1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh thế giới 2017

(Dân trí) - Năm nắm quyền đầu tiên nhiều tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 4, Syria và Iraq quét sạch phiến quân IS khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng... là những điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh thế giới 2017.

Tỷ phú Donald Trump nhậm chức và những quyết định gây tranh cãi

Những khoảnh khắc ấn tượng trong lễ nhậm chức của ông Trump

Sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống đầy ồn ào cuối năm 2016, tỷ phú bất động sản Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo Mỹ đã có một loạt quyết định gây tranh cãi, gây chấn động thế giới, mở đầu là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay vào ngày đầu trở thành tổng thống. Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Trump cũng mạnh mẽ chỉ trích TPP vì cho rằng nó không có lợi cho nước Mỹ.

Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của ông Trump là sắc lệnh cấm nhập cư mới, trong đó cấm công dân 6 nước có đa số người dân theo đạo Hồi gồm Iran, Lybia, Syria, Yemen, Somali, Cộng hòa Chad vào lãnh thổ nước này. Sau nhiều tranh cãi, Tòa án tối cao Mỹ ngày 4/12 đã phê chuẩn sắc lệnh này của ông Trump. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng quyết định ngừng DACA, một chương trình bảo hộ người nhập cư trái phép vào Mỹ khi còn nhỏ, trong một động thái có thể ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người.

Tổng thống Trump đã gây chấn động thế giới hồi tháng 6 khi tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu với lý do thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, giết chết việc làm ở Mỹ, cản trở ngành sản xuất và khai thác dầu, khí đốt và than đá.

Ngày 6/12, ông Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và khởi động tiến trình chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Động thái này của ông Trump đã thổi bùng tranh cãi trong thế giới Ả rập, làm bùng phát các cuộc biểu tình chống Mỹ. 128 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12 đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

APEC Việt Nam và “số phận mới” của TPP

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC chụp ảnh chung tại Đà Nẵng

Tháng 11/2017, Tuần lễ Cấp cao APEC, hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai, đã diễn ra thành công tại thành phố Đà Nẵng. Tại Hội nghị cấp cao APEC, lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên đã ra tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, trong đó khẳng định quyết tâm cùng tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn để tạo động lực mới cho hợp tác APEC, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực... Đây cũng là lần hiếm hoi một hội nghị cấp cao APEC có sự tham gia của toàn bộ 21 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, lãnh đạo các nước đã có những bài phát biểu được thế giới chú ý, trong đó bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit).

Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút đã họp không chính thức và đi đến nhất trí về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thay thế cho TPP.

Các thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng và năm APEC 2017 nói chung đã cho thấy vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cho thấy những đóng góp của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực.

Putin hạ lệnh rút quân khỏi Syria và tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 4

Tổng thống Putin lệnh rút quân đội Nga khỏi Syria

Sau nhiều đồn đoán, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 4 vào tháng 3/2018. Nhưng lần này, ông tuyên bố tranh cử với tư cách là ứng viên độc lập, thay vì đại diện cho đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền như trước đây. Ông Putin từng nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 2000-2008, trước khi trở thành thủ tướng vào năm 2008. Ông tái đắc cử tổng thống vào năm 2012.

Tổng thống Putin là một trong những nhà lãnh đạo được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua. Tháng 12/2017, Tổng thống Vladimir Putin, Tổng tư lệnh quân đội Nga, đã hạ lệnh rút quân khỏi Syria sau 2 năm quân đội Nga tham gia cuộc chiến khủng bố tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga tuyên bố đã giúp Syria quét sạch nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi quốc gia Trung Đông.

Quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn “ông chẳng, bà chuộc” trong năm 2017, trái với những dự đoán trước đó rằng mối quan hệ này có thể được cải thiện khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Cùng lúc đó, quan hệ Nga-NATO cũng vẫn lạnh nhạt, nhất là sau khi NATO triển khai lực lượng đa quốc gia mới áp sát Nga.

Trung Quốc tổ chức đại hội Đảng 19 và đưa vào “tư tưởng Tập Cận Bình”

Trung Quốc ra mắt 7 lãnh đạo cao nhất khóa mới

Trung Quốc đã tổ chức thành công đại hội Đảng 19, với việc thông qua điều lệ đảng sửa đổi và bầu ra Ban chấp hành Trung ương khóa 19 với 204 thành viên. Đại hội cũng nhất trí thông qua "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới", đồng thời đưa tư tưởng này quán triệt vào Điều lệ Đảng sửa đổi. Đây là lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông, tư tưởng của một nhà lãnh đạo đương nhiệm được đưa vào điều lệ Đảng.

Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy “Sáng kiến Vành đai và Con đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất nhằm xây dựng mạng lưới thương mại toàn cầu. Bắc Kinh đang tích cực mở rộng ảnh hưởng ở khắp châu Á, châu Âu và châu Phi với hàng loạt dự án tỷ "đô".

