1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật: Nước nhiễm phóng xạ cao đang rò rỉ ra bên ngoài

(Dân trí) - Nước chứa lượng phóng xạ cao đã ngấm ra bên ngoài một tòa nhà tại nhà máy điện Fukushima I, làm tăng lo ngại loại nước nguy hiểm này chảy ra biển và ngấm vào đất.

 
Nhật: Nước nhiễm phóng xạ cao đang rò rỉ ra bên ngoài - 1


Nỗi lo phóng xạ đang ngày một tăng cao tại Nhật.
 

Một quan chức của Công ty điện lực Tokyo (Tepco) cho biết tại cuộc họp báo hôm nay rằng, nước nhiễm phóng xạ cao trên được tìm thấy ở rãnh nước nối với lò phản ứng số 2 trong nhà máy. Mức phóng xạ trong nước lên tới hơn 1.000 millisieverts/giờ.

 

Quan chức này cũng cho biết nước nhiễm phóng xạ cao trên xuất từ một tòa nhà chứa tua-bin của lò phản ứng.

 

“Chúng tôi cần phải kiểm tra xem liệu số nước này có thể chảy trực tiếp ra biển không”, ông cho hay.

 

Trước đó, Tepco cho biết nước trong lò phản ứng số 2 có lượng phóng xạ gấp 100.000 lần so với bình thường và người phát ngôn chính phủ Nhật Edano cho hay nước này có vẻ như do lõi lò phản ứng đã bị tan chảy một phần.

 

Một phát ngôn viên của Tepco cũng nhận định sự hiện diện của hóa chất phóng xạ như iot và cesium cho thấy các thanh nhiên liệu bị hư hại là “thủ phạm”. Tuy nhiên, áp suất trong các bể chứa lò phản ứng ổn định, chứng tỏ sự tan chảy mới chỉ là một phần.

 

Trong khi đó, chỉ số mới cho thấy mức độ nhiễm xạ trong nước biển đã lan rộng cách bờ biển gần nhà máy Fukushima I tới 1,6km. Theo người phát ngôn của Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật, ông Hidehiko Nishiyama, phóng xạ iot-131 được phát hiện ở nước biển ngay gần lò phản ứng số 5 và 6 của Fukushima cao hơn mức bình thường 1.150 lần.

 

Ông Nishiyama nghi ngờ nước phóng xạ rò rỉ từ nhà máy đang ngấm vào nước biển.

 

Ở khu vực biển gần nhà máy hơn, vào tuần trước lượng phóng xạ cao gấp 1.250 lần mức bình thường và tăng lên gấp 1.850 lần vào cuối tuần. Ông Nishiyama cho rằng mức tăng này đáng lo ngại song khu vực không phải là nơi đánh bắt hải sản.

Theo một chuyên gia hạt nhân Mỹ, phải mất nhiều tuần để có thể làm sạch nước phóng xạ.

Phan Anh

Theo AFP, AP