1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhiều nghi vấn trong vụ quan chức Hàn Quốc bị Triều Tiên bắn chết

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Hàn Quốc cho rằng quan chức nước này bị Triều Tiên bắn chết ở gần biên giới 2 nước không để lại bất cứ dấu vết nào cho thấy ông này có ý định đào tẩu qua Triều Tiên như Seoul nghi ngờ.

Nhiều nghi vấn trong vụ quan chức Hàn Quốc bị Triều Tiên bắn chết - 1

Vật dụng của quan chức Hàn Quốc bị Triều Tiên bắn chết (Ảnh: Korea Herald)

Theo hãng tin Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 đã cáo buộc Triều Tiên đã bắn chết một quan chức Hàn Quốc đào tẩu và thiêu xác người này. Quan chức này 47 tuổi, thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc.

Theo các quan chức tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), quan chức trên được cho là đã nhảy xuống biển hôm 21/9 để đào tẩu sang Triều Tiên và đã trôi dạt vào vùng biển của Triều Tiên.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 25/9 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi lời xin lỗi tới người dân Hàn Quốc vì vụ bắn chết này.

Tuy nhiên, theo Korea Herald, chưa có bằng chứng cho thấy quan chức trên dường như có ý định đào tẩu sang Triều Tiên.

Lực lượng Tuần duyên Incheon hôm 24/9 nói rằng quan chức trên không để lại bất cứ di chúc hay bằng chứng nào về kế hoạch đào tẩu sang Triều Tiên. Họ cũng không tìm thấy điện thoại di động hay ghi chú trong cabin tàu mà ông đã ở trong trước khi mất tích.

Điện thoại bị tắt khi lực lượng Tuần duyên kiểm tra lúc 13h19 ngày 21/9, khi nạn nhân bị phát hiện đã mất tích. Họ cũng tìm thấy cuốn sổ nhỏ, ví, quần áo và giày trên tàu và đang xem xét lịch sử cuộc gọi và thông tin tài chính của nạn nhân.

Các đồng nghiệp của nạn nhân nói ông rất cần mẫn và họ chưa từng nghe ông nói gì nhằm thể hiện sự quan tâm tới Triều Tiên.

Tình tiết đôi dép

Nhiều nghi vấn trong vụ quan chức Hàn Quốc bị Triều Tiên bắn chết - 2

Đôi dép của nạn nhân, một trong những tình tiết khiến Hàn Quốc nghi rằng ông muốn đào tẩu qua Triều Tiên (Ảnh: Yonhap)

Tuy nhiên, phía Tuần duyên Hàn Quốc vẫn bỏ ngỏ khả năng quan chức trên có ý muốn đào tẩu vì đôi dép ông để lại trên tàu và việc ông nắm rõ các dòng hải lưu xung quanh khu vực ông phụ trách việc chỉ dẫn tàu cá.

Mặc dù vậy, anh trai của nạn nhân hôm 25/9 đã phỏng đoán về khả năng em trai ông bị ngã khỏi tàu.

“Em tôi mới chỉ trên tàu được 4 ngày và chưa đủ thời gian để làm quen với các tình huống. Em tôi cao 1,8 mét, lan can tàu có thể chỉ đến đùi nên vẫn có khả năng em tôi bị ngã khỏi tàu. Vì nước biển luôn bắn lên tàu, nên em tôi có thể cởi dép để chúng không bị ướt. Việc đôi dép được cất gọn gàng không đồng nghĩa với việc em tôi cố nhảy xuống biển", người anh trai lý giải.

Người đàn ông trên cũng chỉ ra vùng biển em ông mất tích có nhiều đá ngầm nên độ sâu của nước thay đổi nhanh chóng. Phía quân đội nghi ngờ nạn nhân bị hải lưu cuốn đến Triều Tiên nhưng hải lưu chỉ xuất hiện từ 11h30 tới 13h ngày 21/9 - thời điểm có nhiều tàu cá, tàu quân sự, tàu tuần duyên đi qua và nạn nhân có thể dễ dàng bị phát hiện. Người anh trai phỏng đoán em mình có thể mất tích vào 2-3 giờ sáng ngày 21/9. “Nếu em tôi có ý định tới Triều Tiên, cậu ấy sẽ không bao giờ chọn thời điểm đó”, ông cho biết.

Người anh trai cũng thừa nhận nạn nhân đang sống trong nợ nần và đã ly hôn, nhưng ông chưa bao giờ nghe về việc em mình nghiện bài bạc như những gì truyền thông đang đưa tin. Ông nghi ngờ quân đội Hàn Quốc đặt ra nghi vấn em trai mình đào tẩu có thể vì họ không tìm thấy nạn nhân.

"Em tôi có lẽ đã trôi dạt trên biển ít nhất 24-28 giờ và quân đội không tìm thấy. Tôi muốn biết vì sao họ không làm gì khi em tôi bị bắn chết ở Triều Tiên", người anh trai thắc mắc.

Theo Yonhap, sau khi phát hiện quan chức Hàn Quốc trên biển vào khoảng 3h30 chiều ngày 21/9, các thuyền viên trên một tàu Triều Tiên đã đeo mặt nạ chống độc và thẩm vấn quan chức Hàn Quốc từ khoảng cách xa, trong khi vẫn để người này trôi nổi trên biển. Nạn nhân khi đó mặc áo phao và bám vào một vật nổi và sau đó bị phía Triều Tiên bắn chết. Quan chức JCS cho rằng động thái của Bình Nhưỡng là một phần trong chỉ đạo kiểm dịch Covid-19 của nước này.