Những bí ẩn xung quanh vụ máy bay Pháp mất tích
(Dân trí) - Bầu không khí bí ẩn đang bao trùm vụ mất tích của chiếc máy bay mang số hiệu 447 thuộc hãng hàng không Pháp Air France. Vụ mất tích này cũng khác hẳn với những thảm họa hàng không khác.
Gần như tất cả các vụ tai nạn hàng không đều xảy ra tại sân bay hoặc gần sân bay - trong khi đang cất cánh hoặc hạ cánh. Nhưng chiếc Airbus 330 lại mất tích khoảng 4 giờ sau khi cất cánh khỏi Rio de Janeiro, tại một vị trí hiện chưa thể xác định được trên Đại Tây Dương. Máy bay không phát đi dấu hiệu cảnh báo thảm họa nào.
Ban đầu, các quan chức của Air France hiểu rằng đã có chuyện gì không ổn khi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar tại Senegal. Trong suốt nhiều giờ, người ta hi vọng rằng chiếc máy bay 447 chỉ gặp trục trặc về hệ thống liên lạc, hoặc máy bay buộc phải hạ cánh xuống biển hay thậm chí là bị không tặc.
Khi bảng điện tử hiện giờ đến tại sân bay Charles de Gaulle chạy dòng chữ “máy bay tới trễ”, mọi người vẫn hi vọng về một điều kỳ diệu. Tâm trạng lo lắng của thân nhân các hành khách đi trên chuyến bay là có thể hiểu được. Nhưng họ càng thêm lo lắng khi không có thông tin rõ ràng nào về chuyện gì đã xảy ra. Nếu chưa tìm thấy xác máy bay, không ai chính thức được tuyên bố là đã chết.
Do thiếu thông tin rõ ràng nên các đài truyền hình chỉ có thể phát cuộc phỏng vấn lặp đi lặp lại với các chuyên gia và khai thác tin ở những góc độ như: chuyện một cặp vợ chồng may mắn do lỡ máy bay vì muộn taxi.
Các chuyên gia nhanh chóng nhận định rằng nguyên nhân tai nạn có khả năng là do sét đánh. Nhưng một số chuyên gia khác cũng chỉ ra rằng, nếu chỉ vì sét đánh mà gây tai nạn, thì rất ít người dám liều lĩnh đi máy bay.
Một phi công của hãng hàng không Brazil Tam hôm qua đã phát hiện những đốm màu vàng trên biển Đại Tây Dương, cách đảo Fernando de Noronha nằm ở phía đông bắc bờ biển Brazil 1.300km, khoảng 40 phút sau khi chiếc phi cơ số hiệu 447 của Air France mất liên lạc với trung tâm điều khiển không lưu của Brazil. Các nhân viên điều tra giờ đây đang tìm kiếm thêm thông tin để xác định xem liệu đó có phải là những mảnh vụn từ xác chiếc máy bay bị cháy hay không. |
Theo ông Sparaco, thậm chí trong trường hợp xấu nhất, sét đánh có thể khiến toàn bộ hệ thống điện của máy bay bị tê liệt, nhưng một chiếc máy bay hiện đại như Airbus vẫn có thể bay được. Ông Sparaco cho rằng, tốc độ máy bay vẫn sản sinh ra đủ điện để chạy các thiết bị cần thiết. “Vì vậy nếu toàn bộ hệ thống điện bị mất, phi công vẫn có đủ thời gian để hạ cánh”.
Các nhà khí tượng học cũng đưa ra các lý giải về việc liệu có điều gì xảy ra hay không, ngoài khả năng máy bay bị sét đánh.
Tai nạn xảy ra tại một khu vực không khí thay đổi bất thường dọc đường xích đạo, thường được gọi là Vùng hội tụ giữa 2 chí tuyến. Các thủy thủ và phi công vốn sợ vùng này.
Theo nhà khí tượng học Pierre Lasnais, vùng này “thường xảy ra các cơn bão, sét và các hiện tượng lốc xoáy nhỏ, tạo ra những luồng khí rất mạnh hoặc mưa đá, với kích thước hạt mưa đá có thể to bằng quả bóng tennis”.
“Rất có khả năng máy bay đã bị sét đánh, cùng lúc đó lại bị cuốn vào luồng khí mạnh có tốc độ 200 km/h. Bạn có thể tưởng tượng ảnh hưởng của những hiện tượng này lên máy bay - tất nhiên là máy bay hoàn toàn bị giảm áp suất và không thể kiểm soát được”, Lasnais nói.
Theo BBC