Lãnh đạo "Bộ Tứ" sẽ phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
(Dân trí) - Theo Kyodo, trong cuộc gặp thượng đỉnh các nước "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, lãnh đạo từ 4 quốc gia này có thể sẽ phản đối các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản dẫn nguồn thạo tin hôm 22/9 cho hay, lãnh đạo 4 nước "Bộ Tứ" được cho là sẽ phản đối các nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông khi họ gặp thượng đỉnh ở Washington, Mỹ vào tuần này.
Theo các nguồn tin, một bản nháp tuyên bố chung của các lãnh đạo dường như đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn mức bình thường trước đó liên quan tới tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố này được cho là sẽ "phản đối những thách thức gây ảnh hưởng tới trật tự dựa trên quy tắc" ở các khu vực trên.
Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 24/9, sẽ là sự kiện họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Mỹ cho biết, sự kiện sẽ mang tới một cơ hội để củng cố quan hệ, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Tại hội nghị thượng đỉnh "Bộ Tứ" hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo đã đồng ý tìm cách để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.
Năm ngoái, Trung Quốc từng nghi ngờ rằng Mỹ muốn xây dựng "NATO Ấn Độ - Thái Bình Dương" với nòng cốt là nhóm "Bộ Tứ", cũng như cáo buộc Washington muốn tạo ra "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và "khuấy động sự đối đầu giữa các nhóm và khối khác nhau" cũng như "kích thích cạnh tranh địa chính trị".
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, với hàng loạt mâu thuẫn xoay quanh nhiều vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương cho tới chiến tranh thương mại, vấn đề sở hữu trí tuệ…