Trên biển, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc vẫn lặng lẽ bồi đắp thêm và xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh đang có các bước đi nhằm quân sự hóa Biển Đông, như đưa máy bay chiến đấu trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và xây dựng các công trình quân sự phi pháp tại quần đảo Trường Sa. Trên đất liền, quân đội Trung Quốc - Ấn Độ lâm vào cuộc đối đầu căng thẳng tại khu vực biên giới tranh chấp ở cao nguyên Doklam. Sau các vụ xô xát, căng thẳng dai dẳng suốt hơn 2 tháng chỉ chấm dứt khi hai bên đồng ý rút quân.

Syria, Iraq quét sạch IS khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng

Syria giành lại thành phố chiến lược từ tay phiến quân IS

Syria và Iraq, với sự hỗ trợ của Liên quân do Mỹ đứng đầu và Nga, đã quét sạch tổ chức phiến quân IS khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Kể từ năm 2014, IS đã chiếm nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria để lập nên cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Sau các chiến dịch không kích ròng rã của liên quân, Iraq trong năm 2017 đã lần lượt giải phóng các thành phố quan trọng Tal Afar, Mosul khỏi tay IS. Tại Syria, Nga tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh giúp quốc gia Trung Đông quét sạch các tay súng IS tại các thành trì Deir Ezzor và Raqqa.

Việc IS mất “Vương quốc Hồi giáo” tại Iraq và Syria được đánh giá là một chiến thắng không chỉ của hai quốc gia Trung Đông này hay của liên quân do Mỹ đứng đầu và Nga, mà là thành công to lớn của nỗ lực chống khủng bố trên khắp thế giới nói chung. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh đã lên tiếng cảnh báo về những mối đe dọa tiềm tàng khi các tay súng IS vẫn hiện diện manh mún tại Trung Đông, và gia tăng hoạt động các khu vực khác trên thế giới như Sừng châu Phi, Đông Nam Á.

Nhiều gương mặt lãnh đạo trẻ

Nước Pháp có tân Tổng thống 39 tuổi

Năm 2017, thế giới chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo trẻ lên nắm quyền. Tại Pháp, chính trị gia Emmanuel Macron nhậm chức tổng thống ở tuổi 39, trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử Pháp. Tại Áo, chính trị gia Sebastian Kurz, 31 tuổi, trở thành Thủ tướng trẻ nhất nước này và cũng là nhà lãnh đạo trẻ nhất tại châu Âu. Còn tại New Zealand, bà Jacinda Ardern nhậm chức thủ tướng ở tuổi 37 và là lãnh đạo trẻ nhất nước này trong hơn 150 năm qua.

Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo bị phế truất hoặc mất chức cũng gây rúng động thế giới. Tại Hàn Quốc, nữ tổng thống đầu tiên, bà Park Geun Hye, đã bị phế truất liên quan tới vụ bê bối chính trị chấn động quốc gia Đông Á. Bà Park đã bị bắt giữ, xét xử và có thể đối mặt với án tù. Tại châu Phi, vị Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã buộc phải từ chức ở tuổi 93 sau 37 năm cầm quyền trong một cuộc nổi dậy của quân đội.

Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa mạnh chưa từng có

Triều Tiên tung video phóng tên lửa đạn đạo tầm bắn tới Mỹ

Bán đảo Triều Tiên năm 2017 tiếp tục sôi sục do các bước tiến nhảy vọt đáng lo ngại của Bình Nhưỡng trong chương trình hạt nhân và tên lửa, và động thái trả đũa cũng như “cuộc chiến ngôn từ” của các bên. Triều Tiên ngày 3/9 đã tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay của nước này, ước tính có sức công phá 140 kiloton. Một vài nguồn tin khác nhận định con số này còn lên tới 250 kiloton. So sánh với những vụ thử nghiệm có sức công phá 10 đến 20 kiloton trước đó, vụ thử ngày 3/9 đã đánh dấu bước phát triển nhanh chóng của chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Bình Nhưỡng một lần nữa khiến thế giới sôi sục khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 hôm 29/11. Tên lửa này đã bay xa 1.000 km và đạt độ cao 4.000 km, dù ước tính có tầm bắn lên tới 13.000 km - nghĩa là có thể vươn tới bất kỳ đâu trên lãnh thổ Mỹ. Đây là vụ tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng.

Các động thái của Bình Nhưỡng khiến Mỹ và các nước đồng minh của Washington trong khu vực “nóng mặt”. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản đã phát đi những ngôn từ chỉ trích mạnh mẽ nhất nhằm vào Bình Nhưỡng, cùng lúc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm răn đe Triều Tiên. Các động thái quân sự và “cuộc chiến ngôn từ” giữa các bên khiến bán đảo Triều Tiên có lúc như đứng trên bờ vực chiến tranh. Mỹ đã hối thúc Trung Quốc có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên, trong khi Nga cảnh báo rằng hành động quân sự tại bán đảo Triều Tiên có thể trở thành thảm họa.

