Những câu hỏi đáng chú ý về biến chủng Mu
(Dân trí) - Một biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tên gọi là Mu đang được theo dõi chặt chẽ sau khi nó gây ra làn sóng bùng phát dịch ở Colombia. Nhật Bản gần đây đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm chủng này.
Biến chủng Mu là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/8 đã thêm biến chủng Mu, có tên khoa học là B1621, vào danh sách "biến chủng đáng quan tâm" vì các bằng chứng sơ bộ cho thấy nó có thể "né" các kháng thể.
Biến chủng Mu có một "chùm đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn về khả năng né miễn dịch", một bản thông báo cập nhật hàng tuần của WHO được công bố vào ngày 31/8 nêu rõ.
Mu đã xuất hiện ở đâu?
Trong khi hơn 4.500 trình tự gen của chủng này đã xuất hiện ở ít nhất 40 quốc gia, WHO cho biết mức độ lây nhiễm của nó đã giảm. Tuy nhiên, nó chiếm tỷ lệ phổ biến các ca nhiễm ở Colombia (39%) và Ecuador (13%) và con số đang liên tục tăng lên.
Nhật Bản hôm 1/9 xác nhận ca nhiễm đầu tiên của biến chủng này. Đó là 2 du khách đến từ Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Japan Times cho biết. Theo bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2 của GISAID, Hong Kong cũng phát hiện 2 ca nhiễm chủng Mu trong khi số ca nhiễm chủng này ở Mỹ là hơn 2.000 người. Các ca nhiễm chủng Mu cũng đã được ghi nhận ở Anh và các nước châu Âu khác.
"Biến chủng đáng quan tâm" là gì?
Biến chủng mà WHO đánh giá "đáng quan tâm" tức là chủng này có những thay đổi di truyền có thể ảnh hưởng đến các đặc tính của virus, chẳng hạn như tăng khả năng lây nhiễm, tăng nguy cơ nhiễm nặng, né tránh hệ miễn dịch, khó chẩn đoán hoặc điều trị.
Những biến chủng đáng quan tâm cũng đã được xác định là gây lây nhiễm cộng đồng cao hoặc làm bùng nổ nhiểu ổ dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia. Các biến chủng đáng quan tâm khác nằm trong danh sách của WHO gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.
Mu có dễ lây lan hơn không?
Dữ liệu sơ bộ cho thấy Mu có thể dễ dàng né vắc xin hơn, tương tự như Beta. Theo Guardian, đánh giá rủi ro do Cơ quan Y tế Công Cộng Anh công bố vào tháng trước cho thấy, biến chủng này có khả năng chống lại hệ miễn dịch như Beta, nhưng không có khả năng lây lan nguy hiểm như Delta.
Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu kỹ hơn về các đặc điểm của biến chủng và thông báo cập nhật của WHO cũng cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ đường đi dịch tễ học của biến chủng Mu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet vào ngày 13/8 lưu ý, một số đột biến của biến chủng Mu được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet vào ngày 13/8 cho thấy rằng biến chủng Mu có "hai trường hợp có khả năng né tránh vắc xin. Nghiên cứu cũng lưu ý một số gai tăng đột biến trong Mu "được báo cáo là cho thấy sự giảm trung hòa bởi các kháng thể".
Cũng theo nghiên cứu trên, chính sự hiện diện của các đột biến liên quan đến việc né tránh vắc xin có thể khiến WHO phải xem xét phân loại lại Mu là "biến chủng đáng quan ngại" như Alpha, Beta, Gamma và Delta.