Những ẩn chứa đằng sau chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc
(Dân trí) - Giới chức Lầu Năm Góc ngày 5/1 nhận định còn phải mất nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể cho triển khai chiếc chiến đấu cơ tàng hình của mình, mặc dù những hình ảnh được tiết lộ trong vài ngày qua chứng tỏ họ đang sở hữu một mẫu hoạt động được.
Hình ảnh về mẫu chiến đấu cơ tàng hình có tên gọi J-20 đã được đăng tải trên nhiều trang web và được xuất bản trên trang nhất của tạp chí Wall Street vào ngày 5/1 vừa qua. Lầu Năm Góc cho rằng các bức ảnh cho thấy chiếc J-20 mẫu đang tiến hành thử nghiệm chạy tốc độ cao trên mặt đất, chứ chưa thử nghiệm cất cánh.
Theo các nguồn tin quân sự Trung Quốc do báo chí Nhật Bản trích dẫn ngày 5/1, máy bay J-20 được thiết kế để không bị radar phát hiện khi bay với vận tốc siêu âm. Đây có thể được coi là kiểu máy bay được Trung Quốc chế tạo nhằm đối trọng với oanh tạc cơ tàng hình F-22A Raptor, do Lockheed-Martin và Boeing chế tạo cho Không lực Mỹ, chiến đấu cơ tàng hình duy nhất đang được triển khai trên thế giới được thiết kế nhằm tránh sự phát hiện của radar kẻ thù.
Theo tạp chí chuyên ngành Aviation Week, máy bay J-20 của Trung Quốc có kích thước lớn hơn người ta phán đoán, có nghĩa là loại máy bay này có thể chở theo lượng vũ khí đạn dược nặng hơn và có tầm hoạt động rộng hơn. Tờ nhật báo Asahi Shimbun của Nhật số ra ngày 5/1 khẳng định Bắc Kinh dự tính ngay từ tháng này sẽ cho bay thử J-20, với mục tiêu là đến năm 2017 sẽ triển khai loại chiến đấu cơ này. Theo tờ báo Nhật, máy bay tàng hình Trung Quốc sẽ được trang bị tên lửa, có thể được tiếp nhiên liệu trên không và có thể bay đến đảo Guam của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.
Mỹ hạ thấp mối lo ngại về J-20
Các bức ảnh chắc chắn đã làm gia tăng lo ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh sức mạnh quân đội, trong đó bao gồm khả năng triển khai tàu sân bay đầu tiên vào năm 2011 và một tên lửa đạn đạo chống hạm mới, được xem như là mối đe dọa với đội tàu sân bay của Mỹ.
Tờ Asahi Shimbun bình luận : “Vừa nỗ lực củng cố vị thế trên Thái Bình Dương, quân đội Trung Quốc vừa nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng không quân. Điều này có thể ảnh hưởng đến thế cân bằng quân sự ở vùng Đông Á”.
Tuyên bố với hãng tin AFP, ông Rick Fisher, chuyên gia thuộc Trung Tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, cũng cho rằng, “một khi được hoàn chỉnh, loại máy bay tiêm kích-oanh tạc mới này có thể sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế thượng phong trên không của Mỹ ở châu Á”.
“Đây có thể chỉ là một cách chứng tỏ rằng dù có gặp bất kỳ cản trở nào (trong lĩnh vực phát triển công nghệ), Trung Quốc đã vượt qua được tất cả”, Randy Schriver, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách về châu Á, cho hay. Cũng có ý kiến cho rằng việc tiết lộ là nhằm hàn gắn quan hệ song phương, một năm sau khi Bắc Kinh cắt đứt các cuộc tiếp xúc quân sự với Washington, để phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.
Song phó đô đốc Mỹ David Dorsett, giám đốc tình báo hải quân, cho rằng việc triển khai J-20 vẫn còn rất xa. “Tôi vẫn chưa rõ khi nào máy bay đó sẽ được triển khai”, ông cho biết. “Phát triển khả năng tàng hình và sau đó đưa nó vào môi trường chiến đấu sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa”.
Một chuyên gia về quân đội Trung Quốc, ông Dennis Blasko nhấn mạnh rằng các bức ảnh cho thấy máy bay đang chạy trên đường băng, chứ chưa có bằng chứng về một cuộc bay thử. Theo ông, cho tới nay, chưa có phi công nào của Trung Quốc có kinh nghiệm lái loại máy bay này, trong khi Không lực Hoa Kỳ đã sử dụng các oanh tạc cơ tàng hình từ gần 30 năm nay.
Ông Dorsett cũng phủ nhận quan điểm cho rằng Lầu Năm Góc đã không đánh giá đúng mức khả năng phát triển công nghệ tàng hình của Trung Quốc.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc đại tá Dave Lapan cho biết thêm Trung Quốc vẫn đang gặp vấn đề với động cơ cho thế hệ chiến đấu cơ trước đó của mình. “Chúng tôi đánh giá thời điểm Trung Quốc có thể triển khai được chiến đấu cơ thế hệ thứ năm là vào khoảng gần cuối thập niên này”, Lapan cho hay. Một quan chức tình báo của Mỹ ước tính hồi tháng 5 năm ngoái rằng J-20 có thể cạnh tranh với F-22 Raptor trong vòng 8 năm nữa.
Raptor là một chiến đấu cơ đầu bảng của Mỹ, với đặc điểm nổi bật của “thế hệ thứ năm”, trong đó có hình dạng, chất liệu và hệ thống phản lực được thiết kế để làm cho chúng trông nhỏ như một con chim nhạn trên màn hình radar kẻ thù.
Mỹ cũng hi vọng sẽ triển khai được “người kế nhiệm” đối với F-22, được biết đến là F-35, trong những năm tới. Và tin tức về công nghệ tàng hình của Trung Quốc phát triển nhanh hơn dự đoán có thể sẽ hối thúc Lockheed Martin cùng Lầu Năm Góc đẩy nhanh tiến độ.
Việc tiết lộ cũng được đưa ra sau khi người đứng đầu lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cảnh báo về tên lửa đạn đạo chống hạm mới của Trung Quốc, có thể “hạ” được tàu sân bay của Mỹ.
Giới chức Mỹ đã thừa nhận Trung Quốc phát triển tên lửa này nhanh hơn dự đoán và hiện đang ở thời điểm bắt đầu triển khai. Dorsett cho rằng sẽ là một sai lầm lớn khi không đánh giá hết được các tiến bộ quân sự của Trung Quốc, tiến bộ được nền kinh tế đang phát triển mạnh như vũ bão hỗ trợ đắc lực. Nhưng cùng lúc, khả năng quân sự của họ của họ vẫn còn thua xa các lực lượng vũ trang của Mỹ. “Chúng ta nhìn nhận họ tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng không, tôi vẫn không coi họ là người khổng lồ cao 3m được”, ông đánh giá.
Song dù gì đi chăng nữa một điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa đội quân thuộc loại lớn nhất thế giới, với một ngân sách quốc phòng chỉ thua có Mỹ và không ngừng tăng mỗi năm. Vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đã tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa dựa trên “nội lực”, chứ không cần sự trợ giúp của nước ngoài.
Phan Anh
Theo Reuters, AFP