Trung Quốc dòm ngó Trung Đông
Giới phân tích khuyên Mỹ nên quan tâm nhiều hơn đến những động thái của Trung Quốc ở Trung Đông
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20-1 tiếp tục chuyến công du Trung Đông với chặng dừng chân mới nhất là Ai Cập.
Tại cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, ông Tập tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của Cairo trong việc duy trì ổn định và tin rằng mỗi quốc gia có quyền chọn con đường riêng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra phát biểu trên trước thềm kỷ niệm 5 năm ngày nổ ra cuộc nổi dậy đặt dấu chấm hết cho 30 năm lãnh đạo Ai Cập của Tổng thống Hosni Mubarak (25-1-2011).
Trước khi đến Cairo, ông Tập đã thăm Ả Rập Saudi và dự lễ khánh thành nhà máy lọc dầu Yasref do Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) cùng Công ty dầu Ả Rập Saudi (Saudi Aramco) bắt tay xây dựng ở TP Yanbu.
Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên Sinopec tham gia xây dựng ở nước ngoài - một bước đi nêu bật tham vọng của Bắc Kinh trong việc tăng cường tiếp cận nguồn dầu mỏ ở Trung Đông. Không những thế, báo The Washington Times (Mỹ) bình luận chuyến công du của ông Tập có thể còn phục vụ mục tiêu lật đổ vị thế của Mỹ tại khu vực này.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Cairo hôm 20-1.
Ông Tập dự kiến đến Tehran ngày 22-1, qua đó trở thành chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Iran kể từ năm 2002.
Theo giới phân tích, chuyến đi này diễn ra vài ngày sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran được dỡ bỏ, cho thấy Bắc Kinh muốn đi trước các nước khác trong việc giành các thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư ở đó. Không những thế, Tân Hoa Xã cho biết Tehran sẽ đóng vai trò quan trọng trong cái gọi là chiến lược “Một vành đai, một con đường” nhằm thiết lập các tuyến giao thương giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Một số chuyên gia cho rằng việc ông Tập đặt chân đến cả Ả Rập Saudi và Iran - 2 nước đang xem nhau là kẻ thù - cho thấy Trung Quốc vẫn muốn duy trì lập trường trung lập trên bàn cờ chính trị phức tạp ở Trung Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp rằng sẽ là khôn ngoan nếu những quốc gia này chọn họ - thay vì Washington - làm đối tác của tương lai.
“Trung Quốc muốn được nhìn nhận là thế lực có sức ảnh hưởng ngày càng lớn và có thể khôi phục trật tự ở Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ bị xem là không còn thống trị chính trường khu vực này. Chính sách của Mỹ ở khu vực lúc này dường như hoàn toàn lộn ngược vì chúng ta theo đuổi hòa bình với Iran và khiến bạn bè - người Saudi, Israel… - xa lánh. Trung Quốc đang tận dụng thời cơ để lấp đầy khoảng trống quyền lực này” - ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.
Ngoài mục tiêu trên, cơn khát dầu dự kiến không ngừng gia tăng trong những năm tới và quyết tâm tìm kiếm thị trường mới cho những sản phẩm mình cũng là động lực để Bắc Kinh tìm đến Trung Đông. Tuy nhiên, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang khiến sứ mệnh trên của ông Tập thêm phức tạp.
Cho dù ý đồ của Trung Quốc có là gì thì giới phân tích khuyên Mỹ nên quan tâm nhiều hơn đến những động thái của nước này ở Trung Đông.
“Mỹ cần tăng cường đối thoại nghiêm túc với các đối tác, đồng minh chủ chốt về vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông cũng như khuyên họ suy nghĩ kỹ về tác động tích cực lẫn tiêu cực của Trung Quốc đối với an ninh khu vực” - ông Cronin hiến kế.
Theo Hoàng Phương
Người Lao động