1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhen nhóm cuộc chiến "lưỡng bại câu thương" Mỹ - Trung Quốc

Một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhen nhóm khi Bắc Kinh ngừng ưu đãi 128 sản phẩm của Mỹ nhằm trả đũa việc Washington áp thuế cao với sản phẩm của Trung Quốc.


Những biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới

Những biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, từ ngày 2-4, nước này bắt đầu áp mức thuế 15% đối với 120 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm trái cây và các sản phẩm liên quan, mức 25% đối với 8 mặt hàng gồm thịt lợn và các sản phẩm liên quan. Giới chức tại Bắc Kinh nêu rõ, biện pháp này nhằm đáp trả quyết định trước đó của Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm của Trung Quốc.

Trước đó, hôm 8-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, trong đó có các sản phẩm của Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Donald Trump sau đó còn quyết định bổ sung áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho là Bắc Kinh đã “ăn cắp” công nghệ của Mỹ.

Trung Quốc ngay lập tức phản ứng mạnh trước các biện pháp của Mỹ mà Bắc Kinh cho rằng vi phạm điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về áp dụng biệt lệ, trái với nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương, đồng thời làm “tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích của Trung Quốc”. Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ sớm có biện pháp đáp trả phía Mỹ, trong đó có việc ngừng ưu đãi thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Chính quyền Mỹ cho rằng những biện pháp mà họ công bố là nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ cũng như doanh nghiệp nước này trước tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng, trong đó phần lớn thâm hụt này là do trao đổi thương mại với Trung Quốc. Số liệu báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ngày 7-3 cho thấy trong tháng 1 năm nay, thâm hụt thương mại của Mỹ đã vượt xa dự đoán của các chuyên gia phân tích, từ mức dự báo 2% lên tới 5%, tương đương 56,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 10-2008.

Cho dù Mỹ hay Trung Quốc đưa ra bất kỳ lý do gì để gây khó cho hàng hóa xuất khẩu của nhau, bảo vệ lợi ích thương mại của mình thì các biện pháp được cho là trả đũa thương mại cũng dấy lên nguy cơ bùng phát cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 của thế giới. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng các biện pháp trả đũa thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tổn hại tới chính lợi ích của 2 quốc gia này. Nhiều chuyên gia nhận định, trong một thế giới tỷ giá hối đoái linh hoạt như hiện nay, việc áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế 20%-25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới.

Do vậy, các biện pháp thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể gây tác động bất lợi đối với chính nền kinh tế Mỹ. Thậm chí những tác động này có thể lớn hơn nữa, nếu nó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại.

Vì thế, ngay chính Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thừa nhận, sẽ không có “kẻ thắng người thua” trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng cho rằng trong một cuộc chiến thương mại, không ai là người chiến thắng.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô