1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải mã các "nút thắt" trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, năm 1977, Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ để bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng khi chiến tranh mới kết thúc và trong bối cảnh phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế nên không dễ gì cho chúng ta quyết định một vấn đề lớn như vậy.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã điểm lại một số nét chính trong quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 thập kỷ, qua 5 đời tổng thống Mỹ.

 
Giải mã các nút thắt trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Nguyễn Mạnh Cầm


Hơn một thập kỷ của những khó khăn

Vấn đề bình thường hóa được đặt ra vào năm 1976 khi ta gửi một thông điệp không chính thức cho Mỹ qua Liên Xô nêu vấn đề hai bên nên gặp nhau để thảo luận việc bình thường hóa quan hệ.

Lúc đó, phía Mỹ không trả lời vì đó là thông điệp không chính thức và tuy Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là G.Ford vẫn theo đuổi chính sách cấm vận và cản trở Việt Nam vào Liên Hợp quốc nhưng ông đã quyết định tạm ngừng cấm vận 6 tháng để tạo không khí cho đối thoại. Ngay ngày hôm sau, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao ta đề nghị hai bên gặp nhau để thảo luận. Trong thư trả lời, Bộ trưởng ta đồng ý cuộc gặp, đồng thời yêu cầu Mỹ thực hiện lời hứa góp 3,25 tỷ đô la Mỹ vào việc tái thiết Việt Nam.

Thời gian này có một số cuộc gặp song phương ở cấp thấp, chủ yếu tập trung trao đổi về việc giải quyết vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POM-MIA).

Năm 1976 là năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Ford, người được cử làm tổng thống giữa chừng thay thế Nixon do phải từ chức sau vụ Watergate (nghe lén) chứ không qua bầu cử như thường lệ.

Ngay sau đó Jimmy Carter lên làm tổng thống vào tháng 1/1977 thì tháng 3/1977 đã cử một đoàn do Thượng nghị sĩ Woodcock dẫn đầu sang Việt Nam tìm hiểu tình hình và trao đổi ý kiến về việc bình thường hóa.

Nhưng trong thời gian này, Pol Pot tăng cường đánh chiếm các vùng biên giới của ta, giết hại nhân dân và phá hoại làng mạc. Trước tình hình đó, đồng thời do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Campuchia khẩn thiết yêu cầu ta sang giúp đánh Pol Pot nên từ cuối năm 1977 đầu năm 1978, ta đưa quân tình nguyện sang Campuchia.

Tháng 5/1977 bắt đầu cuộc đàm phán giữa hai đoàn chính thức cấp chính phủ hai nước. Phía ta do Thứ tưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu, phía Mỹ do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Holbrook dẫn đầu. Khi hai bên bắt đầu đàm phán, Tổng thống Carter tuyên bố Mỹ không cản trở việc Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc.

Tuy Mỹ yêu cầu đàm phán không có điều kiện tiên quyết, nhưng khi bước vào đàm phán Mỹ vẫn đòi Việt Nam phải thống kê và giải quyết số người Mỹ mất tích trong chiến tranh và trao trả cho Mỹ. Phía ta cũng nêu yêu cầu Mỹ phải thực hiện lời hứa bằng văn bản góp phần vào việc tái thiết Việt Nam với số tiền 3,25 tỷ đô la Mỹ. Phía Mỹ từ chối thảo luận và nêu ý kiến nên để sau khi bình thường hóa sẽ thông qua buôn bán và cung cấp một số thiết bị cần thiết cho Việt Nam là sẽ góp một phần vào việc tái thiết.

Vấn đề này được ghi trong điều 21 của Hiệp định Paris, thực chất là ta đòi bồi thường chiến tranh nhưng để giữ thể diện cho Mỹ, ta thỏa thuận dùng từ “góp phần tái thiết”. Khi ký tắt hiệp định, Cố vấn Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Tổng thống Mỹ Kissinger đã thỏa thuận bằng văn bản số tiền 3,25 tỷ đô la mà Mỹ sẽ đóng góp vào tái thiết Việt Nam.

