1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những bi kịch phía sau bức ảnh "Quý cô phủ bụi" trong vụ khủng bố 11/9

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bức ảnh "Quý cô phủ bụi" là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được xem là biểu tượng của thảm kịch ngày 11/9.

Những bi kịch phía sau bức ảnh Quý cô phủ bụi trong vụ khủng bố 11/9 - 1

Bức ảnh nổi tiếng mang tên "Quý cô phủ bụi" (Ảnh: Stan Honda/AFP).

Stan Honda - khi đó là một nhiếp ảnh gia của hãng tin AFP - vào ngày 11/9/2001 đã nhận được một cuộc gọi từ đồng nghiệp báo rằng, một máy bay đã lao vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ.

Honda đã chụp được khoảnh khắc khi một trong hai tòa tháp đôi đổ sập xuống.

"Tôi ra khỏi trạm tàu điện ngầm và trên mặt đất là hàng trăm người đứng quan sát tòa tháp đôi. Tòa nhà vẫn đứng ở đó và có khói bốc ra ngùn ngụt. Tôi chưa nghe tin về việc chiếc máy bay thứ 2 đã đâm vào tòa nhà nên chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Một đám mây bụi khổng lồ xuất hiện, đổ xuống đường. Mọi người bắt đầu bỏ chạy", Honda kể.

Sau đó, nhiếp ảnh gia này bắt đầu chụp ảnh những người hoảng sợ trước thảm kịch khủng bố kinh hoàng cho tới khi bầu không khí tối sẫm lại vì bụi. Honda sau đó quan sát thấy cảnh sát kéo nhiều người vào trong sảnh một tòa nhà văn phòng. Ông chạy theo và đó là thời khắc mà ông chụp được một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được xem là biểu tượng của thảm kịch ngày 11/9.

"Một phụ nữ hoàn toàn bị bụi phủ lên. Dù cô ấy mặc đồ công sở và đi giày, nhưng bạn không thể biết chúng màu gì. Cô ấy dừng lại một vài giây gần thang máy và tôi giơ máy lên chụp cô ấy", Honda kể lại.

Sau khi AFP đăng tải bức ảnh lên, người phụ nữ trong ảnh đã được truyền thông gọi bằng cái tên "Quý cô phủ bụi". Chỉ tới năm 2002, danh tính của người này mới được biết tới. Đó là Marcy Borders từ Bayonne, New Jersey. Vào thời điểm đó, Borders là trợ lý luật tại Ngân hàng Mỹ, làm việc ở tầng 81 trong tòa tháp đôi và đã may mắn thoát ra ngoài kịp trước khi tòa tháp đổ sập.  

Bi kịch dai dẳng

Nhìn lại những khoảnh khắc thảm khốc trong vụ khủng bố 11/9

Borders 28 tuổi khi thảm kịch 11/9 xảy ra và cô thừa nhận rằng chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn khỏi chứng trầm cảm sau vụ tấn công khủng bố. Sau nhiều năm, Borders vẫn mắc chứng sợ nghe thấy tiếng máy bay, sợ các tòa nhà cao tầng và thề sẽ không bao giờ quay lại khu vực Hạ Manhattan.

Năm 2014, bà Borders bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày, căn bệnh mà cô tin là do bụi độc mà Borders tiếp xúc sau khi tòa tháp sụp xuống. Borders qua đời năm 2015 ở tuổi 42.

Đây không phải là câu chuyện của riêng Borders, không phải là bi kịch mà chỉ một mình bà phải hứng chịu sau vụ khủng bố kinh hoàng 20 năm trước. Đã 2 thập niên trôi qua, hàng chục nghìn người như Borders vẫn đang đối mặt những di chứng lâu dài của vụ khủng bố, không chỉ là những ám ảnh, sang chấn tâm lý, mà còn là hàng loạt các căn bệnh ung thư nghiêm trọng do hậu quả của việc hít phải bụi độc.

Theo AFP, 2 tòa tháp sập xuống đã đẩy một lượng lớn hóa chất chưa từng có ra môi trường xung quanh gồm dioxin, asbestos và những chất kịch độc gây ung thư. Hai mươi năm sau thảm họa gây chấn động thế giới, New York và Mỹ vẫn đang tiếp tục thống kê số người mắc ung thư hoặc các bệnh nặng khác có liên quan tới lượng hóa chất độc hại bị đẩy ra ngoài không khí Manhattan vài tuần sau thảm họa.

Theo AP, khoảng 110.000 người đã đăng ký tham gia Chương trình Y tế của Trung tâm Thương mại Thế giới, chương trình chăm sóc y tế miễn phí cho những người có vấn đề sức khỏe có thể liên quan đến khói bụi. Nhiều người tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe có chung triệu chứng như ung thư da, trào ngược axit hoặc ngưng thở khi ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ ung thư tăng cao hơn 10-30% với những người đã tiếp xúc với hóa chất ở hiện trường khi so sánh với những người không tiếp xúc.

Mỹ đã chi 11,7 tỷ USD để chăm sóc và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi bụi độc, nhiều hơn 4,6 tỷ USD so với tiền bồi thường Washington chi cho gia đình những người chết hoặc thiệt mạng trong vụ 11/9.

"Tôi thấy buồn khi nghe tin Borders qua đời năm 2015. Bà ấy là một người đã sống sót qua thảm kịch 11/9 và thật buồn khi chứng kiến bà ấy chết trẻ như vậy", phóng viên ảnh Honda.

Sự kiện 11/9 gồm 4 vụ tấn công khủng bố do các phần tử Al-Qaeda thực hiện. Chúng đã cướp 4 máy bay chở khách tại Mỹ trước khi lần lượt thực hiện các vụ tấn công thảm khốc.

Hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi cao 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, một máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc ở Virginia, máy bay còn lại đã bị rơi khi đang nhắm tới tấn công Washington D.C. Các vụ tấn công đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương, cũng như gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.