1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những đặc quyền ông Trump được hưởng trọn đời bất chấp bị luận tội

Minh Phương

(Dân trí) - Bất chấp đối mặt với quy trình xét xử luận tội ở Thượng viện, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn được hưởng các đặc quyền hậu hĩnh dành cho cựu tổng thống như lương hưu, tiền trả lương nhân viên...

Những đặc quyền ông Trump được hưởng trọn đời bất chấp bị luận tội - 1
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Đệ nhất phu nhân Melania (Ảnh: AFP)

Tiến trình xét xử luận tội cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên đồn đoán rằng ông có thể mất một số đặc quyền dành cho cựu tổng thống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, theo các quy định hiện thời, ông Trump sẽ vẫn được hưởng các đặc quyền như lương hưu, ngân sách mở văn phòng và bảo vệ an ninh kể cả khi ông bị kết tội trong phiên xét xử luận tội tại Thượng viện dự kiến vào đầu tháng sau.

Đạo luật về đặc quyền dành cho cựu tổng thống

Đạo luật về đặc quyền dành cho cựu tổng thống Mỹ ra đời năm 1958, quy định các đặc quyền trọn đời dành cho các cựu chủ nhân Nhà Trắng. Các đặc quyền này bao gồm không gian lập văn phòng thích hợp, được Mật vụ bảo vệ, và được hỗ trợ ngân sách khoảng 100.000 USD/năm để trang trải chi phí trả lương nhân viên, và khoản lương hưu khoảng 220.000 USD/năm.

Đạo luật ra đời với mục đích ban đầu là hỗ trợ tài chính cho cựu tổng thống Harry Truman, người mãn nhiệm vào năm 1953 và phải đối mặt với nhiều khoản nợ do làm ăn thua lỗ trước khi bước chân vào Nhà Trắng. Với ông Trump, giá trị các hỗ trợ này có thể vượt 1 triệu USD/năm.

Mỗi năm, người đóng thuế ở Mỹ phải chi khoảng 4 triệu USD để đáp ứng các đặc quyền dành cho 4 cựu tổng thống còn sống. Đặc quyền ngốn nhiều ngân sách nhất là đặc quyền mở và vận hành văn phòng riêng. Cựu tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama được hỗ trợ 500.000 USD chi phí thuê mặt bằng trong năm 2020.

Các đặc quyền bị vô hiệu hóa khi nào?

Những đặc quyền ông Trump được hưởng trọn đời bất chấp bị luận tội - 2
Đảng Dân chủ tìm cách phế truất ông Trump trước khi mãn nhiệm nhưng không thành. Hôm 25/1, Hạ viện chính thức gửi bản luận tội ông Trump lên Thượng viện. (Ảnh: Reuters)

Một tổng thống sẽ bị tước các đặc quyền trên nếu như bị phế truất trước khi mãn nhiệm, Brian Kalt, giáo sư luật của Đại học Michigan cho biết. Nếu tổng thống chỉ bị Hạ viện luận tội, những đặc quyền đó vẫn không bị ảnh hưởng.

Nhiều nghị sĩ đã kêu gọi phế truất ông Trump trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của ông, nhưng nỗ lực đó bất thành. Ông Trump chỉ bị Hạ viện luận tội "kích động bạo lực" vài ngày trước khi mãn nhiệm, trong khi phiên xét xử luận tội ở Thượng viện được hoãn đến đầu tháng 2, nghĩa là khi ông đã trở thành cựu tổng thống. Vì vậy, ông Trump vẫn được hưởng những đặc quyền dành cho cựu tổng thống.

Tuy nhiên, các điều luật vẫn có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Một số ý kiến cho rằng, Đạo luật về đặc quyền dành cho cựu tổng thống gây lãng phí không đáng có bởi các cựu tổng thống Mỹ ngày nay có nhiều cơ hội để kiếm tiền sau khi rời Nhà Trắng và không cần đến hỗ trợ ngân sách.

Năm 2016, các nghị sĩ Dân chủ đã đưa ra một dự luật về giới hạn ngân sách dành cho cựu tổng thống. Khi đó, ông Obama, trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, đã phủ quyết dự luật. Ông Obama nói, việc cải tổ là cần thiết nhưng dự luật sẽ đặt một gánh nặng vô lý cho các cựu tổng thống khi mở văn phòng.

Văn phòng cựu tổng thống

Ông Kalt cho biết, Đạo luật về đặc quyền dành cho cựu tổng thống cho phép ông Trump lựa chọn địa điểm đặt văn phòng. Kể cả nếu ông Trump lựa chọn đặt văn phòng trong tòa nhà văn phòng do gia đình ông sở hữu, ông vẫn được chi trả khoản thuê mặt bằng đó.

Ông Trump rời Washington DC vào sáng 20/1 vài giờ trước khi mãn nhiệm để đến khu nghỉ dưỡng của gia đình ở Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida. Hôm 25/1, ông thông báo đã mở văn phòng ở Mar-a-Lago.

Tiếp cận thông tin tình báo

Những đặc quyền ông Trump được hưởng trọn đời bất chấp bị luận tội - 3

Tổng thống Joe Biden có quyền quyết định duy trì hay tước đặc quyền của ông Trump trong việc tiếp cận thông tin tình báo hàng ngày. (Ảnh: Getty)

Đảng Dân chủ đang tích cực kêu gọi hủy bỏ một trong các đặc quyền của ông Trump sau khi mãn nhiệm đó là đặc quyền tiếp cận các thông tin tình báo và các thông tin tối mật khác. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cho rằng không nên để ông Trump tiếp cận bản tin tình báo hàng ngày sau khi rời nhiệm sở.

Thông thường, các cựu Tổng thống Mỹ vẫn thuộc diện đối tượng được đọc bản tin tình báo hàng ngày và được quyền tiếp cận thông tin mật sau khi rời Nhà Trắng. Bản tin tình báo hàng ngày là tài liệu thuộc diện tối mật, chứa đựng những thông tin nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Mỹ.

Không giống với các đặc quyền khác, đây là một đặc quyền bắt nguồn từ thông lệ, không phải luật định. Do vậy, Tổng thống Biden có thể quyết định giữ lại hay tước bỏ đặc quyền này dành cho người tiền nhiệm. Phát biểu với báo chí ngày 22/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, ông Biden sẽ tham vấn các chuyên gia trong cộng đồng tình báo về quyết định này.