1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật - Trung: Sau va chạm là mối quan hệ sống còn

(Dân trí) - Căng thẳng đã nảy sinh trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần duyên Nhật Bản. Nhưng rõ ràng, hai bên đều không muốn làm nóng thêm tình hình, vì sau va chạm này là những lợi ích qua lại sống còn.

 
Nhật - Trung: Sau va chạm là mối quan hệ sống còn  - 1
Vụ đụng tàu xảy ra gần một nhóm đảo cả hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền (ảnh: Trung Quốc gọi đảo này là Điều Ngư Đài)
 
Đây là căng thẳng cao nhất trong quan hệ ngoại giao Trung-Nhật kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Nhật Bản hồi tháng 4/2007. Khu vực nơi chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt giữ là gần một quần đảo không có người ở mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku, còn phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài. Ngay sau vụ việc, Bắc Kinh liên tiếp có những phản ứng mạnh mẽ đối với Tokyo. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã 4 lần triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh để “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng”, hối thúc Nhật Bản “đưa ra quyết định chính trị sáng suốt" và thả chiếc tàu đánh cá cùng thủy thủ đoàn. Xinhua mô tả ông Đới như quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đưa ra phản ứng về vấn đề này.

Vào ngày 10/9, Trung Quốc hoãn một phiên đàm phán về vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông đã lên lịch từ trước, sau khi một tòa Nhật Bản ra phán quyết rằng thuyền trưởng của tàu bị giam thêm 10 ngày nữa. Phía Trung Quốc cho rằng “rất không bình thường” khi Tokyo dường như muốn truy tố thuyền trưởng tàu Trung Quốc mà với cáo buộc cố tình đâm vào tàu Nhật Bản và cản trở người thi hành công vụ, mức án tối đa có thể lên tới 3 năm tù.

Đáp lại phản ứng của Bắc Kinh, Nhật Bản ngầm cảnh báo rằng không một tàu nước ngoài nào được phép có những hoạt động trái phép trong vùng lãnh hải của Nhật Bản. Nhật Bản thậm chí đã quyết định tiến hành điều tra thêm các chứng cứ vụ thâm nhập của tàu cá Trung Quốc và lên phương án hành động phòng ngừa vụ việc tương tự trong vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Có ý kiến cho rằng lý do khiến Nhật Bản phản ứng mạnh Trung Quốc bắt nguồn từ việc Thủ tướng Kan đang chạy đua để tiếp tục giữ chức chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và ông cần có những hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thêm nữa, Nhật Bản đang được sự bảo trợ của Mỹ, vì vụ va chạm xảy ra ở khu vực đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Philip Crowley khẳng định “nằm trong khuôn khổ bảo vệ của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ”. Còn phản ứng của Bắc Kinh có thể liên quan đến một loạt cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn Quốc gần đây ở Hoàng Hải.

Nhưng chắc chắn, hai nước thực sự không muốn vụ việc lần này leo thang căng thẳng. Hãng tin Xinhua ngày 13/9 cho biết trong diễn biến tích cực mới nhất, Nhật Bản đã thả thủy thủ đoàn của tàu cá Trung Quốc.
 
Nhật - Trung: Sau va chạm là mối quan hệ sống còn  - 2

Báo Trung Quốc nói Nhật Bản đã trả tự do cho các thuyền viên trên tàu cá của Trung Quốc bị bắt hồi tuần trước ở biển Hoa Đông

Ba năm qua, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này đã được cải thiện. Hiện nay, do kinh tế Nhật Bản ngày càng dựa vào Trung Quốc nên việc tăng cường quan hệ ngoại giao và chính trị với Trung Quốc sẽ có lợi ích rất lớn đối với Nhật Bản. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II/2010 đã vượt Nhật Bản, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
 
Hiện số lượng công ty và nhà máy sản xuất của Nhật Bản tại Trung Quốc rất đông. Các số liệu liên quan cho thấy năm 2009, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Nhật Bản lần đầu tiên đã vượt kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản. Các hoạt động kinh tế lớn giữa Trung Quốc và Nhật Bản với kim ngạch thương mại song phương đạt 238,7 tỷ USD năm ngoái giúp củng cố quan hệ hơn nữa.

Vấn đề đảo Điếu Ngư là vấn đề nhạy cảm và quan trọng trong quan hệ Trung-Nhật. Nhật Bản thường tỏ ra rất thận trọng về vấn đề này. Tokyo cũng không muốn làm to vấn đề vì cho rằng điều này không có lợi cho mối quan hệ thương mại, cũng như ảnh hưởng tới sự ổn định và hòa bình tại khu vực Đông Á. Còn về phía mình, Bắc Kinh muốn một giải pháp nhanh chóng với vấn đề lãnh thổ nhạy cảm để không khuấy động phản ứng dữ dội.

Tất nhiên là các nguồn gốc bất hòa vẫn tồn tại: những hoạt động hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển gần Nhật Bản khiến Tokyo lo ngại, những tranh cãi xung quanh việc khai thác khí đốt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông vẫn chưa làm Tokyo yên lòng. Nhưng cả Nhật Bản và Trung Quốc đều nhận thức được rằng với quan hệ Trung-Nhật không ngừng tăng, rủi ro đối với cả hai bên sẽ càng lớn nếu như quan hệ giữa hai nước xấu đi.

Hà Khoa
Tổng hợp