1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Triều Tiên tổ chức duyệt binh ban đêm kỷ niệm 73 năm Quốc khánh, tuy nhiên sự kiện năm nay chứa những yếu tố khác biệt so với các cuộc duyệt binh hoành tráng trước đó.

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự cuộc duyệt binh (Ảnh: Reuters).

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 9/9 đưa tin, nước này đã tổ chức duyệt binh ban đêm để kỷ niệm 73 năm Quốc khánh. Hàng loạt hình ảnh được công bố cho thấy quy mô hoành tráng của sự kiện, tuy nhiên, có một số điểm khác biệt trong lễ duyệt binh lần này là sự vắng bóng của các tên lửa đạn đạo cũng như sự xuất hiện của một "đội quân" áo cam đặc biệt.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự buổi lễ quan trọng tại quảng trường Kim Nhật Thành vào nửa đêm ngày 8/9.

Đội quân áo cam đặc biệt

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên - 2

Lực lượng diễu hành mặc đồ bảo hộ cam và đeo mặt nạ phòng độc thể hiện sự thành công của Triều Tiên trong việc kiểm soát dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền, đã đăng những bức ảnh cho thấy đoàn diễu hành mặc trang phục bảo hộ màu da cam với khẩu trang, như một biểu tượng cho nỗ lực chống dịch Covid-19. Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa ghi nhận bất cứ ca bệnh nào nhờ các biện pháp hạn chế, phong tỏa mạnh mẽ và cứng rắn.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ca ngợi nhiệt huyết yêu nước của đội ngũ chống dịch khẩn cấp và đội ngũ y tế Triều Tiên đã giúp bảo vệ vững chắc an ninh của đất nước và người dân khỏi thảm họa dịch bệnh toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong 12 tháng qua, Triều Tiên đã tổ chức 3 cuộc duyệt binh hoành tráng với sự tham gia của nhiều người không mang khẩu trang và chưa được tiêm vắc xin. Giới quan sát đánh giá, đây là tần suất cao khác thường tại Bình Nhưỡng và điều đó dường như thể hiện sự tự tin nhất định của Triều Tiên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện tại.

Ngoài việc tôn vinh nỗ lực chống dịch, màn diễu hành trên dường như cũng phát đi thông điệp tới người dân Triều Tiên rằng, cuộc chiến chống dịch sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, theo BBC

Sự vắng bóng của tên lửa đạn đạo

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên - 3

Pháo hoa rợp trời Bình Nhưỡng trong sự kiện duyệt binh đặc biệt (Ảnh: Reuters).

Một số vũ khí cũng xuất hiện trong lễ duyệt binh, bao gồm các bệ phóng đa tên lửa và tên lửa chống tăng. Hệ thống vũ khí lớn nhất xuất hiện trong buổi duyệt binh là các hệ thống pháo được di chuyển bằng những chiếc máy kéo.

Tuy nhiên, không có bất kỳ tên lửa đạn đạo xuất hiện trong các bức ảnh, cũng như được nhắc tới trong các bài báo của truyền thông nhà nước Triều Tiên. Ông Kim Jong-un cũng không phát biểu, khác với tháng 10 năm ngoái, khi ông ca ngợi năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng và nước này cũng phô diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất khi đó.

Theo SCMP, trong các cuộc duyệt binh nhiều năm qua, Triều Tiên thường tận dụng những dịp này để phô diễn sự phát triển về mặt quân sự, đặc biệt là công nghệ tên lửa đạn đạo.

Lần gần nhất Triều Tiên tổ chức duyệt binh là ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1. Bình Nhưỡng đã phô diễn những thành tựu mới nhất về các tên lửa nhiên liệu rắn tấn công nhanh trong sự kiện đó. Hãng tin KCNA khi đó đã gọi tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là "vũ khí uy lực nhất thế giới".

Theo Reuters, đây cũng lần đầu tiên kể từ năm 2013, Triều Tiên tổ chức duyệt binh có sự tham gia của lực lượng "Tự vệ Đỏ Công Nông". Đây là lực lượng dự bị có quân số 5,7 triệu người, được thành lập sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên - 4

Quân nhân Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh (Ảnh: Reuters).

Yang Moo-jin, giáo sư đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc), nhận định rằng việc Bình Nhưỡng tổ chức duyệt binh không có vũ khí chiến lược và tập trung vào lực lượng an ninh công cộng cho thấy Bình Nhưỡng dường như muốn tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trong nước như đối phó Covid-19 và phát triển kinh tế.

"Lễ diễu hành dường như được tổ chức như là một lễ hội nhằm thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc và chế độ. Không có sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và ông Kim Jong-un không đưa ra thông điệp nào. Điều này có thể là dụng ý của Triều Tiên nhằm để ngỏ cơ hội cho các cuộc đàm phán trong thời gian tới với Mỹ và Hàn Quốc", ông Yang nói. Các cuộc thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2019 tới nay.

Hiện tại, vẫn chưa có các dấu hiệu rõ ràng có thể dẫn tới viễn cảnh về các cuộc đàm phán được khởi động lại trong tương lai gần. Trong khi đó, Triều Tiên đang gặp khó khăn về mặt kinh tế và thiếu thốn lương thực do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế, đại dịch cũng như thiên tai trong thời gian qua.

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên - 5

Cuộc duyệt binh của Triều Tiên thu hút rất đông người tham gia trong lúc thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Những điểm khác thường trong lễ duyệt binh lúc nửa đêm của Triều Tiên - 6

Triều Tiên không phô diễn nhiều khí tài quân sự như những lễ duyệt binh trước đó (Ảnh: Reuters).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm