1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhóm tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Biển Đông lần thứ 2 trong năm nay giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực.

Nhóm tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông - 1

Tàu sân bay USS Ronald Reagan đi qua biển Ả Rập ngày 6/9 (Ảnh: US Navy).

Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tiến vào Biển Đông hôm 24/9 sau gần 3 tháng hoạt động trên biển Ả Rập. Tàu chiến Mỹ quay lại Biển Đông sau khi hỗ trợ lực lượng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8.

Theo Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành các hoạt động bay, diễn tập tấn công hàng hải, chống tàu ngầm và huấn luyện chiến thuật ở Biển Đông.

"Khi chúng tôi tiếp tục sứ mệnh của mình ở Biển Đông, chúng tôi vẫn sẽ luôn cảnh giác và sẵn sàng đáp lời khi được gọi", chỉ huy tàu sân bay USS Ronald Reagan, Fred Goldhammer, nhấn mạnh trong thông cáo.

Đây là lần thứ 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Biển Đông trong năm nay. Hồi tháng 7, nhóm tàu chiến này đã tiến hành tập trận với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz nhằm "ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan sẽ tiếp tục phối hợp với mạng lưới các đối tác và liên minh để "đảm bảo an ninh hàng hải và dòng chảy thương mại tự do ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Tương tự các tàu sân bay khác của Mỹ, tàu USS Ronald Reagan đóng vai trò như một căn cứ quân sự di động, có thể chở hàng nghìn binh sĩ, hàng chục máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu và các loại vũ khí khác.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan và các nhóm tàu tác chiến của Mỹ hoạt động ở các vùng biển trong khu vực, trong đó có Biển Đông, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.

Mỹ và các đồng minh đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay tới Biển Đông trong một nỗ lực nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. Động thái của Mỹ diễn ra bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã tiến vào Biển Đông hồi đầu tháng 9, trong khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh cũng đi qua vùng biển này trước khi thăm cảng ở Nhật Bản.

Hoạt động mới nhất của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông diễn ra khi căng thẳng đang gia tăng trong khu vực. Cả Trung Quốc và Mỹ cũng như các đồng minh của Washington, gồm Anh, Pháp và Đức đều tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Quân đội Trung Quốc đã tiến hành diễn tập ở Biển Đông vào cuối tuần qua. Bắc Kinh cũng tỏ ra tức giận trước liên minh an ninh khu vực có tên AUKUS mới giữa Mỹ, Anh và Australia. Theo thỏa thuận, Australia sẽ được trang bị công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một động thái được coi là nỗ lực nhằm chống lại Trung Quốc.

Mỹ đưa tàu chiến tới Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan leo thang trong thời gian gần đây. Đài Loan ngày 23/9 đã xuất kích máy bay quân sự nhằm cảnh báo 19 máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo.