1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đua vào Nhà Trắng:

Nhiều người Việt tại Mỹ bầu cho bà Hillary

“Tôi đã phỏng vấn nhiều người, có người bầu cho đảng Cộng hòa, có người bầu cho đảng Dân chủ. Có vẻ như nhiều người Việt thích bà Hillary hơn, tuy nhiên nếu người nào mong chờ thay đổi mạnh mẽ về mặt kinh tế, họ bầu cho ông Trump”, ông Vũ Hoàng Lân, đài truyền hình Phố Bolsa TV cho biết.

Ông Vũ Hoàng Lân và bà Margie Rice trong không khí tranh cử sôi động ở ở Westminster ( Ảnh: PhobolsaTV)
Ông Vũ Hoàng Lân và bà Margie Rice trong không khí tranh cử sôi động ở ở Westminster ( Ảnh: PhobolsaTV)

Ông Vũ Hoàng Lân là người theo sát các hoạt động cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ông cho biết, khoảng những năm 80, nhiều người Việt mới sang California thường bầu cho Đảng Cộng hòa vì bang này là địa hạt của đảng Cộng hòa. Rồi tình hình dần thay đổi. Nhìn chung, gần đây người Việt cũng như dân Á châu thường có xu hướng bầu cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, lần này cũng khá khác bởi sự xuất hiện của hai ứng cử viên có cá tính đặc biệt.

“Tôi đã phỏng vấn nhiều người, có người bầu cho đảng Cộng hòa, có người bầu cho đảng Dân chủ. Có vẻ như nhiều người Việt thích bà Hillary hơn, tuy nhiên nếu người nào mong chờ thay đổi mạnh mẽ về mặt kinh tế, họ bầu cho ông Trump,” ông Vũ Hoàng Lân, đài truyền hình Phố Bolsa TV cho biết.

Ông Christopher Hoàng Phạm, giám đốc công ty NetApp, tại San Jose, tiểu bang California, người đã có 25 năm định cư tại Mỹ, cho biết trong kỳ bầu cử này tất cả những người có học tại Mỹ đều quan tâm vì có một ứng cử viên rất đặc biệt có thể làm thay đổi tất cả giá trị nền tảng của nước Mỹ.

Ông cho biết, gia đình ông và cộng đồng Việt Nam cũng đang chiếm đa số những người muốn tham gia cuộc bầu cử kỳ này. Các thế hệ trẻ muốn đi bầu vì họ lo lắng cho tương lai mình. Khi được hỏi ông sẽ bầu cho ai, ông Christopher không ngần ngại trả lời: “Bà Hillary Clinton” bởi lẽ “Ứng cử viên Hillary và đảng Dân chủ có triển vọng làm cho đất nước tiến bộ và không lâm vào hoàn cảnh chiến tranh như ứng cử viên của Cộng hoà”.

Ông Christopher cũng cho biết thêm, ở địa phương, các ứng cử viên địa phương và các dự luật cũng quan trọng không kém, cho nên lá phiếu chia ra làm ba phần: liên bang, tiểu bang và địa phương.

Ông Christopher chia sẻ: “Nói chung, tôi chú trọng vào các phúc lợi xã hội và các dự luật về giáo dục. Có những luật như hợp thức hóa ma túy, tôi sẽ không ủng hộ và sẽ không bầu cho ứng cử viên nào ủng hộ dự luật này”.

Ông Christopher Hoàng Phạm
Ông Christopher Hoàng Phạm

Ông Christopher Hoàng Phạm là một trong những người Việt thành công tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ. Ông có nhiều dự án hợp tác với một số trường đại học tại Việt Nam. Gần đây, ông đã chuyển giao công nghệ điện toán đám mây cho Đại học Bách khoa Hà Nội và chương trình này đang được giảng dạy tại trường.

Tiến sỹ Trương Nguyện Thành, giáo sư tại Đại học Utah, hiện kiêm chức Viện trưởng khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM chia sẻ: “Khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ vào đầu tháng 9/1980, đó là thời điểm chót cho cuộc vận động bầu cử tổng thống mà Ronald Reagan thắng. Tôi rất làm ngạc nhiên và thú vị là một người không có nhiều kinh nghiệm trong chính trường mà có thể lên làm tổng thống Mỹ. Từ đó đến nay tôi luôn quan tâm đến các cuộc bầu cử cấp quốc gia ở Mỹ. Tôi không mấy để ý đến các cuộc bầu cử địa phương cho lắm vì nơi tôi ở Utah bị thống trị bởi đảng Cộng Hòa từ xưa nay nên không có gì thay đổi. Cũng nhờ quan tâm đến các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ tôi hiểu chính phủ Mỹ vận hành như thế nào một cách sâu sát hơn. Tôi vào công dân Mỹ năm 1985 và đi bỏ phiếu tất cả các cuộc bầu cử tổng thống từ 1988.”

Ông Trương Nguyện Thành
Ông Trương Nguyện Thành

Khi được hỏi về việc đi bỏ phiếu, GS Thành cho biết, ông đi bỏ phiếu ngay ở thư viện của trường ĐH. Khu vực trường ĐH Utah có khoảng 50.000 cử tri (30.000 SV và 20.000 nhân viên (trong đó có cả của bệnh viện) nên rất tiện lợi.

Nhận xét về cuộc tranh cử tổng thống năm nay, GS Thành cho biết: “Cuộc tranh cử năm nay rất rõ ràng. Trump chạy đua với quan điểm 'phong kiến' và muốn xây dựng một xã hội khép kín, trong khi đó bà Hillary thì tiếp nối các chính sách của Obama. Về khía cạnh khoa học, bà Hillary có một nhận định đúng đắn về tầm quan trọng của công nghệ. Về giáo dục, bà Hillary đẩy mạnh giáo dục đại học cho đại chúng. Tôi cho đây là một chính sách quan trọng. Về đối ngoại, bà Hillary có chính sách ôn hòa, không cực đoan như Trump. Tôi cho rằng nếu Trump thắng, ông ta chỉ lưu ý đến việc làm những gì kể cả điều đình bất lợi cho quốc gia nhưng có lợi cho công ty Trump với Putin, Tập Cận Bình... Mặt khác tôi cho rằng một nhà lãnh đạo cần có tính chính trực và nhân đạo. Cả hai, Trump đều không có. Như thế rất rõ ràng là tôi sẽ bầu cho bà Hillary.”

Theo ông Vũ Hoàng Lân, năm nay số lượng người gốc Việt ra tranh cử ở địa phương khá đông, hơn 10 người ở nhiều chức vụ khác nhau. Năm nay có điều đặc biệt, bà Margie Rice, người có kinh nghiệm chính trường lâu năm, đã từng làm thị trưởng thành phố Westminster 12 năm, giờ lại ra tranh cử chức thị trưởng thành phố Westminster, nơi có đông người Việt sinh sống với nhiều hứa hẹn dành cho cộng đồng người Việt.

Ông Vũ Hoàng Lân cho biết, các ứng cử viên hay đưa ra những lời hứa để gây chú ý và lôi kéo cử tri bầu cho mình. Tuy nhiên, sau khi họ đắc cử, cử tri chỉ phản đối trước những điều làm sai trái của ứng cử viên, chứ họ không phản đối trước việc hứa mà không làm.

Theo Lan Anh

Tiền Phong