1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật "đau đầu" với bài toán Biển Đông

(Dân trí) - Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông sau các chuyến tuần tra mới đây của Mỹ để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhiều đồn đoán đang tập trung vào bước đi của Nhật sau những tuyên bố mạnh mẽ.

Tàu của lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản (Ảnh: News)
Tàu của lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản (Ảnh: News)

Thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ tại một hội nghị ở Tokyo, rằng ông có kế hoạch vận động quốc tế tại hội nghị Thượng đỉnh G20 và APEC sắp tới, hợp tác bảo vệ vai trò của pháp quyền trong các tranh chấp chủ quyền biển

Hội nghị G20 sẽ diễn ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ còn Hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Manila, Philippines trong tháng này.

Thời gian qua, một số quan chức quân sự và ngoại giao cấp cao của Mỹ đã hối thúc ông Abe điều Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật Bản tham gia tuần tra chung trên Biển Đông. Vị thủ tướng cũng có thể nhận thấy rằng việc này phù hợp với lợi ích của Nhật, khi xét tới những khoản đầu tư chiến lược trong khu vực này. Mỗi ngày, một lượng khổng lồ hàng hóa giữa Nhật và các nước trong khu vực được vận chuyển qua đây.

Dù vậy, các quan chức cấp cao tại Tokyo tiết lộ với tờ Japan Times rằng việc này vẫn chưa được tính tới. 3 quan chức, những người nắm được thông tin về tiến trình ra quyết định đối với các vấn đề an ninh, khẳng định Nhật không muốn điều lực lượng Phòng vệ tham gia các cuộc tuần tra chung với quân đội Mỹ.

Một quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Nhật khẳng định. Lực lượng phòng vệ Biển (MSDF) không có năng lực đủ lớn để điều máy bay tuần tra và tàu khu trục cùng lúc làm nhiệm vụ cả tại Hoa Đông lẫn Biển Đông.

“Không một ai tại Bộ quốc phòng nghĩ tới việc điều (SDF) tới Biển Đông”, vị quan chức giấu tên cho biết. “Ưu tiên của chúng tôi vào lúc này là biển Hoa Đông. Chúng tôi cần tập trung cho nó trước tiên”.

Một quan chức giấu tên khác tranh luận rằng Nhật không nên tham gia cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ. Mới đây tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã được Mỹ điều động vào bên trong vùng nước 12 hải lý tính từ đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông.

Sự tham gia của Nhật trong một chuyến tuần tra rủi ro như vậy sẽ mang tính khiêu khích quá mạnh với Bắc Kinh và có thể “gây phản ứng ngược”, vị quan chức này cảnh báo.

Kể từ năm 2012, Bắc Kinh thường điều các tàu chính phủ tới biển Hoa Đông, để tăng cường các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát.

MSDF thường điều các máy bay tuần tra P-3C cùng tàu khu trục tới vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư để giám sát và ngăn chặn tàu Trung Quốc.

Nếu Nhật thực hiện tuần tra tại Biển Đông, Tokyo sẽ phải gia tăng mạnh mẽ lượng tàu và máy bay, hiện mới được huy động để bảo vệ quần đảo Senkaku. Đây là một lựa chọn không phải không thể, nhưng “là một quyết định rất khó khăn” với Tokyo.

Hồi tháng 6, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry B. Harris Jr. được tin là đã nói với báo giới Tokyo rằng, Mỹ sẽ chào đón sự tham gia của Nhật trong các chiến dịch tuần tra Biển Đông.

Về mặt chính thức, trước công chúng, tất cả các lãnh đạo của Nhật, bao gồm Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani và Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đều lặp lại gần như một bình luận giống hệt nhau trước báo giới: “Nhật Bản hiện không có kế hoạch nào” trong việc điều SDF tới Biển Đông, nhưng “có thể cân nhắc việc đó” tùy thuộc vào diễn biến tình hình.

Sự không rõ ràng này đã làm dấy lên những đồn đoán về ý định của Nhật.

Bất chấp phát biểu của ông Harris, các nguồn tin chính phủ Nhật cho thấy cả quan chức quân sự lẫn ngoại giao Mỹ chưa hề chính thức đề nghị Nhật cử các đơn vị MSDF tới Biển Đông.

“Tại thời điểm này, chúng tôi sẽ không điều SDF tới Biển Đông”, một quan chức cấp cao trong nội các Nhật tiết lộ ngày 5/11. “Nhưng chúng tôi không cần phải phủ nhận mọi lựa chọn vào lúc này”.

Quan chức bộ này cũng cho biết, trong tương lai một lựa chọn có khả năng đó là hạm đội của MSDF đi qua Biển Đông trên đường trở về nhà sau một cuộc tập trận quốc tế. Nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra quanh việc Nhật có thực thi một chiến dịch như vậy, và tất cả sẽ tùy thuộc vào diễn biến trên Biển Đông.

Trong khi đó, một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết, Hải quân Mỹ có kế hoạch tuần tra bên trong vùng nước 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông 2 lần/quý.

Bonji Ohara, một nhà nghiên cứu tại Tokyo Foundation, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo của Văn phòng tham mưu MSDF, cho biết, ông tin rằng Nhật nên tham gia tuần tra thường xuyên tại Biển Đông đề duy trì tự do hàng hải, và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng ông Ohara cũng cho rằng, Nhật không nên đưa tàu khu trục vào trong vùng nước 12 hải lý, như cách USS Lassen đã làm. Chuyên gia này chỉ ra rằng, theo những giới hạn khắt khe của Hiến pháp Hòa bình của Nhật, một tàu MSDF chỉ có thể tấn công đẻ tự vệ, nếu một cuộc đụng độ quân sự với Trung Quốc nổ ra.

Nhật Bản không nên tham gia một cuộc tuần tra rủi ro như vậy, bởi không giống quân đội Mỹ, Nhật Bản khoogn có “lựa chọn tiếp theo” để ứng phó với khả năng xảy ra đụng độ quân sự với Trung Quốc.

Thanh Tùng

Theo Japan Times

 

Nhật "đau đầu" với bài toán Biển Đông - 2