1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những cô gái Triều Tiên “lạc nhịp” giữa Hàn Quốc

(Dân trí) - Sự xuất hiện của hàng trăm cô gái Triều Tiên xinh đẹp đã trở thành điểm nhấn ấn tượng của Thế vận hội mùa Đông năm nay, nhưng điều đó cũng cho thấy sự chia rẽ về văn hóa giữa hai quốc gia láng giềng.

Đội cổ vũ Triều Tiên biểu diễn tại trận thi đấu của đội khúc côn cầu liên Triều (Ảnh: AFP)
Đội cổ vũ Triều Tiên biểu diễn tại trận thi đấu của đội khúc côn cầu liên Triều (Ảnh: AFP)

Khi các cô gái của đội cổ vũ Triều Tiên xuất hiện trong bộ đồng phục màu đỏ đặc trưng tại Trung tâm Khúc côn cầu Kwandong ở thành phố Gangneung, Hàn Quốc hôm 12/2, tiếng reo hò phấn khích của đám đông đã đồng loạt vang lên. Gần như tất cả khán giả đều rút điện thoại ra chụp ảnh đội cổ vũ Triều Tiên, biến họ trở thành những “ngôi sao” thực sự của trận đấu, thay vì các vận động viên khúc côn cầu đang chuẩn bị bước vào cuộc so tài.

Khi đội cổ vũ Triều Tiên ổn định chỗ ngồi để chuẩn bị cho hoạt động cổ vũ cho trận thi đấu giữa đội khúc côn cầu liên Triều với Thụy Điển, những người Hàn Quốc bắt đầu tiếp cận họ và đặt hàng loạt câu hỏi. Đáp lại, các cô gái Triều Tiên chỉ nở những nụ cười mỉm. Vì vậy hầu hết khán giả chỉ đứng chụp ảnh “tự sướng” hoặc đơn giản là ngồi cạnh đội cổ vũ Triều Tiên, thay vì thực sự trò chuyện với họ.

Đối với nhiều người Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên họ được gặp mặt trực tiếp những người hàng xóm Triều Tiên - đất nước mà trên danh nghĩa vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh với họ do hai bên mới chỉ ký hiệp định đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình, sau chiến tranh liên Triều (1950-1953). Bình Nhưỡng đã cử đội cổ vũ gồm hơn 200 cô gái tới Hàn Quốc, gấp 10 lần số vận động viên Triều Tiên thi đấu tại Thế vận hội năm nay.

Chia thành 6 nhóm nhỏ ngồi trên khán đài để cổ vũ cho đội khúc côn cầu liên Triều, hơn 180 cô gái Triều Tiên đã biểu diễn những động tác cổ vũ theo nhịp điệu. Mỗi cử chỉ của họ đều cho thấy sự ăn ý nhịp nhàng, mỗi tràng vỗ tay đều được thực hiện đồng nhất.

Những cảnh sát mặc thường phục xuất hiện ở khu vực của đội cổ vũ Triều Tiên, ngăn không cho những người hâm mộ hay các nhà báo tiến quá gần họ. Trong khi đó cuối mỗi hàng ghế, các giám sát viên Triều Tiên, vốn là những người đàn ông đứng tuổi, ngồi im lặng trong suốt trận đấu.

Trước khi trận đấu bắt đầu, đội cổ vũ Triều Tiên đồng loạt đội những chiếc mũ màu trắng đỏ được lấy ra từ những túi nhựa giống hệt nhau. Vài phút sau đó, họ cũng đồng loạt cởi áo khoác đỏ bên ngoài theo một nhịp điệu đồng đều, để lộ bộ đồ in hình cờ Triều Tiên.

Sự chia rẽ

Các vũ công Hàn Quốc trong trang phục gợi cảm cổ vũ tại Thế vận hội (Ảnh: AFP)
Các vũ công Hàn Quốc trong trang phục gợi cảm cổ vũ tại Thế vận hội (Ảnh: AFP)

Theo Guardian, cuộc gặp gỡ giữa đội cổ vũ Triều Tiên và những người dân Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa Đông đã cho thấy sự chia rẽ về văn hóa giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên sau 65 năm chia cắt.

Ngoài những câu khẩu hiệu để cổ vũ tinh thần của các cổ động viên, các cô gái Triều Tiên dành phần lớn thời gian trong trận thi đấu để hát. Họ hát những ca khúc với nội dung hy vọng thống nhất. Tuy nhiên, tiếng hát của họ bị “nhấn chìm” trong tiếng nhạc phát ra từ hệ thống loa của nhà thi đấu Hàn Quốc.

Trong khi loa phát nhạc K-pop của Hàn Quốc, đội cổ vũ Triều Tiên vẫn say sưa thể hiện những ca khúc và điệu múa truyền thống của họ. Những bài hát dân ca của Triều Tiên cũng được các cô gái trẻ biểu diễn tại nhà thi đấu của Hàn Quốc. Màn cổ vũ của họ đồng đều tới mức “đáng kinh ngạc”.

Ngược lại với phong cách kín đáo của các cô gái Triều Tiên, nhóm cổ vũ gồm 4 vũ công Hàn Quốc chọn trang phục gợi cảm với áo ngắn màu trắng và quần đùi màu hồng. Các cô gái Hàn Quốc vẫy những quả cầu theo phong cách sôi động khi cổ vũ cho đội nhà.

“Họ rất lỗi thời. Tôi chưa từng trải nghiệm thập niên 70, nhưng tôi tưởng tượng nó cũng giống như họ. Tôi cảm thấy buồn cho họ. Nếu đây là những gì họ muốn cho thế giới thấy, thì hãy tưởng tượng xem những người dân còn lại còn lỗi thời như thế nào”, Han Sun-woo, 25 tuổi, người ngồi giữa hai nhóm cổ động Triều Tiên, nhận xét.

Việc thành lập đội khúc côn cầu liên hợp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cho đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Mặc dù hai đội thi đấu dưới một lá cờ chung thống nhất, trong đó in hình bản đồ bán đảo Triều Tiên hợp nhất, nhiều cổ động viên vẫn chỉ mang cờ của Hàn Quốc tới nhà thi đấu.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Viện Dư luận Xã hội Hàn Quốc công bố hồi tuần trước, một nửa số người dân Hàn Quốc nói rằng họ có cái nhìn tiêu cực về việc hai đội khúc côn cầu Hàn - Triều bắt tay hợp nhất tại Thế vận hội. Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy 60% người Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng “cùng tồn tại hòa bình” hơn là thống nhất hai quốc gia.

Thành Đạt

Tổng hợp