1930, Armstrong ngay từ đầu đã đam mê máy bay và khi còn nhỏ ông làm việc gần một sân bay. Ông bắt đầu học bay vào năm 15 tuổi và nhận bằng lái máy bay cho phi công vào sinh nhật lần thứ 16.
Ông học kỹ sư hàng không tại đại học Purdue ở Indiana và sau đó có bằng thạc sỹ về kỹ sư hàng không tại Đại học Nam California.
Sau khi phục vụ trong hải quân từ 1949-1952, ông gia nhập cơ quan tiền thân của NASA, Ủy ban tư vấn hàng không học quốc gia năm 1955. Tại đây ông làm kỹ sư, phi công bay thử nghiệm, du hành gia, nhà quản lý NACA và sau đó là NASA trong suốt 17 năm tiếp theo.
Sau khi về hưu ở NASA năm 1971, ông dạy ngành kỹ sư hàng không tại đại học Cincinnati trong gần một thập niên và làm quản lý ở nhiều công ty như Lear Jet, United Airlines và Marathon Oil.
Vũ Quý
Theo AFP