1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những biến động lớn của thế giới năm 2016

(Dân trí) - Thế giới đã trải qua năm 2016 với những biến động mang tính lịch sử. Nếu châu Âu chao đảo vì quyết định "Brexit" của Anh thì nước Mỹ sốc với chiến thắng của tỷ phú Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong một năm qua.

1. Tỷ phú Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ

Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng bầu cử

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, một doanh nhân chưa từng tham gia chính trường, ngày 8/11 đã khiến nước Mỹ và thế giới bị sốc khi đánh bại đối thủ Dân chủ Hillary Clinton để trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đây là một chiến thắng ngoạn mục của ông Trump trong cuộc đua đầy kịch tích và gay cấn tới phút chót, và đánh dấu mốc quan trọng khi nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống đầu tiên xuất thân từ giới doanh nhân. Chưa bao giờ nước Mỹ lại bầu lên một vị tổng thống giàu có như Donald Trump: Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống đắc cử cũng là chủ nhân của khoảng 500 doanh nghiệp, với tài sản trị giá gần 4 tỷ USD.


Ông Trump đã bất ngờ đánh bại một đối thủ giàu kinh nghiệm chính trị - bà Clinton (Ảnh: theatlantic)

Ông Trump đã bất ngờ đánh bại một đối thủ giàu kinh nghiệm chính trị - bà Clinton (Ảnh: theatlantic)

Nhưng cũng hiếm khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ lại gây tranh cãi đến thế: Biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ phản đối tổng thống đắc cử, kiểm phiếu lại và những cáo buộc gian lận phiếu bầu…. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như các tuyên bố về đối nội-đối ngoại của ông Trump tạo ra làn sóng nhận định, phỏng đoán trên truyền thông khắp thế giới. Ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2017.

2. "Cơn địa chấn" Brexit khiến châu Âu chao đảo


Hai phụ nữ tham gia cuộc tuần hành phản đối Anh rời EU tại London (Ảnh: Reuters)

Hai phụ nữ tham gia cuộc tuần hành phản đối Anh rời EU tại London (Ảnh: Reuters)

Ngày 24/6, gần 52% cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã bỏ phiếu từ bỏ tư cách thành viên kéo dài 43 năm trong Liên minh châu Âu (EU) - còn được gọi tắt là Brexit. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên không hoàn toàn bất ngờ vì trong suốt 4 tháng vận động quyết liệt của cả hai bên, nhiều người đã tiên đoán được kịch bản Brexit. Nhiều cử tri Anh cảm thấy đây là cơ hội để Anh thoát khỏi sự chán nản liên quan đến EU: cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, những mối lo ngại về an ninh-khủng bố và cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Với kết quả Brexit, giới phân tích cho rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai không ổn định, trong khi EU sẽ chứng kiến một bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh kể từ Thế chiến II. Thủ tướng David Cameron nhanh chóng từ chức và vào tháng 7, Anh có nữ Thủ tướng là bà Theresa May. Người được ví là "Bà đầm thép" thứ hai của nước Anh này được người dân kỳ vọng có thể đưa nước Anh vượt qua cuộc khủng hoảng để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn thời hậu Brexit.

3. Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc


Một phiên tranh tụng của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII. (Ảnh: PCA)

Một phiên tranh tụng của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII. (Ảnh: PCA)

Ngày 12/7, sau 3 năm thụ lý vụ kiện, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện của Philippines.

Tòa kết luận rằng quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông bị xóa bỏ do không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Tòa cũng nhận thấy không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử chỉ có một mình Trung Quốc thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường chín đoạn". Cũng theo phán quyết, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế; và những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines giữa lúc các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Đây là phán quyết mang tính lịch sử, lần đầu tiên đối với một tranh chấp chủ quyền ở một trong những tuyến hàng hải có giá trị thương mại lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia nhận định, tòa trọng tài đã làm rõ các yêu sách vốn từ trước đến nay hết sức mơ hồ về mặt pháp lý mà Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông, từ đó làm rõ phạm vi tranh chấp. Phán quyết cũng mở ra các nỗ lực tiếp theo nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hòa bình và công bằng dựa trên luật pháp quốc tế.

4. "Hồ sơ Panama" gây chấn động thế giới


Vụ Hồ sơ Panama qua những con số (Ảnh: CBC)

Vụ "Hồ sơ Panama" qua những con số (Ảnh: CBC)

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), có trụ sở tại Washington (Mỹ) hồi tháng 4 đã công bố vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước tới nay mang tên "Hồ sơ Panama". Báo cáo điều tra này được tiến hành trong suốt 1 năm dựa trên kho chứng từ về thuế bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở ở Panama) trong thời gian hoạt động từ năm 1977 tới cuối năm 2015. “Hồ sơ Panama” gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu liên quan tới khoảng 214.000 công ty nước ngoài lập ra để trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970 đến năm 2016. Theo đó, Mossack Fonseca đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, nhiều nhà tỷ phú, trùm ma túy... trốn nộp thuế.

