1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhìn lại 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ (Kỳ 1):

Nhiệm vụ cơ mật của Đại tướng Lê Đức Anh

Bộ Chính trị một lần nữa đặt trọng trách lên vai Đại tướng - ông sẽ cùng với Bộ Ngoại giao tìm cách thăm dò và “mở đột phá khẩu” để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, Việt Nam (VN) lại bước vào một giai đoạn mới vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khôi phục kinh tế, phát triển đất nước. Bối cảnh lịch sử ấy đặt lên vai một vị tướng một trọng trách lớn lao: Thực thi sứ mệnh ngoại giao - một nhiệm vụ quan trọng và cơ mật. Và với phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh, ông đã hoàn thành xuất sắc. Vị tướng ấy là Đại tướng Lê Đức Anh - người lặng thầm khai mở quan hệ Việt- Mỹ.

Thời cơ vàng

VN bắt đầu phát động đổi mới từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986 với những phác họa cơ bản. Nhưng thực chất, để triển khai một cách toàn diện công cuộc đổi mới phải kể đến Đại hội khóa VII, khóa VIII. Khóa VII và khóa VIII đã thực hiện đổi mới quyết liệt, hiệu quả: đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát tới 774%, giải quyết được những vấn đề rất cơ bản về kinh tế để phát triển đi lên, từ đó, nhân dân ta mới tôn vinh các lãnh đạo hai khóa này là ban lãnh đạo “vàng”.

Cũng trong thời kỳ này, một khẩu hiệu được coi là chiến lược, kim chỉ nam của Đảng ta là: “VN muốn làm bạn với tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới”. Bộ Chính trị đã nhìn nhận rõ: muốn mở cửa kinh tế trước tiên phải quan hệ hợp tác với các nước mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, khối EU, Hoa Kỳ... mà khâu “đột phá” là phải tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bởi từ trước tới nay, các nước này đều lấy Mỹ làm chuẩn - “cứ theo Mỹ mà làm, nhìn Mỹ mà xử sự” dường như đã trở thành luật bất thành văn.

Điều đó đặt ra vấn đề bình thường hóa với Mỹ càng sớm càng tốt. Lúc này, trong Bộ Chính trị, bác Đỗ Mười, bác Võ Văn Kiệt, bác Lê Đức Anh cùng lúc gặp nhau ở ý tưởng trên. Còn bên phía Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác Nguyễn Văn Linh và bác Phạm Văn Đồng cũng hết sức đồng tình. Đây là một thuận lợi lớn khi ban lãnh đạo cấp cao của Đảng đều có sự đồng thuận và quyết tâm cao.

Đi sâu phân tích các diễn biến lịch sử mới thấy, đây là thời cơ vàng để VN tiến hành phá bao vây cấm vận, xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Sau khi Mỹ dùng Trung Quốc (TQ) với bàn tay trực tiếp của tập đoàn Pôn Pốt ở Campuchia đánh phá biên giới Tây Nam của VN bị thất bại; trong lúc Mỹ chưa có chính sách mới đối với VN.

Đại tướng Lê Đức Anh, Việt- Mỹ, Bình thường hóa quan hệ, Chiến tranh, bác sĩ, Nguyễn Cao Phan

Tác phẩm "Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi ông Boby Muller, cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam" của tác giả Phạm Cao Phong, đạt giải 3 cuộc thi ảnh "Quan hệ Việt-Mỹ và nước Mỹ qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam". (Ảnh chụp năm 1995, tại Newyork)

Cụ thể, VN giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 thì ngày 15/10/1975, Tổng thống Mỹ sai Cố vấn an ninh đặc biệt, Henry Kissinger tới Bắc Kinh gặp Đặng Tiểu Bình (TQ). Mỹ đã bắt mạch được rằng: Đặng Tiểu Bình bắt đầu phát động mở cửa, đổi mới kinh tế, “xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu TQ” đang rất cần ngoại tệ.

Do đó, Mỹ ra thỏa thuận: TQ đang bị bao vây tứ phía, chỉ có lối thoát duy nhất là phía Nam. Mỹ sẽ “tặng” cho TQ một tỷ USD, đổi lại, TQ chuẩn bị trong 17 tháng, tới tháng thứ 18 phải dùng quân đội Pôn Pốt đánh VN từ hướng Tây Nam VN và TQ trực tiếp gây hấn ở biên giới phía Bắc VN. Đồng thời, Mỹ và TQ sẽ cùng đào tạo những toán biệt kích lớn, đưa về VN hoạt động gây bạo loạn nhằm không cho VN yên tâm hàn gắn vết thương chiến tranh.

Bởi Mỹ đã nhận ra rằng, nếu để VN hàn gắn xong vết thương chiến tranh và sớm gia nhập khối ASEAN thì rất bất lợi cho cả Mỹ và TQ - các nước ASEAN sẽ vươn lên trong độc lập tự chủ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào “nước lớn”…

Xuất phát từ việc trước đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã thực hiện nhiệm vụ “thăm dò và mở luồng” để tiến tới bình thường hóa với TQ thắng lợi, Bộ Chính trị tiếp tục một lần nữa đặt trọng trách lên vai ông. Theo đó, Đại tướng sẽ cùng với Bộ Ngoại giao tìm cách thăm dò và “mở đột phá khẩu” để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Cũng cần phải nói thêm, bình thường hóa với TQ đã khó, vì hai nước vừa xảy ra cuộc chiến biên giới nhưng còn dễ hơn so với với Mỹ. Rào cản lớn nhất là VN và Mỹ vừa trải qua cuộc chiến kéo dài suốt 21 năm nên cả hai bên đều có sự tự ái, hiềm khích và hoài nghi, không bên nào chịu mở lời trước.

