1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những câu hỏi để ngỏ sau vụ tàu ngầm Argentina chở 44 người mất tích

(Dân trí) - 9 ngày trôi qua kể từ khi tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina chở 44 người mất liên lạc trên Đại Tây Dương, nhiều câu hỏi vẫn đang được đặt ra liên quan tới số phận của con tàu này.

Gia đình “đỏ mắt” chờ thủy thủ trên tàu ngầm Argentina mất tích trở về

Tàu ngầm ARA San Juan mất tích sáng 15/11 ở Đại Tây Dương. (Ảnh: RT)
Tàu ngầm ARA San Juan mất tích sáng 15/11 ở Đại Tây Dương. (Ảnh: RT)

Hải quân Argentina ngày 23/11 đã cung cấp thông tin về âm thanh giống âm thanh một vụ nổ ở khu vực gần nơi tàu ngầm ARA San Juan liên lạc lần cuối cùng. Trước đó, Hải quân đã mất toàn bộ liên lạc với tàu vào lúc 7h30 sáng ngày 15/11, trong khi dấu hiệu về vụ nổ được phát hiện vào lúc 10h31 cùng ngày. Khi được hỏi trong cuộc họp báo về số phận của 44 thành viên thủy thủ đoàn, người phát ngôn Hải quân Argentina cho biết tình hình “rất nguy kịch”.

Mặc dù Hải quân Argentina vẫn chưa dừng chiến dịch tìm kiếm tàu ARA San Juan, song gia đình của các thủy thủ dường như không còn nhiều hy vọng. Nếu thông tin về sự ra đi của các thủy thủ được xác nhận thì đây sẽ là thảm kịch tàu ngầm khủng khiếp nhất kể từ sau vụ đắm tàu ngầm Kursk của Nga năm 2000 và cũng là vụ việc gây tổn thất về người nhiều nhất của quân đội Argentina từ sau Chiến tranh Falklands năm 1982.

Vì sao tàu ngầm bị nổ?

Bản đồ nơi tàu San Juan mất tích (vòng tròn đỏ) (Ảnh: Dailymail)
Bản đồ nơi tàu San Juan mất tích (vòng tròn đỏ) (Ảnh: Dailymail)

Hải quân Argentina hiện vẫn chưa cung cấp đủ thông tin về lý do có thể dẫn tới vụ nổ tàu ARA San Juan, cũng như liệu tàu này có bị tấn công hay không.

Một giả thuyết được đưa ra là tàu ARA San Juan bị rơi xuống “độ sâu phá hủy” dưới lòng đại dương mà ở đó cấu trúc của tàu sẽ không đủ khả năng để chống chọi với áp suất của nước. Trong trường hợp tàu ngầm đi vào vùng nước quá sâu so với quy định, áp suất nước ở khu vực đó sẽ tác động lên thân tàu khiến tàu phát nổ.

“Độ sâu phá hủy” của các loại tàu ngầm hầu hết là thông tin mật, nhưng được cho là vào khoảng hơn 400 m. Khu vực tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan nằm ngang mép thềm lục địa, nơi độ sâu của đại dương thay đổi khác nhau và có thể lên tới 3.000 m.

“Nếu tàu ngầm rơi xuống dưới mức độ sâu phá hủy, nó sẽ phát nổ và chỉ có thể nổ tung mà thôi. Đó sẽ là một vụ nổ rất lớn mà bất kỳ thiết bị dò âm thanh nào cũng có thể nghe được”, hạm trưởng hải quân nghỉ hưu James H Patton Jr cho biết.

Năm 1963, khi tàu ngầm tấn công hạt nhân Thresher của Mỹ tới gần mức cao nhất của “độ sâu thử nghiệm”, được cho là khoảng 396 m, thì tàu này đã phát tín hiệu rằng nó đang gặp một số sự cố nhỏ.

Tàu cứu hộ Skylark của Hải quân Mỹ theo sau tàu Thresher khi đó đã nhận được một vài tín hiệu rời rạc và ngắt quãng từ tàu ngầm gặp nạn. Chỉ vài giây sau đó, Skylark đã nghe thấy những âm thanh khủng khiếp của tàu Thresher bị xé toạc và phát nổ dưới lòng đại dương.

Vụ nâng cấp gần đây của tàu San Juan dẫn đến thảm kịch?

Cấu tạo tàu ngầm San Juan (Đồ họa: Straitstimes)
Cấu tạo tàu ngầm San Juan (Đồ họa: Straitstimes)

Là một trong 3 tàu thuộc hạm đội tàu ngầm của Argentina, ARA San Juan do Đức sản xuất và được biên chế từ năm 1985. Gần đây tàu ngầm này đã được nâng cấp vào năm 2014.

Trong chương trình nâng cấp với kinh phí lên tới 16 triệu USD để mở rộng khả năng hoạt động, tàu ngầm San Juan đã được thay thế các động cơ và hệ thống pin.

Giới chuyên gia cho rằng việc nâng cấp tàu ngầm có thể dẫn tới một số vấn đề vì các hệ thống tích hợp trong tàu ngầm được chế tạo bởi các nhà sản xuất khác nhau, do vậy chỉ cần một lỗi nhỏ nhất trong quá trình nâng cấp cũng có thể ảnh hưởng tới độ an toàn của con tàu cũng như thủy thủ đoàn.