Với lượng thông tin khổng lồ bị rò rỉ cùng với sự lan truyền thông tin rộng rãi nhanh chóng, sự kiện này khiến cho hoạt động của các thiên đường thuế bị ảnh hưởng, và cũng dẫn đến những hệ lụy về kinh tế chính trị thế giới. Vụ việc đã gây chấn động thế giới, khiến một loạt quốc gia tuyên bố sẽ tiến hành điều tra các thông tin liên quan. Một số quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp đã mất chức vì những tiết lộ trong "Hồ sơ Panama" như Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria, Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo, ông Michael Grahammer.

5. Lãnh tụ Fidel Castro từ trần


Lãnh tụ Fidel Castro (Ảnh: AP)

Lãnh tụ Fidel Castro (Ảnh: AP)

Ngày 25/11, Lãnh tụ Fidel Castro, “vị cha già” của cuộc Cách mạng Cuba, đã từ trần ở tuổi 90. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập. Cho đến nay, Lãnh tụ Fidel Castro vẫn luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Fidel Castro thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Fidel Castro, nhân dân Cuba đã vượt qua bức tường phong tỏa hơn nửa thế kỷ của Mỹ, đập tan thế “thuyền đơn giữa đại dương tư bản chủ nghĩa”, lập nên những kỳ tích làm kinh ngạc thế giới: một đất nước với những chỉ số ở hàng cao nhất trong lĩnh vực y tế và giáo dục, một xã hội công bằng, nơi mọi người được tới trường, được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Dưới sự dẫn dắt của Lãnh tụ Fidel Castro, một dân tộc Cuba nhỏ bé về tầm vóc kinh tế-địa lý trở thành "ngọn hải đăng" cho các phong trào tiến bộ tại Mỹ Latinh và toàn cầu.

6. Thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng nhất ở Mỹ Latinh


Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và chỉ huy lực lượng FARC Timoleon Jimenez bắt tay sau lễ ký kết thỏa thuận hòa bình hồi tháng 9, trước sự chứng kiến của đông đảo các lãnh đạo thế giới (Ảnh: AFP)

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và chỉ huy lực lượng FARC Timoleon Jimenez bắt tay sau lễ ký kết thỏa thuận hòa bình hồi tháng 9, trước sự chứng kiến của đông đảo các lãnh đạo thế giới (Ảnh: AFP)

Ngày 24/8, Chính phủ Colombia và nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài 52 năm giữa Chính phủ Colombia và FARC và cũng là cuộc xung đột dai dẳng nhất ở Mỹ Latinh. Thỏa thuận sửa đổi giữa hai bên được ký kết ngày 24/11, sau khi bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý, và được quốc hội Colombia thông qua ngày 1/12.

FARC, thành lập từ năm 1964, là tổ chức vũ trang đối lập lâu năm nhất tại Mỹ Latinh. Tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột rất nan giải, các cuộc đàm phán hòa bình trước đây đều thất bại. Bạo lực tiên tiếp bùng phát, cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khoảng 6,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khiến cho kinh tế Colombia kiệt quệ vì hầu hết các mỏ dầu và khoáng sản của Colombia đều nằm trong những vùng có sự hiện diện của FARC.

7. Làn sóng tấn công khủng bố tại châu Âu


Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Nice, Pháp (Ảnh: NYT)

Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Nice, Pháp (Ảnh: NYT)

Nhiều quốc gia châu Âu đã hứng chịu các cuộc tấn công đẫm máu, trong đó có Pháp, nơi 86 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại Nice; 32 người chết trong vụ tấn công liên tiếp ở sân bay Brussels (Bỉ); và các vụ tấn công ở Đức. Trong khi đang phải giải quyết vấn đề người di cư và nước Anh rời EU, giờ đây châu Âu lại phải đối phó với nỗi lo khủng bố.

Các vụ tấn công khủng bố nhằm vào châu Âu đã diễn biến xuyên biên giới. Nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh. Chính phủ Pháp đã gia hạn tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Ba Lan áp dụng kiểm soát biên giới ở tất cả các biên giới quốc gia. Các Bộ trưởng Nội vụ EU đã phê chuẩn các quy định mới chặt chẽ hơn về việc mua bán và sở hữu súng, mở rộng danh sách những loại vũ khí bị cấm và kêu gọi các nước thành viên tăng cường cuộc chiến chống nạn buôn lậu vũ khí.

8. Chiến sự vẫn nóng bỏng tại Trung Đông

Khu vực Trung Đông trải qua năm 2016 đầy biến động với hàng loạt điểm nóng như các hoạt động của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS), cuộc nội chiến ở Syria với sự can dự của Nga và Mỹ cùng các đồng minh…

Trước những nỗ lực của nhiều quốc gia trên thế giới, nhóm phiến quân IS đang bị vây ép trên hầu khắp các mặt trận ở Syria, Iraq, Libya,… và mất dần những vùng lãnh thổ chiến lược chiếm được từ năm 2014. Theo thống kê được báo chí khu vực công bố hồi tháng 8, trong một năm qua, IS đã mất tới gần 50% diện tích lãnh thổ kiểm soát ở Iraq, Syria và bị sụt giảm tới 70% nguồn thu quan trọng từ dầu mỏ. Được sự hỗ trợ của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, quân đội Iraq đã giành được bước tiến quan trọng khi đẩy lùi các tay súng khủng bố khỏi một số thành trì chính của IS ở quốc gia Trung Đông này.