Trước đây, TQ với Mỹ rơi vào thời kỳ “băng giá” mối quan hệ suốt 16 năm kể từ sau đại chiến thế giới thứ hai. Để “mở luồng” hàn gắn lại, TQ đã dùng thủ pháp “ngoại giao bóng bàn”. Tức là, cử các đội bóng bàn của mình sang Mỹ thi đấu để vừa giao lưu vừa thăm dò phản ứng của đối phương. Còn giờ đây VN và Mỹ sẽ mở đường bằng cách gì, một câu hỏi lớn đã đặt ra cho Đại tướng Lê Đức Anh .

Đại tướng xét thấy việc mở đường bằng giao lưu kinh tế không khả thi vì Mỹ đang là siêu cường, còn ta đang là một nước nghèo vào bậc nhất nhì thế giới.

Thăm dò bằng khoa học kỹ thuật

Qua nghiên cứu, tìm tòi, Đại tướng Lê Đức Anh đã bật ra suy nghĩ “sẽ mở cửa thăm dò bằng hướng khoa học kỹ thuật”. Lúc ấy, có một sự kiện tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa, đó là: Thiếu tướng, Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Huy Phan đang công tác tại Bệnh viện 108 (Bộ Quốc phòng) là một bác sỹ rất giỏi về phẫu thuật chỉnh hình, vừa tham dự một hội nghị về phẫu thuật chỉnh hình quốc tế và được các bác sỹ quốc tế, trong đó có nhóm bác sỹ người Mỹ rất ngưỡng mộ, ngợi khen.

Vài ngày sau, phía Mỹ mời ông Phan tiếp tục dự một hội nghị quốc tế về y khoa tổ chức tại Mỹ. Vì vậy, Đại tướng mới gọi bác Phan vào giao nhiệm vụ: Khi sang bên đó, đồng chí chỉ tập trung báo cáo thật tốt thành tựu của mình về y khoa chỉnh hình, đừng có nói gì về chính trị. Việc này tuyệt đối cơ mật, chỉ có Bộ Chính trị và người được giao nhiệm vụ biết. Bác Lê Đức Anh cũng căn dặn, nếu những bác sỹ người Mỹ có ý định giúp nhân dân VN một điều gì đó thì cứ mời họ sang.

Khi sang tới đất Mỹ, bà con Việt Kiều, trong đó có nhiều người là bác sỹ, nghe tin có một bác sỹ người Việt nổi tiếng thế giới về phẫu thuật chỉnh hình tới thăm thì rất ngưỡng mộ, đón tiếp nồng nhiệt. Tranh thủ sự ủng hộ ấy, ông Nguyễn Huy Phan đã làm theo lời dặn của Đại tướng, đặt vấn đề với nhóm bác sỹ của Mỹ để họ cử những đoàn “Phẫu thuật nụ cười” qua VN.

Đại tướng Lê Đức Anh, Việt- Mỹ, Bình thường hóa quan hệ, Chiến tranh, bác sĩ, Nguyễn Cao Phan

Giáo sư Nguyễn Huy Phan báo cáo phương pháp tạo hình nhân một trường hợp thương binh nặng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Tôn Đức Thắng, ngày 27-7-1974. (Ảnh: TL/Toquoc.vn)

Ông Nguyễn Huy Phan đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Và đúng theo dự kiến của tướng Lê Đức Anh, chỉ một thời gian ngắn, phía Mỹ đã cử một đoàn bác sỹ sang phẫu thuật miễn phí cho những trẻ em bị khuyết tật sứt môi hở hàm ếch tại VN. Đó là khâu mở đầu rất quan trọng, khẳng định từ việc giao lưu y tế đã giúp VN thăm dò được thiện chí của Mỹ.

Sau một hai đợt các tốp bác sỹ của Mỹ và VN giao lưu, hỗ trợ qua lại trên tinh thần cởi mở, thân thiện, theo đề nghị của tướng Lê Đức Anh, Trung ương đã cử ông Nguyễn Huy Phan làm Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, là cầu nối liên lạc giữa hai bên. Thế nhưng, một tình thế hết sức khó khăn là do ông Phan được giao nhiệm vụ tuyệt mật nên Tổng Cục Hậu cần (quản lý toàn bộ ngành y của Quân đội) đã kỷ luật ông Phan vì cho rằng ông là gián điệp của Mỹ.

Chính sự hiểu lầm ấy đã dẫn tới số phận một con người bị đẩy sang một hướng rẽ khác, mà mãi tới sau này khi quá trình bình thường hóa thắng lợi, mọi việc có thể công khai thì ông Nguyễn Huy Phan mới được minh oan, được tuyên dương công trạng và được thưởng Huân chương Lao động. Người “giải oan” cho ông Phan không ai khác chính là Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Theo Đại tá Khuất Biên Hòa (Nguyên trợ lý của Đại tướng Lê Đức Anh)

Vietnamnet

Nhiệm vụ cơ mật của Đại tướng Lê Đức Anh - 3