Cũng liên quan tới Triều Tiên, một cuộc tranh cãi ngoại giao đã nổ ra sau khi một công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol nghi là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13/2. Ông Kim Jong-nam tử vong khi bị hai phụ nữ tiếp cận trong khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay đi Macao.

Video người nghi ông Kim Jong-nam bị tấn công tại sân bay Malaysia

Vụ ám sát ông Kim Jong-nam đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Malaysia và Triều Tiên. Malaysia khẳng định người đàn ông thiệt mạng là ông Kim Jong-nam, trong khi Triều Tiên kiên quyết bác bỏ điều này và chỉ thừa nhận ông này là Kim Chol. Những tranh cãi giữa hai bên đã dẫn tới việc hai nước trục xuất đại sứ của mỗi bên và cấm công dân của nhau xuất cảnh. Malaysia cuối cùng đã trao trả thi thể của nạn nhân cho Triều Tiên hôm 31/3.

Cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia đã dẫn tới việc bắt giữ 2 nghi phạm Đoàn Thị Hương (Việt Nam)và Siti Aishah (Indonesia), vốn tiếp cận nạn nhân tại sân bay. Giới chức Malaysia xác định 2 nghi phạm này đã tấn công nạn nhân bằng chất độc thần kinh VX. Cả Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương đều nói họ vô tội và tin rằng họ bị lừa tham gia một trò đùa vô hại trên truyền hình. Phiên xét xử 2 nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol dự kiến kéo dài tới tháng 3/2018. Malaysia cho biết 4 nghi phạm Triều Tiên khác trong vụ án mạng đã trốn thoát khỏi quốc gia Đông Nam Á.

Châu Âu trải qua một năm đầy biến động

Châu Âu đã trải qua năm 2017 với nhiều biến động, từ các vụ tấn công khủng bố đẫm máu, cuộc khủng hoảng ly khai ở Tây Ban Nha cho đến tiến trình Brexit đầy gian nan giữa Anh và EU. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã gây rúng động châu Âu trong năm 2017, trong đó phải kể đến vụ đánh bom tại nhà thi đấu Manchester ở London (Anh) làm 22 người chết, vụ khủng bố ở Barcelona (Tây Ban Nha) cướp đi sinh mạng của 13 người, vụ tấn công ở Stockholm khiến 4 người thiệt mạng.

350.000 người biểu tình phản đối Catalonia độc lập

Cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia về việc tách khỏi Tây Ban Nha, với 90% tỷ lệ người đi bỏ phiếu ủng hộ động thái này, đã gây căng thẳng tại nước này nói chung và châu Âu trong suốt nhiều tuần liền. Mặc dù Madrid đã sử dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nỗ lực ly khai của Catalonia nhưng cuộc khủng hoảng vẫn đe dọa bùng phát bất kỳ lúc nào. Vụ Catalonia cũng là một bằng chứng cho thấy EU đang phải đối mặt làn sóng đòi ly khai đang âm ỉ tại nhiều quốc gia trong khối.

Sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc tách khỏi EU (Brexit) hồi năm 2016, chính phủ Anh và Liên minh châu Âu bước vào cuộc đàm phán gian nan nhằm tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng chấp nhận được cho việc Anh rời khỏi khối. Đến cuối năm 2017, hai bên mới khép lại giai đoạn 1 của cuộc đàm phán để chuẩn bị bước vào giai đoạn đàm phán thứ 2, được dự đoán sẽ rất căng thẳng trong năm 2018.

Phiến quân thân IS vây hãm thành phố của Philippines suốt 5 tháng

Người Philippines ồ ạt sơ tán sau giao tranh dữ dội tại thành phố Marawi

Thành phố Marawi ở miền nam Philippines đã bị tàn phá nặng nề sau khi bị tổ chức phiến quân Maute thân IS chiếm đóng và vây hãm suốt 5 tháng. Cuộc khủng hoảng Marawi nổ ra hồi tháng 5 khi các lực lượng an ninh của chính phủ Philippines mở chiến dịch truy tìm một thủ lĩnh của tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf và là một trong số các phần tử khủng bố bị Mỹ truy nã. Chiến sự kéo dài suốt 5 tháng cho đến tháng 10, khi quân đội Philippines tuyên bố giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi khỏi phiến quân.

Cuộc khủng hoảng tại Marawi đã gây hậu quả nặng nề về người và của. Tổng cộng gần 1.000 phiến quân đã bị tiêu diệt và 11 kẻ bị bắt sống; 165 thành viên thuộc lực lượng chính phủ thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương; cùng 87 dân thường thiệt mạng. Marawi trở thành bãi chiến trường tan hoang sau những ngày liên tiếp hứng hỏa lực khốc liệt.

Cuộc tấn công của nhóm phiến quân Maute vào thành Marawi của Philippines một lần nữa cho thấy tình trạng bất ổn bấy lâu nay do các phiến quân Hồi giáo gây ra trên đảo Mindanao ở miền nam Philippines và nguy cơ IS xâm nhập Đông Nam Á ngày càng rõ nét.

Ban Quốc tế