Thành phố Aleppo của Syria bị tàn phá nặng nề vì chiến tranh

Trong khi đó, tại chiến trường Syria đầy khốc liệt, các lực lượng quân đội chính phủ Syria, được sự yểm trợ bởi các cuộc không kích của Nga, đã giành quyền kiểm soát một số khu vực chiến lược như Al-Raqqa, Palmyra, Aleppo… Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại trên con đường vãn hồi hòa bình ở nước này, đặc biệt là sự cạnh tranh về vai trò giữa hai cường quốc liên quan là Nga và Mỹ: Thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 9 đổ vỡ và chiến sự ác liệt ở Aleppo càng khiến quan hệ Nga-Mỹ về hồ sơ Syria căng thẳng. Ánh sáng cho đàm phán hòa bình cho Syria hé mở khi ngày 20/12, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran cam kết nỗ lực hợp tác vãn hồi hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

9. Quan hệ căng thẳng Nga-Mỹ liên tục bị đẩy lên mức cao mới

Năm 2016, quan hệ Nga-Mỹ liên tục bị đẩy lên mức căng thẳng mới. Việc Mỹ và các nước phương Tây không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, cơ sở hạ tầng áp sát biên giới Nga càng khiến quan hệ hai cường quốc này nóng bỏng. Hồi tháng 5, Mỹ chính thức kích hoạt "lá chắn tên lửa" của Mỹ tại châu Âu ở miền Nam Romania, bất chấp những cảnh báo từ Nga rằng động thái này đe dọa nền hòa bình ở khu vực Trung Âu. Mỹ cũng đã triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự tại Ba Lan.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở giai đoạn sóng gió. Quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga tiếp tục bị đẩy lên những nấc thang căng thẳng mới sau khi liên minh quân sự này hồi tháng 7 tuyên bố sẽ đóng quân sát tỉnh Kaliningrad của Nga. Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic của NATO được coi là có quy mô lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Mục đích tăng cường lực lượng quân sự về phía Đông được NATO giải thích là do sự lo ngại trước các hành động của Nga.

Ông Obama, Putin trao đổi chóng vánh bên lề APEC

Hệ quả của việc quan hệ giữa Moscow và Washington đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh là tháng 10, Nga thông báo đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân ký năm 2013 với Mỹ nhằm đáp trả việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan tới vấn đề Ukraine. Động thái này “đặt dấu chấm hết” cho chặng đường hợp tác ba năm giữa Nga và Mỹ về vấn đề hạt nhân. Hai bên liên tiếp chỉ trích lẫn nhau và “đấu khẩu” về nhiều vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết thách thức chung, như sự trỗi dậy của hoạt động khủng bố ở Trung Đông, Bắc Phi… Các nhà phân tích lo ngại nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang tái hiện kịch bản thời Chiến tranh Lạnh đã cận kề.

10. Tổng thống Philippines thách thức chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ

"Tôi sẽ phác họa một Philippines theo hướng đi của riêng mình và sẽ không phụ thuộc vào Mỹ", ông Rodrigo Duterte khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines hồi tháng 5. Tuyên bố này báo hiệu sự chuyển hướng chính sách trong quan hệ với Mỹ mà người đứng đầu Philippines nhanh chóng tiến hành sau đó, đặt ra thách thức với chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tránh mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại tiệc chiêu đãi ở APEC tháng 11/2016. (Ảnh: ABC)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tránh mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại tiệc chiêu đãi ở APEC tháng 11/2016. (Ảnh: ABC)

Nhà lãnh đạo Philippines đã khiến quan hệ truyền thống giữa Manila và Washington trở nên xáo trộn khi có những lời lẽ xúc phạm người đồng cấp Mỹ, đồng thời tuyên bố Philippines sẵn sàng xem xét lại quan hệ song phương với Mỹ, cụ thể là các thỏa thuận quân sự; sẵn sàng mua vũ khí của Nga và Trung Quốc và xem xét việc dừng tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông… Chỉ trong thời gian ngắn, quan hệ Philippines-Mỹ đã đi từ đồng minh thân thiết đến tình trạng có khả năng tan vỡ bất kỳ lúc nào. Nguyên nhân của những động thái này được cho là do Washington chỉ trích ông Duterte trong cuộc trấn áp tội phạm ma túy.

Trong chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á, quân sự và kinh tế là hai trụ cột quan trọng. Trong đó, Philippines là "cơ sở" để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, còn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là "trụ cột" để Mỹ đối trọng sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á. Trong bối cảnh TPP dường như chưa thể sớm được Quốc hội Mỹ thông qua, việc Philippines "quay lưng" sẽ đe dọa vai trò của Mỹ trong khu vực.

Ban Quốc tế