Gia đình các thủy thủ nói rằng chính phủ Argentina đã không quan tâm tới Hải quân trong suốt 15 năm qua và lực lượng này đã đưa một “thứ rác rưởi” ra khơi khiến tính mạng của thủy thủ đoàn bị đe dọa.

Thủy thủ đoàn có thể sống sót trong bao lâu?

Các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Argentina mất tích (Ảnh: Dailymail)
Các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Argentina mất tích (Ảnh: Dailymail)

Trong các điều kiện bình thường, tàu ngầm sẽ được trang bị đủ nhiên liệu, nước uống, dầu, khí oxy để hoạt động trong vòng 90 ngày mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài. Tàu ngầm cũng có thể đưa “ống thở” lên trên mặt nước để sạc pin hoặc lấy không khí cho thủy thủ doàn.

Mặc dù các tàu ngầm có thể di chuyển trên biển trong khoảng 1 tháng, nhưng không đồng nghĩa với việc tàu này sẽ chìm liên tục 30 ngày dưới mặt nước. Tàu ngầm sẽ hết lượng oxy cần thiết nếu lặn dưới nước quá lâu.

“Điều đó còn phụ thuộc vào việc lần cuối cùng tàu ngầm sạc pin là khi nào, tàu ngầm lấy không khí từ bao lâu và bên trong tàu ngầm có gì”, William Craig Reed, một thợ lặn và là thủy thủ tàu ngầm của Mỹ, cho biết.

Đối với ARA San Juan, tàu ngầm này có đủ khí oxy cho thủy thủ đoàn để duy trì sự sống dưới biển trong vòng 7 ngày trong trường hợp không xảy ra bất kỳ vấn đề gì với thân tàu. Khi đó, mọi người bên trong khoang tàu ngầm sẽ phải hạn chế các hoạt động, kể cả việc nói chuyện để tiết kiệm oxy trong lúc chờ cứu hộ.

Lỗi pin có thể gây nổ không?

Gia đình các thủy thủ trên tàu San Juan đau buồn khi nghe tin dữ về người thân (Ảnh: AFP)
Gia đình các thủy thủ trên tàu San Juan đau buồn khi nghe tin dữ về người thân (Ảnh: AFP)

Hải quân Argentina cho biết không có bằng chứng cho thấy tàu San Juan gặp vấn đề về hệ thống pin dù hạm trưởng tàu ngầm này từng thông báo về vấn đề pin trên tàu ngay trước khi tàu mất liên lạc. Khi đó hạm trưởng tàu San Juan báo cáo với sở chỉ huy về một sự cố liên quan tới hiện tượng “đoản mạch” bên trong hệ thống pin do nước xâm nhập vào tàu qua hệ thống ống thở.

Tuy nhiên, chỉ huy hải quân Gabriel Galeazzi phụ trách căn cứ hải quân ở Mar del Plata cho biết các vấn đề về kỹ thuật thường không phổ biến và hiếm khi gây nguy hiểm cho tàu ngầm.

“Một tàu chiến thường có nhiều hệ thống hỗ trợ, cho phép tàu sử dụng lần lượt từng hệ thống nếu xảy ra sự cố”, ông Gabriel cho biết.

Tuy nhiên, một cựu chỉ huy tàu ngầm nói rằng vấn đề lỗi pin hoàn toàn có thẻ khiến tàu ngầm bị nổ.

Vì sao khó tìm thấy tàu ngầm mất tích?

Tàu và máy bay của 10 nước cùng tham gia tìm kiếm tàu ngầm San Juan (Ảnh: AFP)
Tàu và máy bay của 10 nước cùng tham gia tìm kiếm tàu ngầm San Juan (Ảnh: AFP)

Với vai trò tham gia vào các hoạt động trinh sát bí mật nên các tàu ngầm được thiết kế để khó bị phát hiện nhất. Tiến sĩ Robert Farley, giảng viên Đại học Kentuck, cho biết tàu ngầm sẽ rất khó phát hiện nếu bị chìm xuống đáy biển vì trong bất kỳ trường hợp nào, tàu ngầm cũng không phát ra tiếng ồn.

Hải quân Mỹ đã đưa các phương tiện hiện đại tới Đại Tây Dương để hỗ trợ Argentina tìm kiếm tàu ngầm mất tích, trong đó có 2 tàu lặn không người lái sử dụng máy quét để chụp các hình ảnh dưới đáy biển trong một phạm vi rộng lớn.

Thủy thủ đoàn phát tín hiệu khẩn cấp bằng cách nào?

Có nhiều cách để hạm trưởng hoặc các thành viên thủy thủ đoàn thông báo về vị trí của tàu ngầm trong trường hợp khẩn cấp. Các biện pháp bao gồm việc gửi tín hiệu về các trung tâm liên lạc đặt tại các căn cứ hải quân hoặc trên các tàu hỗ trợ. Ngoài ra, thủy thủ đoàn cũng có thể thả thiết bị nổi trên mặt nước để thông báo về vị trí của tàu ngầm.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Argentina từng nhận được 7 cuộc gọi vệ tinh thất bại nghi từ tàu ngầm San Juan, song rốt cuộc các cuộc gọi này được chứng minh là không phải phát ra từ tàu ngầm mất tích. Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết đã ghi nhận được các âm thanh giống như tiếng các thủy thủ gõ vào thân tàu ngầm để báo động, nhưng đây cũng được cho là thông tin không chính xác.

Thành Đạt

Theo Straitstimes