Nhiều quốc gia gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Sau khi Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Hiroshima, Nhật Bản ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại về những hành động đơn phương, vi phạm pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng gia tăng sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề này.
Nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Australia cho biết, ngày 15-4 Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ có chuyến công du tới Bắc Kinh và gặp gỡ giới chức nước này. Một trong những chủ đề được ông Malcolm Turnbull ưu tiên chính là vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông, cũng như những mối lo ngại về việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên vùng biển này làm biến đổi môi trường sống của các sinh vật biển và làm mất an toàn an ninh hàng hải.
Dự kiến, ông Malcolm Turnbull sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bàn thảo về mối quan hệ giữa các quốc gia láng giềng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhà phân tích chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia Hugh White nhận định: “Thủ tướng Malcolm Turnbull hiểu rất rõ ý đồ của Trung Quốc và sẽ thẳng thắn nêu những vấn đề mà chính quyền Canberra quan tâm”. Đồng thời, ông Hugh White cũng khẳng định, cái mà dư luận quốc tế nói chung đang quan tâm là liệu Bắc Kinh có tiếp tục mở rộng hoạt động xây đảo nhân tạo nữa hay không.
Nhà phân tích này nói: “Trung Quốc có thể sẽ né tránh câu trả lời với Australia, muốn lái các cuộc nói chuyện sang vấn đề khác nhưng Australia không từ bỏ quan điểm của mình. 60% hoạt động giao thương buôn bán đường biển của Australia qua khu vực Biển Đông. 1/3 giao thông hàng hải quốc tế cũng đi qua đây”.
Trong khi đó, Nhật Bản đã tỏ thái độ cứng rắn hơn bằng việc triển khai một tàu trực thăng tới tham gia tập trận chung cùng với hải quân Indonesia ở vùng biển Sumatra. Chiếc tàu này dự kiến sau đó cũng sẽ đậu tại vịnh Subic nơi mà quân đội Mỹ đang có mặt.
Tờ The Diplomat dẫn lời một quan chức giấu tên của Nhật Bản cho biết, quyết định này của chính quyền Tokyo là để gửi tới Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng rằng, Nhật Bản phản đối mạnh mẽ các động thái gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Tờ Bloomberg thì đăng tải một bài viết với bình luận rằng, Bắc Kinh đang bực mình với Tokyo về tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 về vấn đề Biển Đông và động thái mới của Nhật Bản càng khiến Trung Quốc thêm tức giận.
Indonesia, quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang có cùng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông thì tuyên bố tăng cường sức mạnh quân sự tại quần đảo Natuna, nơi Bắc Kinh đang “dòm ngó”. Theo kế hoạch này, 4 đơn vị đặc nhiệm của lực lượng không quân Indonesia sẽ được bố trí tại quần đảo Natuna và được trang bị hệ thống phòng không Oerlikon Skysheld do Đức chế tạo. Đồng thời, Indonesia sẽ xây dựng thêm các nhà chứa máy bay tại Natuna cho các máy bay chiến đấu mà lực lượng không quân nước này đang có kế hoạch nhập khẩu.
Hệ thống phòng không Oerlikon Skyshield là một giàn cao xạ tự động đa năng 35 ly, có thể bắn 1.000 phát mỗi phút, và sử dụng loại đạn được dẫn đường chính xác. Trước đó, vào hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết Jakarta cảm thấy những nỗ lực gìn giữ hòa bình của nước này ở Biển Đông "bị phá hoại" và nước này có thể đưa vụ tranh cãi trên biển mới nhất giữa nước này với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Riêng Philippines, sau khi thành lập một đơn vị đặc biệt để điều phối và thống nhất các chính sách, hành động ở Biển Đông, đã tuyên bố không tiến hành “hiệp thương hữu nghị” như theo đề nghị của Trung Quốc mà chờ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague rồi mới nói chuyện.
Trong vụ kiện này, chính quyền Manila khiếu nại Bắc Kinh một số vấn đề, trong đó có việc Trung Quốc đã không làm theo luật và không ngăn chặn các công dân và tàu của nước này khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc còn ngăn cản bất hợp pháp các ngư dân Philippines kiếm sống thông qua can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn có tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham.
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. đã cảnh báo rằng mọi động thái của Trung Quốc nhằm biến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang tranh chấp thành đảo sẽ làm leo thang các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Washington thuyết phục Bắc Kinh không thực hiện bước đi "khiêu khích nghiêm trọng" này.
Theo Huyền Chi
Công an nhân dân