Giải mã các nút thắt trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ

Cố vấn Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Tổng thống Mỹ Kissinger bắt tay sau khi ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 (Ảnh: AFP)

Do lập trường hai bên khác nhau nên cuộc đàm phán trên không đạt kết quả. Sang năm 1978, khi ta tiếp tục thúc đẩy cuộc đàm phán và đồng ý đàm phán không điều kiện, ngụ ý không nhắc lại việc thực hiện khoản 3,25 tỷ đô la; Mỹ trả lời họ vẫn giữ quan điểm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhưng lúc này để chậm lại một thời gian.

Thực ra lúc này, Mỹ chững lại việc đàm phán với ta do tập trung chuẩn bị thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Mặt khác, do trong vấn đề Campuchia, Trung Quốc ra sức giúp bè lũ Pol Pot; trong khi đó, đầu năm 1979 cũng diễn ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam, quan hệ Việt-Trung căng thẳng; trên quốc tế, mâu thuẫn Xô-Trung trở nên gay gắt nên Mỹ dừng việc thảo luận vấn đề bình thường hóa và nói lúc này không phải là thời điểm thích hợp.

Sau đó, Reagan lên làm Tổng thống và tuyên bố “chỉ sau khi Việt Nam khẳng định rút hết quân khỏi Campuchia, Mỹ mới bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ”. Do đó, một thời gian Reagan làm thổng thống và giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Tổng thống George W.Bush, cuộc trao đổi giữa hai bên chững lại.

Vào những năm cuối của chính quyền Bush, tình hình khu vực có một số biến chuyển. Cuối năm 1979, quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia và cuộc đàm phán về Campuchia đi dần vào giải pháp. Vào khoảng quý 3 năm 1991, giải pháp về Campuchia được thỏa thuận.

Tháng 10/1991 sau khi kế nhiệm ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Mạnh Cầm sang Paris dự cuộc họp cuối cùng của Hội nghị Quốc tế về vấn đề Campuchia và ký hiệp định lập lại hòa bình ở Campuchia. Ông Cầm đã tranh thủ gặp Ngoại trưởng Mỹ Baker. Trong cuộc gặp, phía ta nêu yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận để tiến tới bình thường hóa quan hệ và đề nghị hai bên cử đoàn cấp chính phủ nối lại đàm phán. Baker đồng ý và cử đoàn nối lại đàm phán và chỉ nêu yêu cầu ta tập trung giúp giải quyết vấn đề MIA.

Ngay sau đó vào tháng 11/1991, hai đoàn gặp nhau, đoàn phía ta do đồng chí Lê Mai, Thứ trưởng Ngoại giao dẫn đầu, và phía Mỹ là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á- Thái Bình Dương Robert Solomon.

Thời gian này, Mỹ quyết định bỏ việc hạn chế các cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân sang Việt Nam du lịch và đồng thời cũng bỏ việc hạn chế đi lại trong phạm vi 25 cây số đối với các cán bộ ta làm việc tại cơ quan đại diện Liên Hợp quốc ở New York.

Trên cơ sở quyết định đó, từ năm 1991, nhiều Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ Mỹ vốn đã từng tham chiến tại Việt Nam đã trở lại Việt Nam nhằm tìm hiểu tình hình và thăm những nơi họ đã từng đóng quân hoặc tham gia chiến đấu. Tất cả đều không ngờ trước thái độ bình thường, lịch sự, có lúc vui vẻ của người dân khi đón họ mà không hề lộ một nét gì căm ghét hay thù oán. Điều đó đã để lại cho họ ấn tượng vô cùng sâu sắc về thái độ bao dung của một dân tộc chịu nhiều đau thương mất mát đang ra sức khắc phục những hậu quả nặng nề sau chiến tranh.

Vì vậy, các cuộc đến thăm đó ít nhiều đã có tác dụng đến quá trình đàm phán bình thường hóa quan giữa hệ hai nước.

Những đột phá mang dấu ấn Clinton

Năm 1993, Tổng thống Clinton nhậm chức. Thời gian này, diễn ra một loạt hoạt động tích cực dẫn đến bình thường hóa thực sự.

