1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những “án phạt” sau các vụ thử tên lửa, hạt nhân Triều Tiên

(Dân trí) - Theo các nhà phân tích, CHDCND Triều Tiên có thể sẽ phải gánh chịu thêm lệnh trừng phạt từ phía Hội đồng Bảo an LHQ, đã chuẩn bị nhóm họp khẩn ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công vào ngày hôm nay.

Những “án phạt” sau các vụ thử tên lửa, hạt nhân Triều Tiên  - 1
Nhật là một trong những quốc gia lên án mạnh mẽ nhất vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
 
Dưới đây là một số lệnh trừng phạt quốc tế vẫn được áp dụng đối với CHDCND Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân trước đây, những vụ thử mà theo Triều Tiên cũng nhằm mục đích “tự vệ trong một thế giới thù địch” như vụ thử ngày hôm nay.

 

- Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an LHQ tháng 10/2006 đã áp đặt các lệnh cấm vũ khí và tài chính đối với Triều Tiên, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, chỉ cách vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa nhất của nước này, Taepodong-2, có ba tháng. Ngoài ra, LHQ còn cấm bán các mặt hàng xa xỉ cho Triều Tiên.

 

- Một tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra ngày 13/4/2009 sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa nhiều tầng đã kêu gọi thực hiện nghiêm khắc hơn nữa các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 1718.

 

- Nghị quyết 1659 của Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 7/2006, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Taepodong-2, cấm mua bán nguyên liệu, công nghệ và cung cấp các nguồn tài chính có thể được dùng trong chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.

 

-Bộ Ngân khố Mỹ ra quy định cấm các công ty của nước này làm ăn với một số công ty của Triều Tiên và cấm các công việc làm ăn liên quan đến tàu bè Triều Tiên. Việc nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Triều Tiên cần phải được phê chuẩn trước.

 

- Nhật Bản cũng đưa ra lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên và cấm các tàu bè Triều Tiên cập cảng nước này. Thực thi theo nghị quyết cấm buôn bán hàng hóa xa xỉ của Hội đồng Bảo an, Nhật đã cấm bán thịt bò, trứng cá muối và cá ngừ, cùng với những loại xe hơi, xe máy và camera đắt tiền cho Triều Tiên.

 

- Việc vận chuyển hàng hóa, thiết bị từ Hàn Quốc, nước Triều Tiên có giao thương khá lớn, cũng bị giới hạn nhiều theo một thỏa thuận đa quốc gia vào năm 1996. Theo đó, việc vận chuyển hàng hóa đã qua sử dụng có thể được dùng cho mục đích quân sự cho Triều Tiên bị giới hạn.

 

- Đổi lấy những tiến bộ mà Triều Tiên thực hiện trong tiến trình giải giáp hạt nhân vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã loại bỏ Triều Tiên ra khỏi danh sách đen các quốc gia tài trợ cho khủng bố của Mỹ. Triều Tiên theo đó cũng không bị gánh chịu những quy định trong Luật giao thương với kẻ thù của Mỹ, tức không phải chịu một số lệnh cấm về thương mại.

 

Phan Anh

Tổng hợp