Đặc biệt, Clinton đã hai lần gửi thư cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Lần thứ nhất vào tháng 5/1993 nhân dịp Thượng nghị sĩ John Kerry sang Việt Nam, hoan nghênh những bước đi của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Campuchia và đề nghị tạo điều kiện cho Kerry thống kê đầy đủ số người Mỹ bị mất tích trong chiến tranh. Lần thứ hai vào tháng 8/1993 về đề nghị Việt Nam giúp giải quyết tích cực vấn đề người Mỹ mất tích.

Clinton cũng 2 lần gửi đoàn do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Winston Lord dẫn đầu sang Việt Nam để trao đổi những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa hai nước. Tham gia đoàn thứ nhất vào tháng 7/1993 có Thứ trưởng Bộ cựu binh và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ. Đoàn thứ 2 vào tháng 5/1995 với sự tham gia của Thứ trưởng Quốc phòng trao đổi về quan hệ giữa hai nước. Cũng vào lúc này Clinton thông báo giải tỏa quan hệ giữa Việt Nam và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tháng 6/1993, một số quan chức Mỹ thuộc cả hai đảng do cựu Ngoại trưởng Edmund Muskie đứng đầu đã ra lời kêu gọi chính quyền Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Cuối tháng 7/1993, Tổng thống Clinton cử một đoàn thương mại gồm đại diện 15 tập đoàn và công ty lớn của Mỹ sang Việt Nam để trao đổi và ký kết các dự án hợp tác cụ thể nhưng chờ sau khi cấm vận được bãi bỏ mới triển khai.

Tháng 9/1993, Clinton quyết định cho các công ty Mỹ tham gia các dự án do các cơ quan tài chính quốc tế giúp Việt Nam nhưng sẽ thực hiện sau khi bãi bỏ cấm vận.

Sau một thời gian giải quyết những bước đi thích hợp, ngày 3/2/1994, Tổng thống Clinton tuyên bố bãi bỏ cấm vận và đề nghị trao đổi văn phòng đại diện hai nước tại hai thủ đô.

Giữa tháng 5/1995, Clinton cử đoàn do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Winston Lord dẫn đầu sang Việt Nam và trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa hai nước. Đoàn Mỹ lúc về nước tuyên bố quan hệ hai nước đã có những tiến bộ tích cực. Tháng 6/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ gửi thư cho Tổng thống Clinton đề nghị xem xét vấn đề bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, trong đó đánh giá cao việc Việt Nam tích cực giải quyết vấn đề MIA và quyết định sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao sang Việt Nam ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 12/7/1995, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Clinton về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, cho rằng điều đó đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và nhân loại tiến bộ. Chủ tịch Võ Văn Kiệt cũng khẳng định đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngày 5/8/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher sang thăm Việt Nam, và cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Hiệp định chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai Bộ trưởng thỏa thuận bước đi đầu tiên hai nước cần làm là triển khai hợp tác kinh tế-thương mại.

Giải mã các nút thắt trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ
 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (phải) tại lễ ký Hiệp định chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (Ảnh tư liệu: Phạm Cao Phong)

Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, việc kéo dài quá trình bình thường hóa chủ yếu do phía Mỹ điều chỉnh chính sách, thay đổi thái độ, đình chỉ các cuộc gặp vào thời kỳ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Carter, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan và những năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush dưới sự tác động của quan hệ giữa các nước có liên quan ở khu vực và thế giới, trong đó có mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Trung Quốc-Liên Xô…

Hơn nữa, việc thảo luận về bình thường hóa tiến hành trong khi hội chứng Việt Nam ở xã hội Mỹ vẫn còn rất nặng nề. Trong chính quyền cũng như xã hội Mỹ còn nhiều người phản đối điều này, vì vậy, Mỹ vừa làm vừa thăm dò dư luận và chỉ giải quyết từng bước, không dám giải quyết nhanh. Thái độ của các Tổng thống cũng có tác động nhất định đến quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.


Nam Hằng (thực hiện)
(hangpt@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm